Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Bông hồng đêm' của đội Cứu hộ xe máy Hà Nội

(VTC News) -

Bỏ qua những lời dị nghị, sự hoài nghi của nhiều người, chị Hằng - "bông hồng đêm" trong đội Cứu hộ xe máy Hà Nội vẫn gắn bó cùng đội, sửa xe bị hỏng lúc buổi đêm.

Video: 'Bông hồng đêm' của đội Cứu hộ xe máy Hà Nội

23h45, tại ngã tư Khuất Duy Tiến (Hà Nội), một nhóm thanh niên quây quần bên quán trà đá. Chợt cú điện thoại cắt ngang, một cô gái dáng người đậm, cao, lên xe tức tốc rời khỏi vị trí. Người nhận nhiệm vụ tức thì lúc đó là chị Phạm Minh Hằng - thành viên nữ duy nhất của đội Cứu hộ xe máy Hà Nội.

Ca cứu hộ xe lần này gần Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, cách đó khoảng 5km. Vốn thông thuộc địa hình, lại chắc tay lái nên chỉ hơn 10 phút, chị Minh Hằng (29 tuổi) có mặt ở địa điểm. Trường hợp này không quá khó, xe bị một chiếc đinh ghim vào bánh sau. Tháng nào chị cũng gặp đến chục trường hợp cần hỗ trợ như vậy.

Sau khi bắt được “bệnh” của chiếc xe, chị Hằng mở hộp đồ trong cốp, lấy các dụng cụ để sửa. 10 phút sau, chiếc xe đã lành lặn để chủ nhân có thể lên đường. Xong việc, bạn nữ đưa 50.000 đồng cảm ơn. Chị khéo léo từ chối: "Lỗi này đơn giản, chị sửa giúp thôi, con gái đi đêm một mình nguy hiểm, em về đi không muộn”.

Chị Hằng - một trong 7 thành viên của đội Cứu hộ xe máy đang sửa xe cho khách ở quận Cầu Giấy (TP Hà Nội).

Ở Hà Hội, hỏng xe vào ban ngày, bạn có thể dễ dàng nhận được trợ giúp, nhưng ban đêm phải dắt bộ vài con phố mới tìm được một hàng sửa chữa. Nếu may mắn, bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ của một vài bác xe ôm trái ngành với mức giá rất "chát". Đội Cứu hộ xe ra đời là để trợ giúp những tài xế không may rơi vào tình huống đó.

Đội Cứu hộ xe máy Hà Nội ra đời năm 2016, đội có 7 thành viên, không phải là những người sửa xe chuyên nghiệp. Ban ngày họ vẫn phải làm nhiều công việc khác nhau, người đi học, người đi làm… Một tháng các thành viên trong đội sẽ gặp nhau tối thiểu một lần để tập huấn, nâng cao kỹ năng cho các thành viên mới. Đó không chỉ là sửa xe mà còn là kỹ năng tự bảo vệ bản thân, sơ cứu trong trường hợp khẩn cấp.

Đến nay, chị Hằng đã gần 3 năm hoạt động trong đội. Công việc chính của chị là chạy xe ôm, ban đêm chị vừa làm vừa kết hợp với các thành viên nhóm trực chốt tại ngã tư Khuất Duy Tiến, thời gian trực từ 21h đến 3h sáng hôm sau. Khi nhận được thông báo cần hỗ trợ như địa điểm, loại xe, tình trạng, số điện thoại..., chị và các thành viên trong nhóm sẽ phân công nhau để di chuyển. 

Mức giá chung vá xe là 10.000 đồng, thay săm từ 30.000 đến 50.000 nghìn đồng, số tiền chỉ tương đương với giá nguyên liệu nhập vào. Một số trường hợp đặc biệt, nhóm của chị sẽ không lấy tiền.

Đội Cứu hộ xe trực tại ngã tư Khuất Duy Tiến.

Anh Ngô Đức Thọ, nhân viên một cửa hàng thực phẩm sạch trên đường Giải Phóng cho biết: “Cách đây 1 năm, xe tôi bị thủng săm ở đường Trường Chinh lúc nửa đêm. Đang loay hoay không biết xử lý như nào thì được một bạn nữ ngỏ lời giúp đỡ. Ngạc nhiên hơn, xong việc bạn ấy không định lấy tiền. Nói mãi bạn ấy mới nhận 10.000 đồng. Nếu khung giờ này vào quán chắc tôi sẽ phải trả giá cao gấp 3-4 lần”.

Công việc này đem lại cho chị niềm vui nhưng cũng có rất nhiều tình huống dở khóc, dở cười. Nhiều lần, lòng tốt của chị và các thành viên trong nhóm bị hoài nghi, thậm chí có những lần chị bị kẻ xấu lợi dụng. 

Nhớ lại có một lần sau khi cứu hộ một xe ở Đại lộ Thăng Long, nhân lúc đường vắng, tên “yêu râu xanh” bắt đầu trêu ghẹo. Hắn bắt đầu những hành động khiếm nhã động chạm cơ thể chị. Bằng sự thông minh và sức vóc của một người phụ nữ từng trải, chị dạy cho gã một bài học nhớ đời.

Hôm sau, chị gọi điện tâm sự với mẹ. Ở đầu dây bên kia, chị nghe tiếng mẹ thở dài xen lẫn tiếng khóc nhát gừng. Bà khuyên con gái về quê làm công nhân may, lương “ba cọc ba đồng” còn hơn là suốt ngày lang thang nắng mưa ngoài đường. Bà khuyên con gái về quê còn kiếm tấm chồng, chứ đi đêm về hôm hàng xóm lại dị nghị, ai người ta thèm lấy. Nhưng chị quyết không chịu.

"Là con gái ai cũng muốn tìm một công việc ổn định, khi tôi chọn nghề xe ôm nhiều người bạn nói tôi gàn dở. Nhưng tôi mặc kệ. Đây là cuộc sống tự do tôi muốn. Tham gia vào đội Cứu hộ xe, tôi hoàn toàn không đặt nặng vấn đề tiền nong, mà được giúp đỡ mọi người là vui rồi", chị Hằng, người từng bỏ vị trí nhân viên kinh doanh để chạy xe ôm, chia sẻ.

Những tháng gần đây do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chị phải tạm hoãn việc chạy xe ôm và trực chốt cùng đội để đi giao hàng. Mặc dù không hoạt động cùng các thành viên nhưng trên đường, gặp bất kỳ trường hợp nào gặp khó khăn, chị đều nhiệt tình giúp đỡ. Thời gian tới, khi công việc ổn định, chị sẽ tiếp tục trở lại đội.

Vũ Thị Vân

Tin mới