Ban ngày đi làm ở Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, tối đến, chị Bùi Thị Hoài (SN 1978, xã Thiên Hương, Thủy Nguyên, Hải Phòng) lại cùng các thành viên đội SOS Thủy Nguyên đi cứu trợ những xe bị thủng xăm, chết máy, hết xăng dọc đường… hoàn toàn miễn phí.
Công việc ấy được chị Hoài chọn làm suốt nhiều tháng qua. Mỗi ca cứu trợ thành công, cái bắt tay cũng như lời cảm ơn từ chủ nhân phương tiện trở thành niềm vui và nguồn động lực lớn nhất để chị Hoài và gần 30 thành viên SOS Thủy Nguyên tiếp tục công việc theo tiêu chí “5 không”: không lương, không bảo hiểm, không lợi nhuận, không sợ khó và không bao giờ bỏ cuộc.
Chị Bùi Thị Hoài (bên trái) và chị Vân là hai thành viên nữ của SOS Thủy Nguyên.
Cứu xe gặp nạn miễn phí
SOS Thủy Nguyên tiền thân là một nhóm tự phát của những thanh niên luôn muốn được mang sức trẻ của mình giúp đỡ người khác.
Theo anh Đoàn Thế Dương – Đội phó SOS Thủy Nguyên, để tạo dựng được một đội thống nhất, hoạt động quy mô, chuyên nghiệp như hiện tại là xuất phát từ câu chuyện xe của chị Hoài bị hỏng dọc đường lúc đêm khuya.
Đó là một đêm giữa năm 2020, trên đường về nhà, chiếc xe của chị Hoài bỗng thủng xăm. Các quán sửa xe gần đó đều đóng cửa. Không nhận được sự trợ giúp từ ai, một thân phụ nữ đành dắt xe về. Sau đó, chị Hoài nảy sinh ý định thành lập nhóm hỗ trợ những xe gặp nạn vào đêm tối để không ai phải rơi vào hoàn cảnh như mình.
Chị trao đổi với một số anh em, bạn bè qua mạng xã hội và nhanh chóng nhận được sự đồng tình, bởi lẽ, chính họ cũng đang nung nấu ý định ấy. Và ngày 26/9/2020, đội SOS Thủy Nguyên chính thức “trình làng”.
Ngoài công tác hậu cần, trực tại điểm tập kết, nhiều đêm, chị Hoài cùng các thành viên SOS Thủy Nguyên lên đường cứu trợ xe gặp nạn.
20h30, tại điểm tập kết ở Công viên 25/10 (thị trấn Núi Đèo, Thủy Nguyên), chị Hoài nhanh tay pha ấm trà mạn, gọt ít hoa quả chuẩn bị cho cuộc hội ý trước khi các thành viên trong đội SOS Thủy Nguyên đi cứu trợ xe gặp nạn.
Người phụ nữ với nụ cười luôn thường trực trên môi bảo rằng, là thành viên “cứng” tuổi, cũng là một trong hai thành viên nữ của đội, chị được giao làm công tác hậu cần.
“Nhiều hôm nhận được cuộc gọi từ người đi đường báo xe bị hỏng, tôi cũng cùng mọi người lên đường đi cứu trợ. Nếu không đi, tôi ở lại điểm tập kết trực để anh em yên tâm làm việc”, chị Hoài tâm sự.
Mặc dù không thường xuyên tham gia cứu hộ trực tiếp, nhưng trong ký ức của chị Hoài vẫn có rất nhiều kỷ niệm ấm áp tình người khi tiếp xúc với công nhân bị hỏng xe giữa đường.
Chị nhớ trường hợp một công nhân hơn 50 tuổi, nhà ở thị trấn Minh Đức (Thủy Nguyên), đang làm tại khu công nghiệp VSIP bị bục xăm xe lúc hơn 23h, trong khi đường về nhà còn gần 20km.
SOS Thủy Nguyên tới hỗ trợ, nhưng vì nhóm khá đông nên nam công nhân lại sợ bị trấn lột. Sau khi được các thành viên trong đội SOS giải thích, người đàn ông cũng đồng ý để mọi người cứu trợ xe.
Chiếc xe được sửa xong, người công nhân cảm động và bảo, nếu có điều kiện sẽ tham gia vào đội. Hai ngày sau, ông tìm gặp đội SOS Thủy Nguyên với mong muốn trả tiền công nhưng mọi người kiên quyết từ chối. Sau đó, người công nhân ấy ủng hộ 200 nghìn đồng để đội tiếp tục giúp đỡ được nhiều người hơn nữa.
Hạnh phúc giản dị
Có tay nghề nấu ăn từ nhiều năm nay, ngoài việc nấu ăn cho công nhân ở Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, chị Hoài thường xuyên tham gia nẫu cỗ chay tình nguyện ở các đền, chùa trên địa phận TP Hải Phòng. Những lúc rảnh rỗi, chị cũng đi phát quà từ thiện cho người nghèo, trẻ em cơ nhỡ.
Dù trời mưa hay giá rét, khi nhận lời nấu cỗ chay tình nguyện hoặc đi từ thiện, chị đều cố gắng sắp xếp công việc để tham gia. Gần như tối nào chị cũng về nhà rất muộn. Có những hôm đến 2-3h sáng, xe máy của chị mới dừng lại trước cổng nhà.
Chị Hoài chỉ mong những tối đi làm của đội sẽ là những tối thất nghiệp.
Chị Hoài nhớ lại những ngày chị thăm nuôi người thân trong bệnh viện, gặp rất nhiều hoàn cảnh, những mảnh đời cơ cực, cần giúp đỡ. Từ đó, chị dặn mình phải làm những việc thiết thực để san sẻ bớt lo âu cùng những hoàn cảnh khó khăn như thế.
Nhưng điều kiện kinh tế eo hẹp, quỹ thời gian không cho phép, chị Hoài lựa chọn làm những việc từ thiện với quy mô nhỏ. Làm việc liên tục nhưng chưa khi nào chị than mệt và muốn bỏ cuộc. Điều khiến người phụ nữ ấy thấy may mắn chính là sự ủng hộ của người thân, của chồng con.
“Con trai tôi năm nay hơn 20 tuổi. Những công việc gia đình con làm được hết. Con còn thường xuyên động viên và nói với tôi "mẹ cứ làm công việc mẹ cảm thấy vui và giúp được nhiều người thì con luôn ủng hộ mẹ". Hạnh phúc lớn nhất của tôi khi trở về nhà chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ”, chị Hoài mỉm cười và đứng lên hỗ trợ anh em trong đội SOS Thủy Nguyên chuẩn bị đồ nghề đi tuần trên các cung đường ở huyện Thủy Nguyên. Đây cũng là nơi tập trung đông công nhân khu Công nghiệp VSIP đi làm ca về.
Mỗi lần nhắc về những bạn trẻ của SOS Thủy Nguyên, chị Hoài luôn thấy tự hào và cảm động. Bởi lẽ, họ đã gác lại nhiều lo toan cho gia đình để đi làm công việc mà nhiều người gọi là “vác tù và hàng tổng”.
Có những đêm mưa rét, cả những ngày hanh hao bụi bặm…, họ vẫn có mặt nhanh nhất ở nơi những chiếc xe gặp sự cố mà không một lời kêu than.
Không cần thành tích cũng chẳng cần những lời khen ngợi, niềm vui của chị Hoài và các thành viên SOS Thủy Nguyên chính là sự an toàn của người tham gia giao thông. Và chị Hoài chỉ mong những tối đi làm của đội sẽ là những tối thất nghiệp.