Quán Bình Minh Jazz ở số 1 Tràng Tiền vẫn mở hằng đêm. Cả 7/7 đêm là nhạc jazz, thứ jazz thuần chất không pha tạp mà các thế hệ học trò của nghệ sĩ Quyền Văn Minh chơi. Không chỉ là những bản nhạc jazz kinh điển của nước ngoài, ông còn mang đến đó jazz Việt mang âm hưởng văn hóa dân gian để giới thiệu với công chúng, đặc biệt là khách nước ngoài.
Để có Bình Minh Jazz hôm nay, ông đã trải qua 25 năm lận đận, với không dưới 6 lần chuyển chỗ, và cuối cùng vẫn có một quán nhạc jazz duy nhất tồn tại ở Hà Nội.
NSƯT Quyền Văn Minh.
“Tôi có một giấc mơ, một giấc mơ chơi jazz ở Việt Nam. Vì jazz, tôi đã gặp nhiều gian khó. Vì jazz, tôi đã nhận nhiều hạnh phúc và vui thú. Giờ tôi đã nghỉ hưu ở nhạc viện. Đó là công việc của tôi với đất nước. Nhưng công việc của tôi với cây saxophone thì không bao giờ ngừng lại”. Trong ngôi nhà nhỏ bộn bề sách và đĩa nhạc, đàn, Quyền Văn Minh chia sẻ với tôi câu chuyện về jazz, tình yêu máu thịt của ông.
Jazz với Quyền Văn Minh là tình yêu, và hơn thế, là lẽ sống, mà vì nó ông luôn tận hiến.
Năm 1968, khi người Việt Nam cơ bản không biết nhạc jazz là gì, ông đã được nghe nó trên radio và lập tức bị ám ảnh. Cậu bé Quyền Văn Minh 14 tuổi tự học nhạc từ sự khuyến khích, động viên của mẹ. Lúc đầu ông chơi cralinet, sau đến sacxophone. Được mời về các đoàn biểu diễn sacxophone, nhưng thẳm sâu trong trái tim Quyền Văn Minh vẫn ám ảnh bởi thứ nhạc tự do, phóng khoáng mà ông “trót được nghe” từ năm 14 tuổi ấy, nên quyết đi tìm và chơi nó, mang nó về Việt Nam. Ông gọi đó là “âm nhạc mê hoặc” và tự nhủ: “Mình phải học cái này mới được. Mình phải chơi được như thế”.
Tôi hỏi, điều gì khiến ông đắm đuối với jazz đến thế. Ông khẳng khái: “Ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống. Tôi chỉ có một cuộc đời để làm nghệ thuật. Với jazz, nếu không làm được thì uổng phí cuộc đời của mình quá”.
Lúc đầu, âm nhạc đến với Quyền Văn Minh “chỉ như một vũ khí để tự vệ, không muốn kém ai cả”, nhưng khi nghe jazz, ông bị chinh phục bởi vẻ đẹp tự do, phóng khoáng của thứ âm nhạc như có men say ấy. “Tôi nghĩ, khó cũng làm được nếu quyết tâm, tôi tự hứa với chính mình, dứt khoát phải chơi nhạc jazz”.
Đêm diễn đầu tiên của ông với 3 bản nhạc jazz tại Hội Nhạc sĩ Việt nam năm 1994 đã đặt nền móng cho sự phát triển của nhạc jazz Việt Nam. Năm 1996, Quyền Văn Minh được mời sang Pháp biểu diễn, và năm 1997, ông nhận danh hiệu NSƯT. Quán nhạc jazz đầu tiên ông mở tại Giảng Võ bằng toàn bộ số tiền gom góp nhiều năm, đủ để làm một concert riêng tại Hà Nội. Nhưng lúc đó, ông nghĩ rằng, jazz cần một sân chơi, nơi các nghệ sĩ có thể đến chơi nhạc và công chúng có một địa chỉ để thưởng thức.
25 năm là một hành trình gian khó, nhưng với Quyền Văn Minh, người luôn tôn thờ jazz, thì những khó khăn, mệt mỏi đã đi qua, chỉ còn lại âm nhạc. “Tôi đã chơi nhạc hơn 50 năm kể từ 1967, và tôi đã mở jazz club hơn 20 năm trước, vào năm 1997. Tôi nghĩ, riêng việc tôi có đủ niềm tin vào bản thân để chơi jazz đã là một thành tựu! Trong những điều kiện hạn chế mà tôi học chơi jazz, trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp rồi trở thành giáo viên saxophone và nhạc jazz”, ông nói.
