Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bình ổn thị trường vàng bằng cách nào?

(VTC News) -

Tại tọa đàm "Bình ổn giá vàng trong nước thế nào?" do VTC News tổ chức sáng 30/5, các khách mời đã đề xuất nhiều biện pháp để bình ổn thị trường vàng.

Giá vàng miếng trong nước vừa trải qua nhiều đợt tăng dữ dội, thậm chí có dấu hiệu khó kiểm soát. Nhiều thời điểm giá tăng nhanh và giảm chậm hơn so với giá thế giới, thậm chí có lúc "một mình một chợ".

Các khách mời tham gia tọa đàm "Bình ổn giá vàng trong nước thế nào?" (từ trái qua phải): Ông Nguyễn Thế Hùng, ông Nguyễn Quang Huy, ông Hà Sỹ Đồng và MC Huyền Phương.

Giá vàng trong nước vượt xa giá thế giới

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, trong năm 2023, giá vàng SJC đã chênh lệch rất lớn với giá vàng thế giới, lên đến 15 - 20 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân là do các kênh đầu tư khác nhiều biến động, lãi suất ngân hàng giảm, khiến người dân có tâm lý muốn mua. Trong khi đó, nguồn cung vàng thiếu làm giá tăng mạnh.

"Ở Việt Nam, tỷ lệ nắm giữ vàng của người dân rất cao, có thể lên đến 5-10% tổng tài sản. Nếu cứ đà này, tài sản bị đóng băng trong vàng ngày một lớn, ảnh hướng đến sự phát triển kinh tế", ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam.

Ông Hà Sỹ Đồng, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhận xét, từ trước năm 2012 cho đến khoảng cuối năm 2020, thị trường vàng khá ổn định và giá vàng trong nước - quốc tế bám khá sát nhau.

Từ đầu năm 2024, cả giá vàng thế giới và trong nước cùng tăng mạnh. Tuy nhiên, trong gần 2 năm trở lại đây, giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi rất nhiều, khoảng 15 - 20 triệu đồng/lượng.

"Điều này khiến thị trường vàng trong nước trở nên nhạy cảm hơn, dễ xuất hiện nhu cầu đầu cơ và nhập lậu, ảnh hưởng tới tỷ giá tự do và gián tiếp tạo áp lực lên tỷ giá của ngân hàng”, ông Đồng nói.

Phân tích về thực trạng này, theo ông Đồng, không nằm ở nguyên nhân Nhà nước độc quyền sản xuất mà chủ yếu nằm ở phía nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng đột biến.

Áp lực từ quốc tế vẫn còn khiến cầu vẫn vượt trội cung. Ngoài ra, giá vàng thế giới cơ bản vẫn giữ xu hướng tăng trung hạn trong bối cảnh rủi ro địa chính trị thường trực và nhu cầu tích trữ vàng của một số ngân hàng Trung ương lớn đang rất cao. Điều này cũng tác động đến giá trong nước.

Trong khi đó, chủ trương tăng cường đấu thầu vàng miếng đã không cho thấy hiệu quả rõ nét. Khả năng tăng cung không thể theo kịp mức độ tăng cầu mang tính đột biến hiện nay.

Ông Hà Sỹ Đồng dẫn chứng, giá vàng trong nước tới nay đã tăng hơn 22% so đầu năm; VN-Index tăng khoảng 13%; tỷ giá USD/VND tăng khoảng 5%; giá Bitcoin tăng 62%; trong khi tốc độ tăng trưởng tiền gửi tiết kiệm chỉ còn khoảng 2%, suy giảm mạnh kể từ đầu năm. Những con số này phần nào phản ánh vì sao đầu cơ vàng hấp dẫn các nhà đầu tư.

"Nếu tình trạng người dân bị kích động tâm lý, đổ xô đi mua vàng, về lâu dài sẽ tạo ra hệ lụy đáng lo ngại đối với nền kinh tế. Đó là tình trạng “vàng hóa”, nói rộng hơn là “đô la hóa” sớm quay lại, khiến tỷ giá sẽ liên tục chịu áp lực, đồng thời một lượng vốn lớn sẽ bị chôn chặt vào vàng, thay vì chảy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh", ông Đồng nói.

Ông Hà Sỹ Đồng, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Huy - CEO khoa Tài chính - Ngân hàng, trường đại học Nguyễn Trãi thì cho rằng, giá vàng hiện đang ở vùng đỉnh lịch sử trong nhiều năm trở lại đây. Có những phiên tăng hay phiên giảm nhưng trong 5 tháng đầu năm 2024 thì giá vàng luôn ở xu thế tăng.

Ông cho rằng, hiện đang là giai đoạn nhạy cảm của giá vàng, người dân nên thận trọng nếu muốn đầu tư, cần cân nhắc tới những biến động vĩ mô trong và ngoài nước.

Giải pháp cho thị trường vàng

Tại tọa đàm, các khách mời đã đề xuất nhiều biện pháp để bình ổn thị trường vàng trong nước.

Theo ông Huy, việc sửa Nghị định 24 đang được mọi người rất kỳ vọng, đặc biệt là việc bỏ độc quyền vàng miếng. Vì khi có nhiều đơn vị được phép nhập khẩu vàng miếng thì sẽ giúp cho nguồn cung dồi dào hơn hiện nay, góp phần thu hẹp chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới, cũng như giảm việc buôn lậu vàng.

Tuy nhiên, khi đó chúng ta cần quản lý danh mục bao nhiêu đơn vị được cấp phép nhập khẩu vàng, điều kiện, năng lực thỏa mãn các tiêu chí gì, phải làm sao để đảm bảo tính công bằng, minh bạch, cạnh tranh để không xảy ra việc lợi ích nhóm, liên kết thao túng thị trường vàng”, ông Huy khuyến cáo.

