Mỹ đang phát triển các thiết bị bổ sung để tăng khả năng tấn công cho bom dẫn đường chính xác - loại bom được cung cấp rộng rãi cho Không quân Ukraine, nhằm đối phó với các thiết bị gây nhiễu GPS của Nga.
Trong một thông báo được công bố vào ngày 3/5, Lầu Năm Góc cho biết, Công ty Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học, có trụ sở tại Cypress, California, đã được trao hợp đồng trị giá 23,5 triệu USD để phát triển Thiết bị tìm kiếm GPS và tích hợp thiết bị tìm kiếm phạm vi mở rộng vào các bộ cánh của bom thông minh (JDAM-ER).
Thông báo của Lầu Năm Góc đặc biệt bổ sung thêm: “Hợp đồng này liên quan đến gói viện trợ quân sự cho Ukraine”.
Mỹ đã đầu tư phát triển các phiên bản đặc biệt của vũ khí thông minh, để theo dõi và tấn công các nguồn gây nhiễu điện tử, đặc biệt là trong bối cảnh các quốc gia đối thủ đang tăng cường khả năng gây nhiễu của họ. Vì vậy quân đội Mỹ đang cố gắng chế tạo các loại vũ khí có thể đánh lạc hướng các thiết bị gây nhiễu của đối phương.
Thông tin chi tiết về hệ thống tìm kiếm mới hiện vẫn chưa rõ ràng, nhưng các chuyên gia EurAsian Times biết rằng, Hiệp hội Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học (SARA) của Mỹ đã làm việc trong nhiều năm nhằm tạo ra những thiết bị tương tự để tích hợp vào một số loại bom dẫn đường chính xác.
Bom thông minh JADM-ER.
Đáng chú ý, một hợp đồng trị giá 9,8 triệu USD đã được các quan chức của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân tại Căn cứ Không quân Eglin, Florida công bố vào năm 2014 để phát triển bom thông minh. Đến năm 2020, một cuộc thử nghiệm đã được Không quân Mỹ tiến hành bằng cách tích hợp các thiết bị gây nhiễu vào Bom đường kính nhỏ GBU-39/B (SDB).
Trong năm 2023, Mỹ đã trang bị cho Ukraine loại bom tấn công trực tiếp có phạm vi mở rộng để tăng cường khả năng chống lại Nga. Những quả bom này đã được tích hợp vào các máy bay chiến đấu Su-24, Su-27 và MiG-29 Fulcrum của Ukraine, bằng cách sử dụng các giá treo đặc biệt. Những báo cáo đầu tiên về việc Ukraine sử dụng những quả bom thông minh này xuất hiện vào tháng 3/2023.
JDAM là bộ cánh có thể biến những quả bom thường thành đạn dẫn đường thông minh, nó giúp quả bom tăng độ chính xác bằng cách cho phép bom thay đổi quỹ đạo khi nó đến gần mục tiêu dưới sự hỗ trợ của GPS. Bộ thiết bị có đôi cánh cho phép quả bom lượn trên không gần 70km để tấn công các mục tiêu ở xa.
Khi Ukraine sử dụng những quả bom này lần đầu tiên, nó đã có thể tấn công một số mục tiêu quan trọng của Nga. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau, quân đội Nga đã triển khai thiết bị gây nhiễu để chống lại chúng, giống như cách họ vô hiệu hóa hệ thống tên lửa HIMARS.
Đến tháng 4/2023, các tài liệu của Lầu Năm Góc tiết lộ rằng, những thiết bị gây nhiễu GPS của Nga đã làm nhiễu các quả bom thông minh JDAM-ER do Ukraine triển khai và khiến chúng đánh trượt mục tiêu.
Nga đánh bại JDAM mà không cần bắn một phát đạn
Vào thời điểm đó, một số tài liệu được công bố có tiêu đề “Tại sao JDAM-ER lại thất bại? Khi xem xét lý do tại sao bom JDAM-ER thất bại trên chiến trường Ukraine, các chuyên gia quân sự đã chỉ ra hai yếu tố để giải thích tại sao lại có những “sự cố hoặc sai sót” như vậy.
Yếu tố thứ nhất là việc trang bị ngòi nổ cho bom không đúng cách, mà không quân Ukraine được cho là đã khắc phục được. Một yếu tố chính khác là các vấn đề về tín hiệu GPS do bị quân đội Nga gây nhiễu, khiến bom mất đi độ chính xác.
Bom JADM-ER gắn trên MiG-29 Fulcrum của không quân Ukraine.
“Giám đốc Trung tâm tác chiến dẫn đường (JNWC) tuyên bố rằng, dựa trên kết quả phân tích cho thấy việc gây nhiễu GPS không ảnh hưởng đến khả năng của bom JDAM-ER. Tuy nhiên nó đã ngăn cản JDAM-ER thu được tín hiệu GPS”, tài liệu bị rò rỉ của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.
Đáng chú ý, tài liệu trên đã khuyến nghị nên vô hiệu hóa các thiết bị gây nhiễu của Nga trước khi sử dụng JDAM-ER để đạt được kết quả tốt nhất trong các cuộc tấn công chính xác.
Lực lượng mặt đất của Nga đã triển khai nhiều hệ thống tác chiến điện tử vào chiến trường Ukraine. Đáng chú ý là thiết bị chiến thuật R-330Zh Zhitel, một hệ thống được thiết kế đặc biệt để gây nhiễu các chương trình phát sóng GPS. R-330Zh có thể phát hiện và tấn công các tín hiệu vô tuyến ở dải sóng từ 100 MHz đến 2 GHz.
Bộ thiết bị JDAM sử dụng tín hiệu phát trên băng tần từ 1.164GHz đến 1.575GHz để liên lạc với các vệ tinh GPS của Mỹ. Tần số này nằm ngay trong phạm vi hoạt động của R-330Zh.
Và R-330Zh chỉ là một trong số rất nhiều thiết bị gây nhiễu điện tử mà Nga đã triển khai dọc tiền tuyến. Vì vậy, mặc dù thiết bị gây nhiễu của Nga không làm cho bom JADM-ER bị hỏng nhưng nó đã ảnh hưởng đến độ chính xác của vũ khí, đây là đặc điểm nổi bật giúp chúng trở nên hữu ích trong chiến đấu.
Hệ thống tác chiến điện tử R-330Zh Zhitel của Nga.
Nga đang sở hữu nhiều thiết bị tác chiến điện tử tiên tiến hàng đầu thế giới và những nhân viên rất có kinh nghiệm để vận hành các thiết bị đó. Theo các phương tiện truyền thông phương Tây, các lực lượng Nga thường xuyên gây nhiễu tín hiệu từ Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) trên chiến trường Ukraine.
Trong bối cảnh đó, việc Mỹ cung cấp bom JDAM-ER sẽ giúp Quân đội Ukraine tấn công chính xác vào các hệ thống gây nhiễu GPS của Nga. Và nếu có thể đối phó hiệu quả với các hệ thống gây nhiễu của Nga, Quân đội Ukraine có thể dễ dàng tấn công vào các mục tiêu quan trọng nằm sâu phía sau chiến tuyến của Nga.