Sáng sớm 25/7, lực lượng chức năng đã túc trực ở ngã tư Lò Đúc - Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để phân luồng, hướng dẫn các đoàn đến Nhà tang lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
6h sáng, nhiều người dân có mặt làm thủ tục đăng ký vào viếng. Theo chương trình, 17h Nhà tang lễ Quốc gia mở cửa cho người dân vào viếng.
Ông Đỗ Mộng Hùng (93 tuổi, phố Lò Đúc) chống gậy đi từ nhà tới số 5 Trần Thánh Tông. Khi được cán bộ công an giải thích cuối giờ chiều mới được vào viếng Tổng Bí thư, ông Hùng đành trở về nhà chờ đến chiều vào viếng Tổng Bí thư.
Nhắc đến Tổng Bí thư, cụ ông bật khóc: "Tôi dậy từ 4h sáng chuẩn bị đến đây. Tôi mong muốn được thắp nén hương lòng cho 'người bạn Nguyễn Phú Trọng'".
Ông Đỗ Mộng Hùng bật khóc khi nhắc đến Tổng Bí thư.
Cũng giống như ông Hùng, ông Đỗ Quang Đăng (84 tuổi, phố Lò Đúc) đi bộ từ nhà đến Nhà tang lễ Quốc gia với mong muốn được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thời trẻ, ông Đăng là Bí thư Đoàn ở đơn vị công tác, từng được gặp gỡ Tổng Bí thư thời điểm ông Nguyễn Phú Trọng công tác tại Thành ủy Hà Nội. Qua mỗi lần tiếp xúc, ông Đăng cảm nhận, ông Nguyễn Phú Trọng là người tuyệt vời, hết lòng vì công việc.
Từ những ấn tượng tốt đẹp ấy, ông Đăng luôn dõi theo sự nghiệp và những bước tiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đứng trước cổng Nhà tang lễ Quốc gia, ông Đăng nghẹn ngào: “Tổng Bí thư mất đi là tổn thất to lớn. Tôi mong rằng sẽ có nhiều cán bộ, đảng viên học tập và phát huy tinh thần của Tổng Bí thư để đất nước phát triển, Nhân dân ấm no, hạnh phúc”.
Bà Huệ đi hơn 30km tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Vượt hơn 30 km, bà Đinh Thị Huệ (66 tuổi, ở xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, Hà Nội) có mặt ở phố Lò Đúc từ sáng sớm. Bà Huệ kể, cả đêm qua bà không ngon giấc, cứ thao thức mong đến sáng để đi viếng Tổng Bí thư.
"Tôi đi từ 5h sáng, lúc đầu tính đi 2 tuyến xe buýt, nhưng khi đi ra Quốc lộ 1A cũ, gặp một người đi khám bệnh, người ta cho tôi đi nhờ đến đây để viếng bác", bà Huệ kể.
Người phụ nữ 66 tuổi làm nông, chưa từng gặp gỡ Tổng Bí thư nhưng luôn quý trọng đức tính liêm khiết, giản dị của ông. Mỗi khi xem lại những hình ảnh của Tổng Bí thư, bà Huệ lại chực trào nước mắt.
"Nghe tin bác mất cảm giác như mất người thân trong gia đình, thương bác lắm. Hôm nay tôi chỉ mong được vào viếng để tỏ lòng biết ơn Tổng Bí thư luôn hết lòng vì dân, vì nước. Tôi sẽ chờ đến tối để được vào viếng ông", bà Huệ chia sẻ.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Sơn.
Hoà trong dòng người đến viếng Tổng Bí thư, một người đàn ông tóc bạc trắng đứng lặng lẽ. Năm 1965, thầy Sơn từng là giảng viên được giao nhiệm vụ đi cùng lớp Văn khóa 8, khóa học có sinh viên Nguyễn Phú Trọng, lên sơ tán ở huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên).
Hôm nay, đến tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đoạn đường cuối, ông bồi hồi nhớ lại nhiều kỷ niệm đẹp với lớp Văn khóa 8 và người bạn, người học trò cũ.
"Tôi thường xuyên hỏi các bạn trong lớp tình hình sức khỏe anh Trọng thế nào. Mấy đêm nay tôi không ngủ được, đêm qua tôi thức trắng đêm. Khi nghe tin anh Trọng mất, tôi lặng đi hồi lâu rồi gọi cho các bạn cùng lớp nói thế là chúng ta đã vĩnh biệt người bạn thân yêu nhất", thầy Sơn buồn bã nói.
Người dân đến làng Lại Đà từ mờ sáng vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần lúc 13h38 ngày 19/7 do tuổi cao, bệnh nặng, hưởng thọ 80 tuổi.
Lễ viếng Tổng Bí thư tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội, bắt đầu từ 7h đến 22h ngày 25/7 và từ 7h đến 13h ngày 26/7.
Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h ngày 26/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội. Lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, TP Hà Nội.
Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.