Cá hóa thạch bốn chân có tên khoa học là Latimeria chalumnae được cho là tuyệt chủng 420 triệu năm cùng khủng long.
Tuy nhiên tới năm 1938, một con cá coelacanth bất ngờ mắc vào lưới rê của ngư dân ngoài khơi bờ biển phía tây nam Madagascar.
Vào thời điểm đó, các nhà khoa học đã rất sốc khi phát hiện loài cá tưởng chừng đã tuyệt chủng. Kể từ đó, ngày càng có nhiều báo cáo về việc coelacanth bị đánh bắt ngoài khơi bờ biển Nam Phi, Tanzania và quần đảo Comoros.
Một con cá Latimeria chalumnae. (Ảnh: Getty Images)
Theo nghiên cứu được công bố gần đây trên Tạp chí Khoa học SA, tính tới tháng 5/2020, có tới 334 bức ảnh chụp coelacanth được ghi nhận.
Coelacanth, còn được gọi là "cá bốn chân" với những chiếc vây cứng cáp lang thang dưới đáy biển ở độ sâu 106-480m. Nó có thể nặng tới 90 kg, được cho là bắt đầu xuất hiện 420 triệu năm trước.
Andrew Cooke - tác giả của nghiên cứu cho biết ông bị sốc trước số lượng Coelacanth bị đánh bắt bằng lưới rê. Trong khi Latimeria chalumnae được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp, ngày càng nhiều sinh vật này bị đánh bắt.
Nghiên cứu mới đây của Cooke và các đồng nghiệp cũng cảnh báo sự sống của chalumnae đang bị đe dọa khi các ngư dân đẩy mạnh việc sử dụng lưới rê để đánh cá nhằm lấy vây.
"Các loại lưới rê được sử dụng để đánh bắt cá mập là một cải tiến tương đối mới và nguy hiểm hơn vì chúng lớn và có thể thả xuống vùng nước sâu. Lưới rê hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại của coelacanth ở Madagascar", nhóm nghiên cứu cho hay.