Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum, Đắk Nông và Gia Lai yêu cầu tăng cường công tác phòng và chữa trị bệnh bạch hầu.
Theo đó, các địa phương cần triển khai ngay việc tập huấn lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho tất cả cơ sở y tế trong toàn tỉnh, bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân.
Các tỉnh rà soát, đảm bảo việc đáp ứng đầy đủ khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện, vật tư, thuốc, kháng huyết thanh điều trị bệnh bạch hầu theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu; kịp thời báo cáo những vướng mắc, khó khăn về Bộ Y tế.
Dịch bạch hầu đang lan rộng ở Tây Nguyên với 63 ca mắc.
Sở Y tế 4 các tỉnh chủ động liên hệ, phối hợp với các bệnh viện tuyến cuối của hệ thống bệnh truyền nhiễm như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng I, Bệnh viện Nhi đồng II để được hỗ trợ kỹ thuật khi cần thiết.
Giám đốc các Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng I, Bệnh viện Nhi đồng II phối hợp tổ chức, tránh trùng lặp đoàn công tác đến làm việc, hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh Tây Nguyên; Triển khai tập huấn lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho các cơ sở y tế.
Các bệnh viện cần thiết lập đường dây nóng và hình thức hỗ trợ trực tuyến, sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho cơ sở y tế trong khu vực Tây Nguyên khi có yêu cầu.
Theo Bộ Y tế tính từ đầu năm đến ngày 7/7, riêng khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận 63 ca mắc bệnh bạch hầu. Trong đó, 3 người đã thiệt mạng.
Tính tới chiều 7/7, khu vực Tây Nguyên ghi nhận 63 ca dương tính với bạch hầu, gấp 3 lần so với năm 2019. Trong đó, Đắk Lắk là tỉnh thứ 4 ghi nhận trường hợp dương tính với bạch hầu.
Đắk Nông có thêm 4 ca bệnh, nâng tổng số ca mắc ở đây lên 25 người. Gia Lai có thêm 5 ca, nâng số ca mắc lên 15 ca. Riêng tỉnh Kon Tum vẫn giữ nguyên 22 ca mắc.
Ngoài ra, khu vực này đã có 3 ca bệnh thiệt mạng do bạch hầu (3 người ở Đắk Nông và 1 ở Gia Lai).
Video: Đắk Nông nâng cấp độ chống dịch bệnh bạch hầu