Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Xẻ thịt' đất rừng Sóc Sơn: Càng đình chỉ, công trình vi phạm càng hoàn thiện

(VTC News) -

“Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, xã đến lập biên bản, thông báo đình chỉ. Tuy nhiên, càng đình chỉ công trình vi phạm càng hoàn thiện”, Chủ tịch xã Minh Trí nói.

Rừng Sóc Sơn tiếp tục bị ‘xẻ thịt’ sau kết luận thanh tra.

Sau 4 năm Thanh tra TP Hà Nội ban hành kết luận số 1085 và kết luận số 1125, đến nay hai bên sườn đồi và bờ hồ Đồng Đò (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, nằm trong phạm vi quy hoạch rừng phòng hộ) tiếp tục có thêm nhiều công trình vi phạm mới xuất hiện.

Theo kết quả thực hiện công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội), từ đầu năm 2023 đến nay có hơn 187 công trình sai phạm. Trong năm 2022, toàn huyện có gần 250 trường hợp bị xử lý, còn năm 2021 xử lý hơn 300 trường hợp.

Ghi nhận của PV, hai bên đường ven hồ Đồng Đò là các công trình kiên cố, lưng tựa núi, mặt hướng hồ. Sát mép hồ, nhiều công trình đang xây dựng dở dang. Trên sườn núi xuất hiện nhiều vị trí được san gạt, kè bờ kiên cố và tạo lối đi, có dấu hiệu chuẩn bị xây dựng.

Ông Đinh Văn Bảo, Chủ tịch UBND xã Minh Trí cho biết hồ Đồng Đò đẹp nên nhiều người từ nơi khác đến mua đất của bà con và xây dựng công trình. “Nơi xây dựng 3 tòa lâu đài trước đây là diện tích đất của 11 hộ dân thôn Minh Tân, có 6 - 7 nóc nhà. Khu vực này là của mấy bố con, anh em đến khai hoang từ năm 1985 và sau đó bán cho chủ hộ hiện tại. Nếu không nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ có thể khu vực này đã được cấp sổ đỏ. Nếu cưỡng chế trường hợp này thì phải xem xét rất kỹ lưỡng, cả những yếu tố lịch sử", Chủ tịch UBND xã Minh Trí chia sẻ.

Vị Chủ tịch xã cho biết, thôn Minh Tân có lịch sử rất khác biệt so với nơi khác. Năm 1985, huyện Sóc Sơn và TP Hà Nội vận động những hộ khó khăn của một số xã như Xuân Thu, Kim Lũ, Bắc Phú... (huyện Sóc Sơn) đến xây dựng vùng kinh tế mới ở hồ Đồng Đò. “Khi người dân đến rừng ở thôn Minh Tân chỉ là những cây hoang, cỏ dại. Sau đó, mọi người khai hoang, trồng rừng vào những năm 90. Đến năm 2008, toàn bộ thôn Minh Tân được quy hoạch là rừng phòng hộ, kể cả nhà văn hóa, trạm điện, nhà dân, lớp học... Từ đó đến nay, hầu hết các công trình xây dựng tại đây đều vi phạm”, ông Bảo nói.

Khi phát sinh vi phạm trật tự xây dựng mới, xã sẽ lập hồ sơ. Nếu thuộc thẩm quyền của xã, xã sẽ xử lý, còn thuộc thẩm quyền của huyện thì địa phương đề xuất trên cơ sở đánh giá, áp dụng theo các quy định một cách thận trọng. “Hiện thôn Minh Tân có gần 200 hộ, diện tích hơn 800 ha nhưng chưa hộ nào có sổ đỏ. Do thôn đang nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ nên việc lập hồ sơ xử lý các công trình xây dựng vi phạm đều trên cơ sở áp dụng các quy định về rừng phòng hộ để xử lý”, ông Bảo nói và cho biết khó khăn lớn nhất là thôn Minh Tân lại chưa có bản đồ nên công tác quản lý gặp nhiều bất cập.

Theo ông Bảo, quy trình cưỡng chế công trình là khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, địa phương đến kiểm tra, xem xét, căn cứ theo quy hoạch và ra thông báo, nhắc nhở. Nếu công trình không tự dừng, tự khắc phục, tháo dỡ những phần đã xây dựng, lực lượng chức năng sẽ lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt, cưỡng chế và đình chỉ. “Chúng tôi cương quyết lập biên bản xử lý và ra thông báo tạm đình chỉ xây dựng. Tuy nhiên, càng đình chỉ các công trình sai phạm càng hoàn thiện”, Chủ tịch UBND xã Minh Trí chia sẻ.

Ông Dương Phương (60 tuổi, người dân ở hồ Đồng Đò) cho biết, ông đến đây khai hoang từ năm 1985. Thời đó, ông được chính quyền địa phương cho phép, tạo điều kiện đến địa bàn hồ Đồng Đò làm kinh tế mới. Ngày đó ai khai hoang được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu chứ không có ai quản. Đến những năm gần đây, chính quyền mới đề cập đến đây là rừng phòng hộ nên không thể làm được sổ đỏ. 

Chia sẻ về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, ông Phạm Quang Ngọc, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, trước kia đất rừng ở Sóc Sơn có diện tích khoảng 3.266 ha. Theo quy hoạch năm 2008 của UBND TP Hà Nội, tổng diện tích đất rừng là 4.566 ha, tăng thêm 1.300 ha. "Trong 1.300 ha này có đất ở, đất vườn, đất trồng cây lâu năm, đất trụ sở, đất quốc phòng, đường giao thông… Nhà nước thu hồi lại, trồng lại rừng thì đó là rừng, còn chưa thu hồi thì vẫn đang là đất sử dụng của bà con nhưng nằm trong quy hoạch nên không được phép xây dựng", ông Ngọc nói.

 Lãnh đạo huyện cho hay, thời gian qua, địa phương rất kiên quyết trong công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Tháng 6/2023, huyện đã tạm đình chỉ 3 phó chủ tịch UBND các xã: Minh Trí, Nam Sơn, Mai Đình để tập trung vào công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Trước đó, đã có 2 chủ tịch xã bị kỷ luật vì để địa bàn xảy ra nhiều vi phạm.

"Vẫn còn một số trường hợp vi phạm nhưng xã giấu, huyện không biết được. Tháng 7 vừa rồi, huyện cho kiểm tra xem ông nào giấu. Huyện đang làm hết sức, nhưng việc này hết sức phức tạp, cần làm dần từng bước", ông Ngọc nói và cho biết việc phát hiện bắt buộc phải từ cơ sở vì nhiều nơi trên địa bàn là khu vực đất ở nông thôn, khi xây dựng thì không cần cấp phép.

"Điều chỉnh xong, trường hợp nào phù hợp với quy hoạch thì để lại và cho bà con chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy cho bà con. Cái nào không phù hợp thì bắt buộc phải xử lý", ông Ngọc nói.

Ngô Nhung

Tin mới