Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bóc tách đất ở có hồ sơ ra khỏi đất rừng Sóc Sơn để làm rõ vi phạm

Người dân có nhu cầu phát triển xây dựng mắc lỗi vi phạm đất rừng do việc rà soát cắm mốc ranh giới đất rừng phòng hộ với các loại đất khác còn chậm trễ.

Cắm mốc để phân biệt đất rừng với các loại đất khác

Liên quan đến công tác quy hoạch quản lý bảo vệ đất rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn, ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội thông tin, thời gian qua, Kiểm lâm Hà Nội đã tham mưu cho Sở NN-PTNT đề xuất UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 57, trong đó có nội dung giao các huyện, thị xã có rừng trong đó có huyện Sóc Sơn thực hiện công tác rà soát hiện trạng rừng, đo đạc cắm mốc, ranh giới 3 loại rừng trên địa bàn quản lý.

Cần sớm thực hiện công tác rà soát hiện trạng rừng đo đạc cắm mốc, ranh giới.

“Huyện Sóc Sơn toàn bộ là rừng phòng hộ. Việc rà soát đo đạc cắm mốc ranh giới giữa đất lâm nghiệp và các loại đất khác để phân biệt đất rừng phòng hộ với các loại đất khác trên địa bàn. Sau khi có kết quả rà soát đo đạc huyện Sóc Sơn sẽ phối hợp với các sở, ngành để đề xuất UBND thành phố Hà Nội cho điều chỉnh quy hoạch rừng Sóc Sơn phù hợp với quy hoạch chung của Thành phố”, ông Tuyên nói.

Đại diện Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết, tình trạng vi phạm xây dựng, san ủi đất hàng năm thường xảy ra ở phần diện tích quy hoạch cho đất lâm nghiệp.

“Vi phạm trên đất lâm nghiệp đương nhiên sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng bền vững. Sở NN-PTNT sẽ phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn đề nghị xử lý dứt điểm các sai phạm theo quy định pháp luật”,  ông Tuyên nói.

Đại diện Kiểm lâm Hà Nội cho biết, các vụ vi phạm trên diện tích rừng quy hoạch đất lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn phối hợp với UBND xã lập trường hợp các trường hợp vi phạm và đề xuất cấp thẩm quyền xử lý. Tuy nhiên, lực lượng Kiểm lâm không có thẩm quyền xử phạt nên chỉ phối hợp với xã lập biên bản vi phạm đề nghị cấp thẩm quyền xử lý theo quy định.

Bóc tách các diện tích đất trùng lấn 

Đối với diện tích đất rừng chưa được huyện Sóc Sơn chuyển giao về Ban Quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội, theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn bàn giao toàn bộ diện tích rừng phòng hộ cho Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội quản lý.

Trong các năm 2021, 2022, huyện bàn giao 1.150 ha, còn lại hơn 1.000 ha Thành phố cũng đã chỉ đạo huyện tiếp tục rà soát hiện trạng rừng và xử lý các vi phạm về sử dụng đất lâm nghiệp trái phép và phối hợp với các sở, ngành để bóc tách các diện tích đất trùng lấn có hồ sơ. (Ví dụ đất có hồ sơ là đất ở trước năm 1993 ra khỏi đất lâm nghiệp và xử lý tất cả các vi phạm trên diện tích đất rừng còn lại) bàn giao nốt cho Ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội (BQL) và đất lâm nghiệp theo quy định.

Hồ Đồng Đò, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn.

“Khi bàn giao diện tích còn lại cho BQL, thứ nhất sẽ đảm bảo được rừng có một chủ quản lý - một loạt loại rừng. Chủ quản lý sẽ thực hiện đầy đủ chức năng, trách nhiệm của một chủ rừng theo pháp luật đã được giao đất, giao rừng. Chủ rừng phải lập phương án quản lý rừng bền vững theo quy định pháp luật từ đó hiệu quả nâng cao chất lượng rừng sẽ được tốt hơn. Công tác phát triển rừng, phát huy tính đa dạng sinh học của rừng sẽ được nâng cao.

Đặc biệt, khi đã có phương án xây dựng phát triển rừng bền vững, chủ rừng cũng có thể xây dựng các kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp (khu được bảo vệ nghiêm ngặt, khu được phát triển sinh thái, khu được phát triển nông-lâm kết hợp). Từ đó, sẽ nâng mức thu nhập kinh tế của đơn vị, diện tích rừng ngày một nâng cao từ công tác quản lý bảo vệ rừng, sẽ tránh việc tranh chấp, sử dụng đất bất hợp pháp. Khi đó sẽ làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân nếu vi phạm”, ông Tuyên nói.

Tại Thông báo Kết luận Hội nghị bàn biện pháp xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại xã Minh Phú và Minh Trí ngày 16/8, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc giao Phòng Tài nguyên – Môi trường nêu rõ: sau khi xử lý, cưỡng chế vi phạm, tham mưu UBND huyện Quyết định thu hồi đất, đối với đất giao rừng, cấp sổ lâm bạ, tham mưu UBND huyện đề nghị Sở NN-PTNT thu hồi, giao quản lý theo quy định.

Hướng dẫn các xã có rừng (đặc biệt là tại xã Minh Phú, Minh Trí đi làm kinh tế mới được giao đất theo định mức 400 m2) thống kê các trường hợp giao đất, đối chiếu sổ quản lý và quy định để xác định việc các hộ đã chuyển nhượng hết, chuyển nhượng vượt diện tích, nhằm quản lý chặt chẽ, tránh khiếu kiện, đòi đất ngoài tiêu chuẩn được cấp.

Đ. Hưng (VOV.VN)

Tin mới