Thành công của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay khiến các thế lực xấu, thù địch càng thêm cay cú, điên cuồng. Chúng kiếm cớ xuyên tạc sự thật, gieo rắc tâm lý hoang mang, nghi ngờ rằng, càng đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì niềm tin của Nhân dân vào Đảng càng giảm sút! Sự thật có như chúng rêu rao?
Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. (Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ).
Sự thật sáng ngời bóc trần sự bịa đặt đen tối
Báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, cho biết: “Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 3 ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên ủy viên Bộ Chính trị, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Trong 10 năm qua, đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ với 33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ với 33.037 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ với 5.841 bị can.
Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong các ngành, lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, bí mật, được cho là vùng cấm, nhạy cảm cả khu vực công và khu vực tư đã được tập trung chỉ đạo điều tra, đi sâu làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi. Xử lý nghiêm minh công khai cán bộ sai phạm liên quan đến các vụ án, trong đó có 37 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý cả đương chức, nghỉ hưu bị xử lý hình sự”.
Như vậy, kết quả của công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy động cơ trong sáng, tinh thần quyết chiến với tham nhũng tiêu cực của “đội quân tiên phong” vì lợi ích, hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc chứ chẳng phải là “đấu đá” của các phe cánh trong nội bộ. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân và không cho phép bất cứ một phe phái lợi ích nào tồn tại trong bộ máy chính quyền.
Mọi việc làm trong công cuộc phòng chống “giặc nội xâm” đều nhằm đến việc xây dựng một nhà nước kiến tạo sự phát triển, liêm chính, chí công vô tư, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân. Có thể thấy rõ quyết tâm chính trị của Đảng trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực và ý chí, nguyện vọng của nhân dân đã hòa quyện thành một khối thống nhất, không thể chia tách.
Vì thế, càng đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bao nhiêu thì nhân dân lại càng thêm ủng hộ, tin tưởng vào “thủ lĩnh chính trị” của mình bấy nhiêu. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến của người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Sự thật này khiến cho luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của thế lực xấu, thù địch trở nên trơ trẽn, nực cười.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Đảng Cộng sản Việt Nam. (Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ).
Điểm tựa vững chắc của niềm tin
Với thủ đoạn “suy diễn ngược” từ những thành công trong phòng chống tham nhũng, các thế lực xấu, thù địch cho rằng tình trạng “đụng đâu đổ đó” của “cuộc đấu đá nội bộ” chứng tỏ rằng, hệ thống chính trị của Việt Nam đang “suy thoái” đến mức “tồi tệ”, cho dù có tìm mỏi mắt cũng chẳng thấy được một tổ chức trong sạch, một cơ quan liêm chính, vì quyền lợi của công chúng.
Chúng xuyên tạc rằng tham nhũng, tiêu cực “khủng”, có tổ chức, có móc nối giữa nhiều cơ quan, bộ, ngành đã trở thành phổ biến, thành “lỗi hệ thống” do bản chất của “chế độ cộng sản” mà ra. Lạm quyền, lộng quyền, “bắt tay, chống lưng” cho doanh nghiệp “tự tung, tự tác” đã trở thành “chuyện thường ngày” của các cán bộ có chức, có quyền, nhất là người có trọng trách cao.
Và nếu “lò” tiếp tục cháy thì nguy cơ hụt hẫng, “rỗng” cán bộ trong bộ máy công quyền là nhãn tiền, khó “cứu chữa”, tâm lý chán nản, thất vọng, hoang mang, “thích ra ngoài nhà nước”, “chủ nghĩa an toàn” của cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên đang lan tràn…
Có thể thấy, tất cả chiêu bài trên đều bị “bóc trần” bởi giá trị tinh thần mang tên “niềm tin” của nhân dân Việt Nam đối với Đảng cộng sản quang vinh. Niềm tin ấy đã được hun đúc, thử thách qua rất nhiều những sóng gió cam go trong lịch sử và hiện tại; đồng thời có nền tảng vững chắc là sự đồng tâm, hiệp lực, gắn bó, keo sơn về mọi phương diện giữa Đảng với Nhân dân.
