Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thành tích thảm hại, M1 Abrams bị Ukraine rút khỏi tiền tuyến

(VTC News) -

Quân đội Nga vừa tuyên bố phá hủy chiếc xe tăng Abrams thứ 5 của Ukraine, điều này khiến Mỹ và Ukraine phải thay đổi chiến thuật sử dụng loại xe tăng này.

Theo EurAsian Times, Quân đội Nga đã tuyên bố phá hủy một xe tăng M1 Abrams khác của Mỹ và một xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley (IFV) ở Ukraine. Bộ Quốc phòng Liên bang Nga công bố đoạn phim ghi lại vụ việc hôm 4/5, cho thấy xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất bị phá hủy bởi đạn pháo có độ chính xác cao và máy bay không người lái (UAV).

Chiếc M1 Abrams thứ 5 bị phá hủy

Theo tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Nga, các nhân viên quân sự điều khiển máy bay không người lái FPV và lính pháo binh thuộc nhóm quân Trung tâm chịu trách nhiệm về vụ tấn công trên. 

Cuộc tấn công được thực hiện bằng cách sử dụng đạn pháo Krasnopol và UAV có độ chính xác cao, tuy nhiên chi tiết cụ thể về loại UAV được sử dụng không được tiết lộ.

Trong đoạn phim được công bố, người ta có thể thấy tổ lái của xe tăng vội vàng rời bỏ chiếc xe tăng Abrams trước khi một loạt đạn pháo Krasnopol tấn công vào phía sau xe, khiến xe bị phá hủy.

Vụ tấn công này đã góp phần kéo dài danh sách số lượng xe tăng Abrams bị phá hủy trên chiến trường Ukraine. Vào hồi tháng 3/2024, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng đã tuyên bố rằng, 4 chiếc Abrams đã bị phá hủy kể từ đầu năm 2024. 

Truyền thông Nga tiếp tục đưa tin về những tổn thất của xe tăng Abrams vào ngày 1/4 và ngày 25/4, nâng tổng số xe tăng bị phá hủy lên tới 7 chiếc. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông phương Tây phản bác những con số này và cho rằng chỉ có 5 trong số 31 xe tăng Abrams ở Ukraine bị phá hủy.

Xe tăng M1A1 Abrams bị phá hủy ở Ukraine.

Sự việc trên diễn ra sau khi có thông tin cho rằng, xe tăng Abrams đang được rút khỏi tiền tuyến, phía Ukraine ngừng sử dụng chúng do dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga. Mỹ cũng đã có kế hoạch hợp tác với lực lượng Ukraine để sửa đổi chiến thuật triển khai xe tăng Abrams nhằm đối phó với những mối đe dọa này.

Đáng chú ý, một trong những chiếc xe tăng Abrams bị hư hỏng do máy bay không người lái FPV Nga tấn công, hiện đang được trưng bày tại cuộc triển lãm ở Công viên Chiến thắng Poklonnaya Gora ở thủ đô Moskva. 

Bên cạnh những chiếc Abrams bị hư hỏng, du khách có thể xem các khí tài bị bắt giữ khác, bao gồm xe tăng Leopard 2 của Đức, T-72AG của Ukraine, xe chiến đấu bộ binh Marder, xe bọc thép chở quân Saxon (APC) của Anh và một số phương tiện quân sự khác.

M1 Abrams không như mong đợi

Sự xuất hiện của xe tăng M1A1 Abrams ở Ukraine ban đầu được ca ngợi là nhân tố có thể thay đổi tình thế trong cuộc xung đột và được xem là phương tiện chiến đấu chủ lực của lực lượng Ukraine để đối trọng với những chiếc xe tăng hiện đại của Nga. 

Tuy nhiên, việc Nga sử dụng rộng rãi các loại máy bay không người lái cảm tử đã dẫn đến những tổn thất đáng kể cho các đơn vị thiết giáp của Ukraine, trong đó bao gồm cả những chiếc xe tăng Abrams.

Mỗi chiếc Abrams có giá khoảng 10 triệu USD, đang là mục tiêu được săn đón hàng đầu của Quân đội Nga trên chiến trường Ukraine. Trong suốt thời gian diễn ra xung đột, cả Nga và Ukraine đều sử dụng rất nhiều nền tảng UAV giám sát và tấn công, nhằm tiêu hao sinh lực và phương tiện chiến đấu của đối phương.

Mỹ đã cam kết viện trợ 31 xe tăng Abrams cho Ukraine vào tháng 1/2023 và đến tận tháng 9/2023, những chiếc xe tăng này mới được chuyển giao và mãi đến tháng 2/2024 M1 Abrams của Ukraine mới chính thức tham gia chiến đấu trên chiến trường. Tuy nhiên, các lực lượng Nga đã nhanh chóng tiêu diệt được xe tăng Abrams đầu tiên vào ngày 26/2, chỉ một ngày sau khi xe tăng được triển khai.

Binh sĩ Ukraine với xe tăng M1A1 Abrams.

Chỉ sau hai tháng hoạt động trên chiến trường, xe tăng Abrams hiện đang được rút khỏi tiền tuyến, cho thấy hiệu quả chiến đấu của chiếc xe tăng này trên chiến trường là không như mong đợi. 

Đã có nhiều thông tin về việc Ukraine rút M1 Abrams khỏi tiền tuyến, tuy nhiên Lữ đoàn cơ giới độc lập số 47 của Ukraine, đơn vị vận hành xe tăng Abrams, đã kịch liệt phủ nhận các thông tin trên và tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của Abrams trong việc hỗ trợ hỏa lực cho các đơn vị bộ binh.

Rõ ràng là hiệu suất chiến đấu của xe tăng Abrams chưa đáp ứng được kỳ vọng. Điều này cũng đã đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của các hệ thống vũ khí do Mỹ thiết kế để chống lại Quân đội Nga.

Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, xe tăng Abrams được viện trợ cho Ukraine không phải là phiên bản mới nhất và tiên tiến nhất hiện có. Một số tính năng tăng cường cho lớp giáp và hỏa lực đã bị Mỹ loại bỏ nhằm tránh lọt công nghệ vào tay Quân đội Nga.

Mặt khác, quân đội Nga cũng đã nắm bắt được những điểm yếu của xe tăng phương Tây. Các binh sĩ Nga trên chiến trường đã bày tỏ sự thất vọng, trong đó một binh sĩ đã nói với hãng thông tấn nhà nước TASS rằng: “Những phương tiện chiến đấu của phương Tây không thực sự ấn tượng như tôi mong đợi”.

Moskva liên tục tuyên bố sẽ vô hiệu hóa các hệ thống vũ khí tiên tiến do phương Tây gửi tới Ukraine, cho rằng viện trợ như vậy chỉ kéo dài cuộc xung đột mà không làm thay đổi căn bản cán cân quyền lực trên chiến trường. 

Lê Hưng (Nguồn: EurAsian Times)

Tin mới