Cha con nghệ sĩ Quyền Văn Minh và Quyền Thiện Đắc.
Giờ, jazz đã phát triển ở Việt Nam. Khoa Jazz của Học viện Âm nhạc Quốc gia - nơi ông làm giảng viên và là một trong những người sáng lập - đã có những khóa học sinh chất lượng. Và Bình Minh Jazz dù khó khăn vẫn tồn tại như minh chứng về sức sống và tình yêu jazz của ông.
Người có ảnh hưởng lớn nhất trong sự nghiệp của Quyền Văn Minh là mẹ. Giờ, khi đã ngoài 70 tuổi, nói về mẹ, nước mắt ông vẫn chực trào ra. Nếu không có mẹ, chắc sẽ không có Quyền Văn Minh đắm đuối với âm nhạc đến thế.
“Ngay từ khi bắt đầu chơi nhạc, tôi đã không có bài học âm nhạc thực thụ nào. Khi chơi thành thạo một bản nhạc cụ thể nào đó, tôi sẽ ra chỗ mẹ và chơi cho bà nghe. Mẹ tôi lắng nghe và khen “Tuyệt vời!”, động viên tôi tiếp tục luyện tập. Mẹ là ca sĩ giỏi với giọng ca tuyệt đẹp. Có thể nói rằng, bà là người thầy đầu tiên và duy nhất của tôi. Mẹ dạy tôi cách lắng nghe, khuyến khích tôi đưa cái mình nghe được bằng đôi tai của mình thành những gì mình chơi trên guitar, và sau này là clarinet. Khi bắt đầu tham gia diễn trong các đoàn ca múa, tôi có thể học những bản nhạc mới rất nhanh”, ông chia sẻ.
Sách "Chơi Jazz ở Việt Nam" của Quyền Văn Minh.
Quyền Văn Minh kể cách mẹ khuyến khích ông chơi nhạc: “Khi mẹ đặt cây clarinet vào tay tôi, bà bảo: “Mẹ chỉ muốn con chơi thật tốt. Ngay cả khi con chỉ kiếm được một đồng từ việc chơi clarinet, điều đó vẫn đáng giá với mẹ hơn một tỷ đồng từ người khác”.
Thời ấy, khi bắt đầu thực sự học chơi một nhạc cụ, có nghĩa ông đã chọn một nghề kiếm sống, và mẹ rút chiếc nhẫn vàng cuối cùng đang đeo ở tay cho con trai “mượn” mua kèn cho buổi hòa nhạc đầu tiên trong đời.
Hơn ai hết, Quyền Văn Minh thấu hiểu tình yêu của mẹ, và vì tình yêu đó, trong những lúc khó khăn, ông đã nỗ lực vượt qua. Cũng vì tình yêu đó, ông bao dung hơn với cuộc đời của mình, để đi qua những đoạn khó khăn trong đời sống riêng tư. Nay, “Bố già của nhạc Jazz Việt” vẫn tiếp tục những dự định dang dở cho thế hệ jazz trẻ. Ông nhận dạy những học sinh nhỏ tài năng với kỳ vọng đưa jazz Việt ra ngoài biên giới.
NSƯT Quyền Văn Minh sinh năm 1954 tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, mẹ là ca sĩ, cha và anh em ruột đều là nhạc công; con trai là nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc. Ông là một trong những người đặt nền móng cho việc giảng dạy và sáng tác nhạc jazz tại Việt Nam, được biết đến là nghệ sĩ saxophonejazz đầu tiên và hàng đầu của Việt Nam.
Trong lời nói đầu cuốn “Chơi Jazz ở Việt Nam”, tác giả Stan BH Tan-Tangbau nhận định, nỗ lực của Quyền Văn Minh “đã đóng góp vào những cố gắng định hình giọng điệu nguyên bản của Việt Nam để biểu diễn cùng những kết cấu âm thanh đa dạng của jazz thế giới, và quan trọng nhất, tạo nên một không gian công cộng cho các nhạc sĩ chơi jazz và người Việt nghe jazz”.