Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Việt Nam cần làm gì trước nguy cơ xâm nhập của biến chủng Omicron?

(VTC News) -

Biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2 đang được cả thế giới quan tâm, Việt Nam cần làm gì trước nguy cơ xâm nhập của biến chủng nguy hiểm này?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 26/11 xếp biến chủng mới của SARS-CoV-2 (B.1.1.529) vào nhóm "đáng lo ngại" với tên gọi Omicron, lần đầu tiên phát hiện tại châu Phi. Kết quả giải trình tự gene ban đầu cho thấy, Omicron có tới 32 đột biến protein gai. Hiện các nhà khoa học trên thế giới gấp rút nghiên cứu, phân tích về biến chủng mới này.

Không nên quá lo lắng

Theo BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I TP.HCM, Omicron là một trong những biến chủng thông thường khác của virus SARS-CoV-2. Hiện chưa nghiên cứu cụ thể biến chủng này lây lan hơn chủng khác, cụ thể là chủng Delta hay không. Tuy nhiên, dù điều này xảy ra thì theo quy luật sinh học, chủng Omicron cũng không thể vượt qua được hàng rào bảo vệ là khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn. Vì vậy, người dân không nên quá lo lắng.

“Theo quy luật sinh học, nếu biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn Delta thì sẽ thay thế Delta. Theo tôi, chưa chắc chủng này vượt qua được sự bảo vệ của vaccine. Bởi các chủng trước chúng ta cũng bàn rất nhiều về việc liệu biến chủng đó có vượt qua được vaccine hay không, nhưng rồi sau đó khẳng định vaccine vẫn có tác dụng.

Khi một loại biến chủng trở nên thuần với con người thì triệu chứng và tập tính sẽ được giảm xuống. Quy luật sinh học cho thấy, bản chất của virus là muốn dựa vào con người để sinh sôi. Omicron có thể trở thành một dạng như cảm lạnh thông thường. Do vậy, người dân cũng không nên quá lo lắng”, BS Khanh nói.

BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I TP.HCM.

Còn theo BS CKII Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam trên thế giới đang rất quan tâm tới biến chủng của virus SARS-CoV-2 là Omicron phát hiện lần đầu tiên tại châu Phi. Tuy một số ý kiến ban đầu nói về biến chủng này có khả năng lây lan nhanh hơn hay gây bệnh nhẹ hơn, song đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào cụ thể khẳng định việc này.

Do đó, giới khoa học trên thế giới đang gấp rút nghiên cứu, phân tích biến chủng này ở 4 khía cạnh. Thứ nhất, mức độ lây truyền có cao hơn các chủng cũ hay không. Thứ 2, mức độ gây bệnh nặng của chủng này có cao không, gây tử vong nhiều hơn không. Thứ 3 là tác động của vaccine COVID-19 tới biến chủng này có bị thay đổi nhiều hay không và cuối cùng là biến chủng Omicron có khả năng “né tránh” miễn dịch của người từng khỏi COVID-19 khiến họ bị nhiễm lại hay không.

“Với những thông tin ban đầu vẫn còn khá ít ỏi thì hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp biến chủng Omicron vào nhóm “đáng lo ngại”. Do vẫn còn ít thông tin như vậy nên người dân không nên quá hoang mang, lo lắng mà cần chờ đợi thông tin chính thức từ cơ quan chức năng”, BS Hà nói.

Việt Nam cần làm gì?

Theo BS Nguyễn Hồng Hà, việc phòng tránh nguy cơ xâm nhập của biến chủng Omicron vào nước ta rất khó. Cũng như SARS-CoV-2 nói chung, virus “mang tính quốc tế” nên nguy cơ ghi nhận biến chủng này ở Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian. Chính vì vậy, việc chuẩn bị cho một biến chủng mới như Omicron rất quan trọng.

Theo ông, chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay của Việt Nam rất bài bản và cụ thể, vì vậy không cần thiết phải thay đổi mà cần cảnh giác hơn thôi. Điều quan trọng nhất ở đây là không riêng với chủng Omicron mà với tất cả biến chủng khác là ý thức của người dân phải được đặt lên hàng đầu. Nước ta đang thực hiện trạng thái bình thường mới, mỗi người cần nâng cao ý thức bằng cách tuyệt đối tuân thủ 5K thì không phải quá lo lắng về chủng mới này.