Theo ông Huy, vàng là mặt hàng liên quan tới an ninh tiền tệ quốc gia nên vẫn cần có sự quản lý và điều tiết của Nhà nước. Do đó ông Huy khuyến nghị một số giải pháp căn cơ đối với vàng trong nước.

Ông cho rằng nên xem xét lộ trình bỏ độc quyền vàng miếng, sớm cho phép các đơn vị tham gia nhập khẩu vàng miếng dựa trên các tiêu chí chặt chẽ về tín nhiệm, tài chính, năng lực quản trị rủi ro, trách nhiệm xã hội…trong đó vẫn có sự tham gia của những đơn vị kinh tế có yếu tố Nhà nước mang tính dẫn dắt để đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia và các đơn vị kinh tế tư nhân đảm bảo tính cạnh tranh theo yếu tố thị trường.

Đặc biệt, ông Huy kiến nghị nên đưa các môn khởi nghiệp, quản lý tài chính cá nhân vào học từ cấp 1, 2, 3, đại học. Chỉ khi có kiến thức và tư duy về khởi nghiệp, đầu tư thì người dân mới dùng vốn vào cho các dự án khởi nghiệp kinh doanh, đa dạng hóa danh mục đầu tư, giảm việc "vàng hóa" nền kinh tế.

Ông Nguyễn Quang Huy, CEO khoa Tài chính - Ngân hàng, trường Đại học Nguyễn Trãi

Đồng tình quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng cho biết, hiệp hội này đã từng đề nghị NHNN xem xét việc nhập khẩu vàng nguyên liệu, sản xuất vàng miếng để tăng cung ra thị trường.

"NHNN nên nhập vàng về và bán cho 37 doanh nghiệp/tổ chức tín dụng kinh doanh vàng miếng với mức giá quy định nhưng phải thấp hơn thị trường khoảng 5-7 triệu đồng/lượng. Đồng thời quy định các doanh nghiệp này bán ra thị trường với mức giá không được cao quá 500.000 đồng/lượng so với giá nhập", ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng nêu quan điểm: Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, NHNN lại là đơn vị quản lý nhà nước tham gia vào chuyện kinh doanh là không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ông dẫn chứng, các ngân hàng trung ương của các nước chủ yếu là điều tiết chính sách tiền tệ và quản lý dự trữ ngoại hối chứ không tham gia trực tiếp vào kinh doanh vàng như ở Việt Nam.

Trên thế giới cũng không có bất kỳ nước nào chỉ công nhận một thương hiệu vàng miếng duy nhất. Chưa nói đến chuyện người dân ở các nước, đặc biệt là các nước tiên tiến không có tư duy tích trữ vàng.

Chúng tôi nhận định vai trò lịch sử của Nghị định 24 đã hoàn thành. Chúng ta cần phải nghiên cứu lại và sửa đổi trong điều kiện kinh tế như hiện nay, khi đồng tiền ổn định, lạm phát được kiềm chế, đầu tư sản xuất đang cần nguồn vốn rất lớn.

Phải làm thế nào để dòng tiền tập trung vào cho sản xuất, lưu thông chứ không phải tập trung vào vàng", ông Nguyễn Thế Hùng đề xuất.

Ông Hùng nhấn mạnh, việc sửa nghị định 24 là một việc cấp bách, nên làm. Tuy nhiên, cần nghiên cứu để xem khi sửa thì sửa như thế nào và tác động đối với nền kinh tế, đối với thị trường vàng ra sao. "Quan điểm của Hiệp hội Kinh doanh vàng là trả lại vàng cho thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước", ông nhấn mạnh.

Còn ĐBQH Hà Sỹ Đồng cho rằng, khi đã hiểu rõ những nguồn cơn dẫn tới sự bất ổn của thị trường vàng trong nước hiện nay, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc vạch phác đồ trị bệnh. Ông Đồng không thực sự coi chủ trương bỏ độc quyền vàng là biện pháp duy nhất và tốt nhất để thị trường vàng phát triển cạnh tranh, lành mạnh.

Thay vào đó, để hạn chế tình trạng vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, cần hướng tới phát triển một thị trường vàng lành mạnh, minh bạch, hạn chế được hiện tượng đầu cơ, găm giữ vàng miếng.

Cùng với đó, việc khuyến khích phát triển thị trường vàng trang sức mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh, cũng là một vấn đề nên được chú trọng.

"Việc sửa đổi Nghị định 24 rất cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, nên có sự tham gia của nhiều bên có lợi ích liên quan để tiếp thu được nhiều ý kiến phản biện và cuối cùng có sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội.

Theo tôi, giải pháp trước mắt có hiệu lực, hiệu quả để bình ổn giá vàng trong nước chính là tăng cường trấn áp tội phạm rửa tiền, tẩu tán tài sản, buôn lậu, lũng đoạn thị trường, siết chặt các biện pháp quản lý hành chính nhằm đảm bảo tính tuân thủ các quy định pháp luật sẵn có về lĩnh vực vàng nói riêng, ngoại hối nói chung”, ông nói.

Ba khách mời đề xuất nhiều biện pháp để bình ổn thị trường vàng trong nước.

Vì thế, theo ông Đồng, việc NHNN mới đây ban hành quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng là rất kịp thời và rất trúng.

"Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2020 đến 15/5/2024, chính là thời kỳ thị trường bất ổn, ông Đồng nói.

Về các giải pháp căn cơ, mang tính dài hạn, Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm giá trị đồng Việt Nam và nâng dần khả năng chuyển đổi quốc tế của nó. Từ đó giúp củng cố và cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, của doanh nghiệp và người dân vào môi trường kinh doanh của Việt Nam, giảm sự quá chú trọng vào vàng.

Nhóm PV

Tin mới