Đêm Fusion Jazz Concert thứ hai thuộc chuỗi Nam Jazz Night của pianist Tuấn Nam diễn ra tại TP.HCM để lại dư âm rộn ràng, tràn đầy nhựa sống, đúng như tinh thần của ca khúc khép màn nhưng mở ra Một ngày mới cho sự phát triển nhạc jazz ở Việt Nam.
Đêm diễn đầu tiên ở Hà Nội, Tuấn Nam có một cuộc chơi “không thoả hiệp” đánh dấu "sự trở về đúng nghĩa trái tim" bên cạnh cặp đôi “bố già và anh cả jazz” Quyền Văn Minh - Quyền Thiện Đắc. Tâm hồn nghệ sỹ cùng ngón đàn lả lướt, điêu luyện đã ngầm chứng minh jazz chính là suối nguồn vĩnh cửu, là sự nghiệp họ theo đuổi trọn đời.
Đêm nhạc mở lối cho Jazz đến gần với khán giả đại chúng, và để chứng minh Jazz không hề khó nghe, kén khán giả như nhiều người nghĩ mà đang chảy trong các dòng nhạc khác, Tuấn Nam và ê-kíp đã lựa chọn concept Fusion.
Ngoài những bản hoà tấu đẳng cấp cao của Tuấn Nam và các thành viên ban nhạc được đào tạo bài bản từ những chiếc nôi Jazz quốc tế như Berklee (Mỹ), Malmo (Thuỵ Điển)..., sự góp mặt của các giọng ca Tùng Dương, Hà Lê, Thuỷ Bùi mang tới cho đêm nhạc phong vị tươi mới, đậm đà.
Nghệ sỹ Quyền Văn Minh.
Quyết định “Nam tiến” thực hiện đêm nhạc thứ hai tại Nhà hát Lớn TP.HCM với sự thay đổi toàn bộ kịch bản chương trình và dàn ca sĩ trẻ như Đinh Hương, Soobin Hoàng Sơn, Lê Hiếu... cũng nói lên độ “tung tẩy” và “tất tay” của Tuấn Nam và nhà sản xuất, với khát vọng biến chuỗi Nam Jazz Night thành sân chơi chuyên nghiệp, không thoả hiệp nhưng cũng không giới hạn, không khoảng cách.
Thay vì phô diễn nhiều tiết mục hoà tấu đẳng cấp cao như đêm đầu tiên tại Hà Nội, Jazz Fusion Concert tại TP.HCM sôi nổi, trẻ trung khi chú trọng vào sự ngẫu hứng của các giọng ca trẻ với ban nhạc. Tuấn Nam đã chứng minh Jazz thực sự chảy uyển chuyển trong các dòng nhạc đại chúng như Pop, RnB, Nhạc xưa... với các bản hoà âm mượt mà cùng ngón đàn tung tẩy của mình.
Sự ứng tấu của dàn kèn, contrabass và Tuấn Nam thật sự ăn ý và chặt chẽ, "đốn gục" mọi đôi tai khó tính nhất. Nhờ sự dìu dắt và nâng đỡ tuyệt vời của Tuấn Nam và Nam Jazz Night Band, dàn ca sĩ những tưởng “ngoại đạo” đã có sự nhập cuộc đầy thi vị như Đinh Hương, Soobin Hoàng Sơn, Lê Hiếu hay ấn tượng, phá cách như Hà Lê.
Ca sĩ Lê Hiếu.
Mở màn, Đinh Hương thổi luồng gió êm dịu với Bangbang, Mình yêu nhau bình yên thôi và Killing Me Softly. Là giọng hát quyến rũ mang hơi hướng nhạc Soul, rất lâu rồi khán giả mới được thấy một Đinh Hương thư giãn và lả lướt trên sân khấu.
Người nghe lần lượt trải qua từng đợt sóng cảm xúc bởi cái cách Tuấn Nam khoác áo mới cho các bản hit của “hoàng tử RnB” Soobin và chùm nhạc xưa Xin còn gọi tên nhau, Bây giờ tháng mấy của “hoàng tử nhạc tình” Lê Hiếu.