Tăng độ bao phủ vaccine COVID-19 cũng là phương án cần để Việt Nam phòng chống sự đe doạ của biến chủng Omicron.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng tốc độ tiêm chủng vaccine để nâng độ bao phủ rộng nhất trong toàn dân. Bên cạnh đó, nước ta cũng cần tính toán tới việc tiêm bổ sung mũi vaccine thứ 3 cho những người đủ điều kiện, trong đó, ưu tiên nhất là lực lượng tuyến đầu, người già, người có bệnh lý nền và nhóm đối tượng bị suy giảm miễn dịch… Việc này sẽ giúp hạn chế tối đa ca bệnh nhập viện, bệnh nặng và số người tử vong.

Chung quan điểm, BS Trương Hữu Khanh bày tỏ, do vẫn chưa có nhiều thông tin về biến chủng Omicron nên lúc này Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng hệ thống y tế sao cho vừa phòng chống dịch, vừa nghe ngóng thế giới xem chủng Omicron có mức độ đe doạ cao hơn chủng Delta hay không.

Để làm được điều này, nước ta cần hạn chế các nguồn bệnh du nhập từ những vùng dịch đã ghi nhận biến chủng này.

“Người dân phải bình tĩnh. Việc quan trọng hiện nay là chúng ta phải bình tĩnh lắng nghe thông tin trên thế giới. Nếu như biến chủng này không có mức độ đe doạ cao hơn Delta thì công tác chống dịch tại Việt Nam vẫn thực hiện như hiện nay. Tuy nhiên, người dân cũng cần nâng cao thêm ý thức bằng việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hạn chế tới những nơi đông người và quan trọng nhất là tuân khủ 5K của Bộ Y tế. Cùng với việc tăng độ phủ vaccine COVID-19 tôi tin rằng chúng ta cũng không cần quá lo lắng về biến chủng này”, BS Khanh nhấn mạnh.

Người dân không nên quá lo lắng trước biến chủng Omicron.

Để tránh bị động trước nguy cơ xâm nhập của biến chủng Omicron, theo chuyên gia này, có 2 việc Việt Nam cần làm sớm. Đầu tiên là tiêm bổ sung mũi 3 cho những đối tượng nguy cơ để hạn chế ca bệnh nặng, phải nhập viện và tử vong, từ đó tránh quá tải cho hệ thống y tế. Thứ hai là Việt Nam cần cố gắng làm sao để chủ động lo được nguồn thuốc điều trị COVID-19.

“Đó là 2 việc bắt buộc chúng ta phải làm, dù là chủng Omircon lây lan nhiều hay ít, có thực sự gây bệnh nặng hay không. Vì rõ ràng nước ta vẫn đang còn gánh nặng y tế từ chủng Delta. Cho nên, theo tôi đó là 2 việc chúng ta cần phải làm sớm, và làm ngay từ bây giờ”, BS Khanh nói.

Trước đó, để chủ động kiểm soát tình hình dịch và ngăn chặn nguy cơ xâm nhập, lây lan biến chủng mới Omicron, tối 28/11, Bộ Y tế cho biết đã chỉ đạo tăng cường giám sát dịch COVID-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch. Bộ yêu cầu các viện vệ sinh dịch tễ/ Pasteur chủ động giải trình tự gene các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những người có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia phía nam châu Phi.

Bộ Y tế đề nghị tăng cường các biện pháp chủ động trong phòng dịch trước nguy cơ xâm nhập của biến chủng Omicron.

Bộ cũng báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới và các cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện điều lệ y tế quốc tế để thông tin kịp thời về các biến chủng của virus SARS-CoV-2 để đưa ra biện pháp phòng chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch. Việc giám sát dịch tễ của virus SARS-CoV-2 hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 với biến chủng mới Omicron ở Việt Nam.

Phạm Quý

Tin mới