Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ Y tế truy vết, xem lại dịch tễ của bệnh nhân bạch hầu tại Tây Nguyên

(VTC News) -

Bộ Y tế đã khởi động lại chương trình truy vết, xem lại toàn bộ yếu tố dịch tễ của bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu tại Tây Nguyên.

Thông tin cho lãnh đạo UBND các tỉnh Tây Nguyên, TS Hà Anh Đức - Chánh văn phòng Bộ Y tế cho biết, Bộ và Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh đã khởi động lại chương trình truy vết, xem lại toàn bộ yếu tố dịch tễ của bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu tại khu vực.

Các địa phương cũng được hướng dẫn cài đặt phầm mềm cập nhật, cảnh báo dịch bệnh BlueZone để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bạch hầu.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, công tác điều tra dịch tễ để truy vết đóng vai trò rất quan trọng trong phòng và khống chế dịch bạch hầu. Do đó, các tỉnh Tây Nguyên cần làm tốt công tác truyền thông để làm sao thay đổi được nhận thức, hành vi của người dân về phòng chống bệnh này.

“Trên thực tế có tình huống cán bộ y tế đến tận nhà vận động nhưng người dân vẫn không đi tiêm chủng. Do đó, trong công tác truyền thông cần đa dạng các hình thức, trong đó chú trọng tuyên truyền bằng ngôn ngữ của đồng bào, tuyên truyền bằng cách cầm tay chỉ việc theo kiểu “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, ông Tuyên nhấn mạnh.

Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra công tác tiêm vaccine phòng bạch hầu cho người dân tại Tây Nguyên.

Theo PGS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, đối với bệnh bạch hầu, dù tiêm vaccine nhưng vẫn có vi khuẩn trong người nên vẫn có khả năng lây lan. Bởi vaccine chỉ giảm tình trạng bệnh nặng, biến chứng và nguy cơ thiệt mạng. “Vì thế điều tra dịch tễ để truy vết rất quan trọng giúp những người đã tiếp xúc được dùng kháng sinh dự phòng”, BS Lân nói.

Về công tác điều trị cho bệnh nhân mắc bạch hầu, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong sáng nay, hội đồng chuyên môn đã họp để cập nhật phác đồ điều trị bệnh bạch hầu.

Bộ Y tế cũng đã tổ chức tập huấn điều trị bạch hầu kết hợp sốt xuất huyết, COVID-19 cho 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Cùng với đó, Cục cũng chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh các địa phương tăng cường phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cách ly kịp thời, khoanh vùng triệt để ổ dịch… chuẩn bị sẵn các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện vật tư tiêu hao, thuốc men…

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, tính tới ngày 8/7, tại khu vực Tây Nguyên ghi nhận 68 ca dương tính với bạch hầu. Đắk Lắk là tỉnh mới nhất ghi nhận ca mắc đầu tiên, Đắk Nông có 27 ca; tỉnh Gia Lai có 16 ca; Kon Tum có 24 ca; Đăk Lăk 1 ca.

Cả nước đã ghi nhận 3 trường hợp bệnh nhân thiệt mạng. Đây là những người sống ở vùng sâu, vùng xa. và là những ca bệnh mới xuất hiện lần đầu tại địa bàn (16 năm không xuất hiện ca bệnh bạch hầu) và được phát hiện muộn.

Video: Đắk Nông nâng cấp độ chống dịch bệnh bạch hầu

 

Phạm Quý

Tin mới