Đêm nhạc thật sự bùng nổ, mọi khoảng cách được rút ngắn khi “chàng quái” Hà Lê xuất hiện. Trong bản phối mới của Tuấn Nam và ban nhạc, hai nhạc phẩm Trịnh Công Sơn là Mưa hồng và Ở trọ được Hà Lê “remake” đầy ngẫu hứng, lãng mạn.
"Quái kiệt nhạc Trịnh" Hà Lê.
Gây ấn tượng và cảm hứng trong suốt thời gian qua với dự án cá nhân Trịnh Contemporary, cùng thế mạnh Hiphop, RnB, thử thách khoác áo Jazz không làm khó Hà Lê. Màn biểu diễn biến hoá và đầy tương tác của “chàng quái nhạc Trịnh” biến thánh đường nhà hát thành đại nhạc hội jazz đúng nghĩa. Hà Lê phát huy các thế mạnh của mình để làm chủ sân khấu. Mọi khoảng cách, nghi ngại được dỡ bỏ. Khán giả đu đưa, nhún nhảy như được bay trong đêm Nam Jazz Night.
Diva Hồng Nhung và nhạc sĩ Huy Tuấn say sưa thưởng thức đêm nhạc "Nam Jazz Night"
Cũng như đêm đầu tiên ở Nhà hát Lớn Hà Nội, sự xuất hiện ở tư cách khách mời của nghệ sỹ Quyền Văn Minh là “nốt trầm xao xuyến” cho Nam Jazz Night. Mang tới bàn hoà tấu tự sáng tác Sông nước Hậu Giang, nghệ sỹ Quyền Văn Minh với tiếng saxo đằm thắm như cơn mưa chiều Sài Gòn quyến rũ trái tim người nghe.
Chia sẻ trên sân khấu sau hơn nửa thế kỷ giữ lửa cho Jazz Việt, Quyền Văn Minh xúc động về một chân trời mới khi những thế hệ tiếp nối như Tuấn Nam - Quyền Thiện Đắc - Phạm Ngọc Quốc Cường tạo ra đường băng cho Jazz Việt cất cánh. Việc khán giả ngồi đến những giây phút cuối, nhún nhảy đu đưa trong không gian thánh đường của Nhà hát Lớn cho thấy jazz bắt đầu len lỏi trong đời sống nhạc Việt và được nhiều người thưởng thức.
Ông Phạm Ngọc Quốc Cường, Giám đốc sản xuất của chuỗi Nam Jazz Night, cho hay anh và Tuấn Nam sẽ tiếp nhiều dự án khác để Jazz trở nên gần gũi hơn với khán giả Việt. “Jazz là âm nhạc của nỗi lòng, của sự ấm cúng và sang trọng nhưng thực hiện một đêm nhạc Jazz tại thánh đường Nhà hát Lớn không dễ dàng bởi đòi hỏi một chi phí rất lớn. Trong bối cảnh Việt Nam vẫn chưa có thị trường âm nhạc đúng nghĩa, việc đưa Jazz đến gần với khán giả, khiến họ mua vé ở thời điểm hiện tại thực sự là may rủi. Nếu muốn Jazz được vang lên trong các không gian đẳng cấp, chinh phục được giới thưởng thức văn minh, những nhà tài trợ xa xỉ thì trên sân khấu người nghệ sỹ chơi nhạc jazz phải là những quý ông.”
Trả lời câu hỏi về việc thực hiện hai đêm nhạc chỉ cách nhau chưa đầy hai tháng, Tuấn Nam chia sẻ đó là nỗ lực của “những anh em”. Theo anh, Jazz không chỉ len lỏi trong các dòng nhạc, rút ngắn khoảng cách mà Jazz còn kết nối bè bạn, là lựa chọn tin cậy đẳng cấp của những thương hiệu uy tín như MSB và Mortlach.
Video: Ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vang lên trong đêm nhạc "Nam Jazz Night"