Người dân không có đường đi, mở cửa nhà là hứng bụi
Suốt 1 tháng qua, hơn 20 hộ dân tại ngã ba khu vực cầu 16, xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định) sống trong tình trạng bụi mù mít, đi lại bất tiện vì dải hố sâu trước nhà do quá trình thi công dự Dự án tăng cường kết nối giao thông giữa Bình Định với khu vực Tây Nguyên chậm trễ mà chưa có hướng khắc phục.
Theo ghi nhận của Phóng viên VTC News, trước nhà của các hộ dân mặt đường đào sâu tạo thành một bờ vực khoảng 1m được quây chắn trên đoạn đường khoảng 100m, nhiều trong số các hộ dân không có lối đi ra mặt đường.
Nhà các hộ dân tại ngã ba cầu 16, xã Tây Thuận đa số là kinh doanh, dự án kéo dài ảnh hưởng nhiều đến kế sinh nhai của người dân
Ông Hồ Văn Thao (53 tuổi, ngụ tại ngã 3 cầu 16, xã Tây Thuận, Tây Sơn, Bình Định) cho biết, việc làm đường người dân rất ủng hộ nhưng quá trình thi công chậm trễ kéo dài khiến việc di chuyển, làm ăn buôn bán của gia đình gặp đầy khó khăn bất tiện.
Ông Thao cho biết thêm, quá trình lu đường có độ rung, đường thi công lại sát nhà khiến nhiều căn nhà có hiện tượng nứt khiến bà con lo lắng. Vì vậy cách đây tầm nửa tháng các hộ dân có phản ánh lên đơn vị thi công để có phương án thích hợp nhưng họ cứ hứa hẹn mãi, không chịu giải quyết.
“Nhà thầu thi công muốn làm công trình thì phải cùng người dân đưa ra phương án hợp lý để yên lòng dân, cứ chờ cho người dân bức xúc rồi mới đi giải quyết. Các hộ dân đồng ý thi công thì được đơn vị thi công đổ đất làm đường nhỏ tạm thời trước mỗi nhà để đi ra, còn chúng tôi không đồng ý cho thi công thì không được phép có lối đi tạm thời”, ông Thao bức xúc.
Bà Văn Thị Hồng (62 tuổi) cũng là hộ dân tại khu vực cho biết, bà cũng đã gửi đơn phản ánh lên UBND xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) để trình bày vấn đề trên nhưng vẫn chưa thấy giải quyết. Đoạn đường thi công kéo dài suốt thời gian qua, nào khói nào bụi, lại thêm bị hố sâu án ngữ trước nhà.
“Con em các hộ gia đình ở đây đi học, nhiều lần bị té xây xước hết cả người, dân chúng tôi bức xúc quá, phản ánh rất nhiều lần thì đơn vị thi công thì mới đổ đường nhỏ đi tạm cho chúng tôi vào ngày 26/4 vừa qua”, bà Hồng cho biết.
Nhà một số hộ dân không có cả lối đi.
Không chỉ riêng việc lu rung đường ảnh hưởng đến nhà dân, mỗi ngày các hộ dân xung quanh khu vực phải đeo khẩu trang và đóng kín cửa nhà cả ngày.
Nền đường thi công sâu cả mét so với nền nhà ảnh hưởng việc đi lại của người dân.
Dự án còn nhiều bất cập
Ông Phạm Lê Trung Hiếu, Chỉ huy trưởng đơn vị thi công thuộc Công ty Trung Nam 18 E&C cho biết, đoạn đường gần ngã ba cầu 16, xã Tây Thuận (Tây Sơn, Bình Định) được đào lên để thi công, theo kỹ thuật thi công thì phải cần lu và rung mới đảm bảo chất lượng và không sai sót.
Tuy nhiên trong quá trình thi công có 2 hộ dân không cho phép lu rung đường làm nứt nhà, nên đã thay đổi biện pháp thi công nhưng vẫn không đảm bảo. Hiện tại đội thi công đang phải chờ ý kiến của đơn vị giám sát mới có thể tiếp tục triển khai.
“Hiện chúng tôi cũng đã đổ đất làm đường cho người dân di chuyển và chính quyền địa phương cũng đã can thiệp vận động các hộ dân để nhà thầu chúng tôi hoàn thành dự án sớm hơn, vào ngày 30/6 này”, ông Hiếu cho biết thêm.
Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết, trong thời gian tới sẽ cùng nhà thầu thi công phối hợp với người dân tại khu vực để đẩy nhanh tiến độ công trình. Việc lu rung phải đảm bảo yếu tố kỹ thuật tránh tình trạng đường sụt lún sau này. Thời gian càng kéo dài thì cuộc sống sinh hoạt, kế sinh nhai người dân càng khó khăn.
“Nhà thầu cần nói rõ với người dân nếu lu rung ảnh hưởng đến nhà dân thì phải có bồi thường vì tất cả công trình khi thi công đều có bảo hiểm”, ông Hùng khẳng định.
Dự án nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn qua Bình Định có đoạn mặt cầu, đường đầu cầu cao hơn nhà dân 2 bên tuyến từ 1,2 mét - 4,1 mét
Trước đó, VTC News có bài viết tại khu vực cầu Bầu Sen và cầu Ba La, trên Quốc lộ 19 thuộc xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, Dự án nâng cấp Quốc lộ 19 có cao trình thiết kế mặt cầu, đường đầu cầu cao hơn nhà dân 2 bên tuyến từ 1,2 mét - 4,1 mét, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của 36 hộ dân.
Tháng 1/2023, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Giao thông- Vận tải về việc xử lý cao độ nền đường của Quốc lộ 19 thuộc Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, đoạn qua địa bàn xã Tây Giang, huyện Tây Sơn. Bộ Giao thông - Vận tải đã yêu cầu chủ đầu tư kiểm tra hồ sơ thiết kế, thực tế hiện trường về nội dung kiến nghị của UBND tỉnh Bình Định, khẩn trương làm việc với các địa phương nơi dự án đi qua, tổ chức đối thoại, tuyên truyền, vận động người dân hiểu và đồng thuận với các giải pháp thiết kế để đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của dự án.
Bộ Giao thông - Vận tải cũng yêu cầu Ban Quản lý Dự án 2 chỉ đạo tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát tổng thể hồ sơ thiết kế, đối chiếu thực tế thi công tại hiện trường, kịp thời phát hiện các bất cập, tổ chức khắc phục những tồn tại (nếu có).
Bộ Giao thông - Vận tải cũng yêu cầu Ban Quản lý Dự án 2 rà soát, nghiên cứu thiết kế vuốt nối phù hợp tại các vị trí đường lên xuống, vị trí chênh cao nền đường nhằm tạo thuận lợi trong sinh hoạt, đảm bảo khả năng thoát nước và an toàn đối với người dân 2 bên đường.
Đầu tháng 3/2023 vừa qua UBND tỉnh Bình Định tiếp tục kiến nghị Bộ GT-VT về việc xử lý cao độ nền đường của QL 19 thuộc dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, đoạn qua địa bàn xã Tây Giang, huyện Tây Sơn. Bởi việc nâng cấp nền đường qua xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định quá cao khiến nhà dân thấp hơn nhiều so với mặt đường.
Quốc lộ 19 dài 243 km, là tuyến nối các tỉnh Tây Nguyên. Giữa năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải triển khai Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, Quốc lộ 19 dài khoảng 143km, đi qua địa bàn hai tỉnh Gia Lai (dài 126km) và Bình Định (dài 17km) có tổng mức đầu tư khoảng 155,8 triệu USD (hơn 3.600 tỷ đồng). Thời gian thi công từ cuối 2021 đến 2023. Trong đó, đoạn Quốc lộ 19 qua huyện Tây Sơn dài 17 km, do Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư đang được triển khai thi công xây dựng.
Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, Quốc lộ 19 vốn vay WB là một trong các Dự án quan trọng được đầu tư nhằm góp phần nâng cao năng lực vận hành, khai thác, giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 19. Sau khi Dự án hoàn thành sẽ góp phần tăng cường khả năng kết nối hệ thống giao thông khu vực Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải miền Trung và kết nối với các nước bạn Lào, Campuchia và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cơ cấu nguồn vốn thực hiện dự án gồm: Vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) 150 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc khoảng 2,1 triệu USD cho công tác thiết kế kỹ thuật và 3,7 triệu USD vốn đối ứng trong nước.