Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dịch bạch hầu ở Tây Nguyên lây lan trong cộng đồng, 50% ca không có triệu chứng

(VTC News) -

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 53 ca bệnh bạch hầu đầu tiên ở Tây Nguyên thì có tới 25 ca không có triệu chứng, chiếm 50%.

Ngày 9/7, Bộ Y tế có buổi làm việc với lãnh đạo UBND các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam và Quảng Ngãi về công tác phòng chống dịch bạch hầu.

Báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế, ông Đặng Quang Tấn – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, từ đầu năm đến nay, 4 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai) ghi nhận 68 trường hợp, tăng 3 ca so với cuộc họp khẩn của Bộ Y tế về phòng chống bạch hầu cách đây 2 ngày.

Đáng chú ý, trong 53 ca bạch hầu đầu tiên thì có tới 25 ca không có biểu hiện triệu chứng (người lành mang trùng, phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc) tương đương với 50%.

“Như vậy bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, nguy cơ lây bệnh từ người này sang người khác qua tiếp xúc là rõ ràng”, ông Tấn nói.

GS.TS Nguyễn Thanh Long – quyền Bộ trưởng Bộ Y tế (áo xanh bên phải) đến thăm và làm việc tại Tây Nguyên.

Tỷ lệ tiêm phòng quá thấp

Chiều cùng ngày, tại trường PTTH Nguyễn Huệ (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai), Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức phát động “Chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch bạch hầu” tại 4 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, gồm: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông.

GS.TS Nguyễn Thanh Long – quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về tình hình sử dụng vaccine phối hợp DPT-VGB-Hib do SII (Ấn Độ) sản xuất và báo cáo kết quả tiêm chủng 5 tháng đầu năm 2020 tại các tỉnh Tây Nguyên, tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trong tiêm chủng mở rộng thấp, chưa đạt tiến độ theo kế hoạch.

Trong đó tỷ lệ vaccine DPT-VGB-Hib cho trẻ dưới 1 tuổi chỉ đạt 34,6%, tỷ lệ tiêm vaccine DPT mũi 4 cho trẻ 18 tháng tuổi cũng chỉ chiếm khoảng 28,4 %.

Số liệu trên cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng các vaccine chứa thành phần bạch hầu cho trẻ rất thấp. Do vậy, để khống chế bệnh bạch hầu, đảm bảo duy trì miễn dịch cộng đồng, việc triển khai chiến dịch tiêm các vaccine phòng chống dịch bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên là cần thiết.

“Đây là bước đi quan trọng để chủ động phòng chống dịch bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên, giảm tỷ lệ mắc, người chết do bệnh bạch hầu tại đây”, ông Long nhấn mạnh.

Chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch bạch hầu lần này sẽ được triển khai trước hết ở 4 tỉnh Tây Nguyên với đối tượng là tất cả những người từ 2 tháng tuổi trở lên, bắt đầu từ tháng 7/2020.

Trẻ em tại Tây Nguyên được tiêm vaccine phòng bạch hầu.

Theo kế hoạch, trẻ từ 2 đến 18 tháng tuổi sẽ được tiêm 1 mũi vaccine 5 trong 1; trẻ từ 19 tháng tuổi đến 48 tháng tuổi sẽ được tiêm 1 mũi vaccine DPT và người từ 48 tháng tuổi trở lên tiêm 2 mũi vaccine Td (mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tháng).

Việc tổ chức tiêm chủng được triển khai theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các điểm tiêm chủng cố định và lưu động. Cụ thể, trạm y tế tiêm chủng cho đối tượng là trẻ 2 tháng trở lên và thực hiện tiêm vét. Tại các điểm lưu động sẽ thực hiện tiêm chủng cho đối tượng sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận.

Dự kiến, trong chiến dịch này sẽ tiêm chủng khoảng 120.446 liều vaccine 5 trong 1; 279.608 liều vaccine DPT; và 10.111.461 liều vaccine Td. Như vậy, gần 4,7 triệu đối tượng tại 4 tỉnh này sẽ được tiêm các mũi vaccine khác nhau để phòng chống dịch bạch hầu.

Video: Đắk Nông nâng cấp độ chống dịch bệnh bạch hầu

 

Phạm Quý

Tin mới