Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Voi, tê tê đang bên bờ vực tuyệt chủng

(VTC News) -

Các chuyên gia kêu gọi chấm dứt thói quen tiêu thụ động vật hoang dã trái phép, bảo tồn hệ sinh thái và cứu loài voi và tê tê đang trên bờ vực tuyệt chủng.

Trong số các dạng tài nguyên sống từng được biết đến, sự đa dạng sinh học của động vật hoang dã nắm giữ lịch sử quan trọng trong việc tạo nên hệ sinh thái ngày nay. Từ những hình thái đơn bào đầu tiên, qua hàng tỷ năm sinh sôi và phát triển, đã tiến hóa thành dạng sống phức tạp hơn.

Trong suốt quá trình đó, các loài có thể xuất hiện hoặc biến mất dưới nhiều tác động của tự nhiên.

Mặc dù cho đến nay chưa có kết luận đầy đủ về mức độ tác động qua lại giữa các chủng loài, nhưng giới khoa học thu thập được nhiều bằng chứng cho thấy sự biến mất của một sinh vật, hay động vật hoang dã đều gây ra tác động tiêu cực đến các loài khác. Các ảnh hưởng này có tính dây chuyền, liên quan tới nhiều loài khác, hệ sinh thái, hay thậm chí là điều kiện sống của con người.

Mắt xích sự sống bị phá vỡ

Thống kê cho thấy, tốc độ tuyệt chủng của các loài, đặc biệt là động vật hoang dã qua mỗi năm lại chạm ngưỡng cao kinh ngạc.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được nhận định do hiện tượng thu hẹp và hủy hoại môi trường sống tự nhiên, xuất phát chính từ hoạt động của con người như khai thác tài nguyên quá mức, xả thải gây ô nhiễm môi trường, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp các chế phẩm từ động vật hoang dã.

Nói riêng về nhu cầu sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã, Việt Nam là thị trường có mức độ vận chuyển, kinh doanh và tiêu thụ lớn trong khu vực Đông Nam Á.

Ước tính hàng năm, có khoảng 3.700 - 4.500 tấn động vật hoang dã bị săn bắt sử dụng làm thức ăn, dược liệu hoặc sinh vật cảnh.

Ngà voi bị khai thác quá mức khiến quần thể voi hoang dã đang đối diện nguy cơ tuyệt chủng.

Trong số này, các nhóm loài bị buôn bán phổ biến nhất có thể kể đến như tê tê, tê giác và voi. Với sức tiêu thụ lớn như vậy, thật khó có thể hình dung rằng quần thể động vật hoang dã sẽ cần bao nhiêu thời gian để khôi phục, hay sẽ bị tàn phá vĩnh viễn.

Trên thực tế, dù dựa vào các hoạt động khai thác nhằm phục vụ đời sống, chính con người cũng cần nhận thức về trách nhiệm duy trì và bảo tồn. Sự sống là vô giá, nhưng không vô tận. Việc khai thác thiếu kiểm soát kéo dài sẽ khiến nguồn tài nguyên nhanh chóng trở nên cạn kiệt, mạng lưới động thực vật suy yếu dẫn tới mất an ninh lương thực, thúc đẩy bùng phát nhiều loại dịch bệnh.

Chung tay bảo vệ cộng đồng

Hành vi săn bắt, khai thác và buôn bán động vật hoang dã được các tổ chức quốc tế xếp hạng là vấn đề có mức độ ảnh hưởng toàn cầu.

Bên cạnh nhiều hoạt động như quây rừng bảo tồn, hỗ trợ phát triển đời sống cho địa phương liên tục được Chính phủ triển khai, các hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về động vật hoang dã đóng góp không nhỏ trong việc thay đổi tận gốc rễ hành vi, quan niệm của cộng đồng.

Trong đó, có thể kể đến Dự án “Phòng chống buôn bán trái pháp luật động, thực vật hoang dã” (USAID Saving Species) do USAID phối hợp với CITES Việt Nam, Bộ NN&PTNT thực hiện, hướng đến kêu gọi cộng đồng doanh nhân chấm dứt thói quen tiêu thụ động vật hoang dã trái phép, bảo tồn hệ sinh thái và cứu loài voi và tê tê đang trên bờ vực tuyệt chủng.

Thông điệp bảo vệ động vật hoang dã được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng và lan tỏa tại nơi làm việc.

Chính tư duy, lối tiêu dùng thiếu kiểm soát của con người cũng đang gây ra những tác động tiêu cực cho động vật hoang dã. Con người có thể là những tác nhân gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho động vật hoang dã, thì chính con người cũng có thể dừng lại hành vi tiêu cực để bảo vệ các sự sống còn sót lại.

Mọi hành vi của con người có khả năng quyết định vận mệnh của hệ sinh thái và của chính mình trong tương lai. Ngừng “săn đón” động vật hoang dã cho nhu cầu xa xỉ, chung tay thúc đẩy tái hoang dã không chỉ giúp lưu truyền các giá trị vô giá cho thế hệ về sau, mà còn có thể mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp cho hệ sinh thái tương lai.

Hương Thu

Tin mới