Điều này được thể hiện khi mỗi vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phanh phui, cán bộ tham nhũng bị xử lý thích đáng, nhân dân rất phấn khởi, bởi “bọn sâu mọt phá hoại”, “kẻ ăn cắp của nhân dân” đã bị xử lý nghiêm minh; công lý, lẽ phải, tình người đã lên ngôi, lý tưởng được thắp sáng.
Nhân dân cũng đủ tỉnh táo, sáng suốt để nhận ra rằng, bọn “giặc trong lòng” rất gian manh, quỷ quyệt, tuy nhiên chúng cũng chỉ là một bộ phận, là số ít và đã, đang bị Đảng và Nhân dân đồng sức, chung tay để phòng, chống “sâu, mọt”, để “cứu cả cánh rừng”, trả lại màu xanh “thanh liêm” cho cả hệ thống chính trị. Niềm tin của nhân dân còn được xây dựng trên một sự thật giản dị nhưng hết sức thiêng liêng.
Trước đây (trước năm 2012), công cuộc chống tham nhũng đã được khởi động nhưng không mấy kết quả, thậm chí có những vụ việc gây bức xúc dư luận nhưng vẫn bị trôi vào quên lãng. Giờ đây, ý Đảng đã hòa hợp với lòng dân, sức mạnh chống giặc, trừ gian của toàn Đảng toàn dân được cộng lực, hun đúc, đã xóa bỏ mọi rào cản, băn khoăn, nghi ngờ để “tiền hô, bá ứng, dọc ngang thông suốt, trên dưới một lòng, đồng tâm hiệp lực”.
Luận điệu cho rằng, “đụng đâu đổ đó”, “lỗi hệ thống”, “tha hóa phổ biến” là sự quy chụp theo kiểu lấy số ít quy thành số đông, hiện tượng thành bản chất, bộ phận thay cho toàn thể… để hướng lái dư luận, phá hoại mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và Nhân dân, phủ nhận vai trò của Đảng của Nhà nước.
Mỗi bước thắng lợi của cuộc chiến chống giặc nội xâm đều chứng tỏ bản lĩnh, trí tuệ, sự mưu trí, dũng cảm và sức mạnh chính nghĩa của “đội quân tiên phong” trong việc “diệt gian, trừ tà, hàng yêu” ngày càng “thăng hạng”, chứ không phải chứng tỏ sự suy thoái, yếu nhược của hệ thống; cũng càng không phải Đảng sợ những “khoảng trống” để lại sau khi cán bộ tha hóa biến chất bị phanh phui.
Đảng tin vào sức mạnh vô biên, tài trí dồi dào, tinh thần xả thân cống hiến ở Nhân dân. Do vậy, Đảng đã tuyên bố, người nào thấy mình thoái trí, thiếu bản lĩnh, run sợ, cầu an hãy rút lui, “dẹp ra một bên” để người khác làm, chứ không có cái gọi là “rỗng” cán bộ hoặc phải níu kéo những cán bộ có tư tưởng cầu an, “buông chèo”.
Thừa hưởng thành quả của cuộc chiến phòng, chống tham nhũng là Nhân dân chứ không phải bất cứ một phe phái nào khác, quyền “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được củng cố, mở rộng. Bởi vì, Đảng không có lợi ích tự thân, không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân của dân tộc, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.
Vì thế, có thể nói, Đảng là đại diện cho lương tri, chính nghĩa, là Đảng của dân, “về phe” nhân dân và kiên quyết không khoan nhượng với bất cứ một phe phái lợi ích nào đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, của dân tộc.
Như vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, sự ủng hộ đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để "hạ những cành cây mục bảo vệ màu xanh của cánh rừng dân chủ”.
Thành quả của công cuộc phòng chống tham nhũng chẳng những thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa mà còn ngày càng thắp sáng niềm tin của nhân dân với Đảng và làm cho mọi luận điệu công kích, xuyên tạc về công cuộc “trừ gian, diệt họa” trở nên lố bịch, nực cười.