4h ngày 25/7, Nhà giáo Ưu tú Trần Ngọc Thảo (86 tuổi, nguyên Hiệu trưởng trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật Hải Phòng) được con trai chở từ Hải Phòng đến Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội để thắp nén nhang tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Thảo là bạn đồng môn K8 khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần, ông Thảo và các bạn học thấy như "sét đánh ngang tai".
"Tờ lịch ngày 19/7 hôm nay tôi mới xé tưởng nhớ anh. Chúng tôi đã mất đi một người bạn lớn, không bao giờ gặp nhau nữa, nỗi buồn này khó nguôi", ông Thảo chia sẻ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và bạn học trong buổi họp lớp.
Nhắc về kỷ niệm với người bạn học Nguyễn Phú Trọng, ông Thảo kể, Tổng Bí thư là người giản dị, chưa bao giờ có khoảng cách với bạn bè. Ông Thảo ấn tượng nhất với câu nói của Tổng Bí thư với bạn học: "Tiền tài, danh vọng như đóa phù vân. Tình bạn, tình người là mãi mãi".
"Có những năm tôi không về họp lớp, anh Trọng gọi hỏi 'năm nay Thảo không về à, sao ít về họp lớp thế'? Quả thực những năm đó tôi khó khăn trong việc đi lại.
Nhân dịp anh Trọng 55 tuổi Đảng, cả lớp giao cho tôi nhiệm vụ vẽ một bức tranh chân dung. Tôi và một họa sĩ đã vẽ bức tranh sơn dầu về anh Trọng, bức tranh rất đạt về thần thái của một sĩ phu Bắc Hà, một người nhân ái. Anh nắm tay tôi bảo 'bức tranh rất đẹp, rất giống'. Đây cũng là kỷ niệm cuối cùng của chúng tôi và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", ông Thảo xúc động nhớ lại.
Ông Thảo không ngờ rằng, dịp họp lớp hôm 19/6/2022 là lần cuối cùng ông Thảo được gặp bạn học Nguyễn Phú Trọng. Hôm đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vui vẻ gặp gỡ bạn đồng môn và hẹn đi hẹn lại "chúng ta họp nhiều lần hơn nữa, già rồi còn mấy đâu".
"Và đúng là già rồi, không gặp được nữa", nói đến đây, nước mắt cụ ông 86 tuổi lăn dài.
Cùng bước ra từ cổng Nhà tang lễ, bà Nghiêm Minh Mẫn (84 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) nặng trĩu nỗi buồn chia tay người đồng môn lớp Văn khóa 8 (Đại học Tổng hợp Hà Nội) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bà Mẫn, ông Thảo tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bà Mẫn nói lòng trống trải, thương quý người bạn lâu năm. Nhưng bên cạnh nỗi buồn, là niềm xúc động và tự hào vì Tổng Bí thư đã để lại nền tảng vững vàng cho đất nước. Trong ký ức của bà, thời đi học, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có tư duy khoa học, rất ham học, chịu khó nghiên cứu và sưu tầm. Luận văn tốt nghiệp đầu tiên của Tổng Bí thư về thơ Tố Hữu đã được đăng tải trên tạp chí nghiên cứu văn học.
“Còn trong đời sống hàng ngày, Tổng Bí thư rất giản dị”, bà Mẫn nói rồi nhớ lại dịp cả lớp về thăm nhà ông Nguyễn Phú Trọng ở làng Lại Đà (huyện Đông Anh, Hà Nội). Gia đình đón tiếp bữa ăn giản dị, chỉ có khoai và sắn. Đến tối, cụ ông (bố của Tổng Bí thư) đưa cho mỗi người một cành tre, mọi người không biết dùng làm gì. Sau đó, cụ nói “nhà nghèo không có màn, các cháu hãy dùng cành tre để đuổi muỗi”.
“Đấy là nếp sống giản dị của gia đình Tổng Bí thư mà đến nay chúng tôi nhớ mãi. Cho đến bây giờ, anh Trọng vẫn giữ nếp sống giản dị ấy của gia đình”, bà Mẫn nói.
Qua nhiều lần đến thăm Tổng Bí thư, bà Mẫn nhận thấy phòng làm việc, nếp ăn uống của ông rất giản dị, và cách đến với bạn bè cũng dung dị, chân thành.
Trong suốt những lần về với trường lớp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở về với sự dung dị nhất có thể. “Anh nói rằng, 'tôi xin để tất cả trách nhiệm, cương vị của tôi ở ngoài cửa, vào đây chỉ là sinh viên như các bạn thôi'”, bà Mẫn nhớ lại.
Tình cảm đồng môn được duy trì mấy chục năm, đến nay phải chia tay người bạn trân quý, bà Mẫn nghẹn ngào nói: “Biết rằng không thể tránh khỏi quy luật cuộc sống nhưng tôi vô cùng thương xót, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng".