Những sự việc đau lòng diễn ra gần đây sau hàng loạt quyết định khởi tố bị can của cơ quan chức năng đối với một số lãnh đạo của Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội cho thấy cuộc chiến không khoan nhượng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng. Rồi đây, các vụ việc tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đưa ra ánh sáng, diệt trừ lũ “quan tham”, “sâu mọt”.
Xâu chuỗi các sự việc, nhìn sâu bên trong của những vi phạm có thể khẳng định, nguyên nhân sâu xa chính là sự tha hóa phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của bộ phận cán bộ, đảng viên. Đó là sự bội ước với lời tuyên thệ thiêng liêng trước khi đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Đây là lời tuyên thệ đầu tiên của hơn 5 triệu đảng viên trong buổi lễ kết nạp vào tổ chức ưu tú, tiên tiến của giai cấp công nhân, phấn đấu suốt đời cho lý tưởng của Đảng. Lời tuyên thệ là vậy, song, việc thực hành sự tuyên thệ ấy mới là điều cần bàn. Thật trớ trêu sự bội ước để “vinh thân, phì da” trên nỗi đau mất mát của đồng bào là vấn đề nhức nhối.
Chúng ta đã chứng kiến, sau hai năm gồng mình chống đại dịch COVID-19, có biết bao gia đình đã ly tán, mất người thân, có biết bao cuộc chia ly để cùng nhau vào vùng chống dịch ở TP.HCM, Bắc Giang, Hải Dương...
Đây là sự cố gắng, nỗ lực của cả dân tộc, tạo nên thành công trong phòng, chống dịch, được cả thế giới công nhận, song lại xuất hiện “con COVID-19” mang tên Việt Á với hàng loạt quan chức rơi vào vòng lao lý, bởi những cái tên cán bộ thuộc CDC tại Hải Dương, Hà Nội, Đồng Nai, Nam Định….
Chắc hẳn, những cái tên ấy còn dài hơn nữa, là minh chứng thể hiện sự bội ước của một bộ phận cán bộ đảng viên mà hàng ngày họ vẫn leo lẻo: Không có gì, không cốc cà phê…
Vậy, câu hỏi được đặt ra là: Tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng của Đảng… có còn là giá trị, thiêng liêng đối với cán bộ đảng viên ấy không?
Trước khi bị cơ quan chức năng truy tố, những cán bộ đảng viên đó vẫn khoác lên mình tấm áo của những lời ngụy biện, nhưng đằng sau đó là sự xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Những cán bộ CDC đó đã lợi dụng vị trí, trách nhiệm của mình được giao để vun vén cho lợi ích cá nhân mà không màng đến mục đích, lý tưởng của Đảng, xa rời tôn chỉ, nghị quyết cương lĩnh của Đảng đề ra.
Nhìn vào diễn biến “con vi-rút” mang tên Việt Á, ai cũng đều rõ, một bộ phận cán bộ đảng viên thực thi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, bắt tay móc ngoặc với nhau để kiếm tìm lợi ích cho riêng mình trong tất cả khâu, quy trình để cấp phép cho sản phẩm của Việt Á, từ đề tài khoa học, cấp số, sổ lưu hành, đến hiệp thương giá để đưa sản phẩm của Việt Á vào sử dụng, nhằm trục lợi không chỉ cho bản thân, mà còn vun vén cho gia đình, dòng họ…
Lý ra, với cương vị của mình, bộ phận đảng viên này phải làm gương, chống lại chủ nghĩa cá nhân, cục bộ quan liêu, tham nhũng thì bản thân họ đã đi ngược lại lời thề của chính mình. Vì lợi ích của mình, họ đứng trên lợi ích của cả dân tộc Việt Nam.
Và chỉ khi quyết định của Đảng, cơ quan chức năng được đưa ra, họ mới thấy cái giá phải trả cho hành động đi ngược lại lời thề danh dự của bản thân.
Sự soi chiếu giữa lời thề thứ ba với thực tiễn vụ án Việt Á, có thể nhận thấy sự vi phạm mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và xã hội của một số lãnh đạo cấp cao như ông Nguyễn Thanh Long của Bộ Y tế, ông Chu Ngọc Anh của UBND TP Hà Nội.
Hay nhiều lãnh đạo CDC khác đã thiếu tu dưỡng rèn luyện, không có sự liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, thiếu tôn trọng lợi ích của Nhân dân. Thậm chí, vì động cơ cá nhân, họ đi ngược lại lợi ích của cả xã hội, điều mà đúng ra, các ông ấy phải có trách nhiệm đấu tranh và bảo vệ khi thực hiện chức trách nhiệm vụ của người lãnh đạo, người cán bộ đảng viên.
Vụ án Việt Á - một sự thật của thực tiễn hiện nay là công tác tổ chức, kỷ cương, kỷ luật, phê bình và tự phê bình trong Đảng của một số chi bộ, đảng bộ ở một số nơi còn thực sự lỏng lẻo. Vai trò của cơ sở Đảng, tính dân chủ tại ở những cơ sở đảng này bị tê liệt.
Bài học từ sự kiện Bộ trưởng Bộ Y tế, giám đốc một loạt CDC các tỉnh bị nêu tên trong thời gian vừa qua bị khai trừ khỏi Đảng, truy tố đã minh chứng rõ cho điều này. Với cương vị của những đảng viên ấy, đúng ra họ phải là tấm gương của sự trung thực, phục tùng kỷ luật Đảng, phụng sự giai cấp, dân tộc thì lại đi ngược những gì từng tuyên thệ. Để rồi kết cục của việc đi ngược này là sự kết thúc mà chúng ta đã biết nó ra sao, như thế nào với những đảng viên này.
Thật là đau đớn, xót xa khi mất đảng viên, mất cán bộ. Sự mất mát lớn hơn thế là mất niềm tin của quần chúng, Nhân dân đối với Đảng, với sự nghiệp mà Đảng ta dày công xây dựng. Song, dù có mất mát, đau thương, chúng ta cũng phải loại trừ những cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất để lấy lại niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, với sự nghiệp lãnh đạo của Đảng.
Với mỗi cán bộ đảng viên như chúng ta, đứng trước sự cám dỗ như của Việt Á, luôn là thách thức không hề nhỏ. Nhưng nếu có bản lĩnh, niềm tin với Đảng, của Đảng, giữ vững được lời thề đã tuyên thệ, tôi tin chắc rằng, chúng ta sẽ vượt qua cám dỗ.
Ông Chu Ngọc Anh (bên trái) và ông Nguyễn Thanh Long bị khai trừ Đảng, khởi tố, bắt tạm giam vì có sai phạm liên quan Công ty Việt Á.
Như vậy, qua sự kiện của cơ quan chức năng đối với việc bắt giam ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long trong thời gian vừa qua, có thể nhận thấy, bất kỳ đảng viên nào nếu không có sự tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng của cá nhân sẽ đều dẫn tới sự tha hóa của bản thân và dẫn tới những hệ lụy đau lòng, mất niềm tin của dân với Đảng. Sự kiện vừa qua đã cho thấy đúng như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay.
Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một bài phát biểu tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”. Đó là câu nói mà tôi tin rằng những người như ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh bây giờ đang suy ngẫm và thấm thía hơn bao giờ hết.