Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sắp vào mùa du lịch, người dân Bình Định 'mất ngủ' lo không được đón khách

(VTC News) -

Từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm là thời điểm du lịch Bình Định "vào mùa", vậy nhưng người dân xã Nhơn Hải (tp Quy Nhơn) lại đang loay hoay để làm du lịch đúng luật.

Dân loay hoay vì phương tiện không đủ "chuẩn"

Cách Tp Quy Nhơn khoảng 16 km, đảo Hòn Khô thuộc xã Nhơn Hải (Tp Quy Nhơn) trở thành một điểm đến quen thuộc lý tưởng của du khách. Tuy nhiên, mùa du lịch đang đến gần, người dân xã Nhơn Hải không khỏi lo lắng bởi quy định đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền nghiêm ngặt..

Cụ thể, để đủ điều kiện hoạt động chở khách ra đảo Hòn Khô, phương tiện phải đầy đủ các loại giấy phép đăng kiểm, giấy phép điều khiển mô tô nước chi phí để có đủ loại giấy phép này lại lên đến hàng trăm triệu nên nhiều người "lực bất tòng tâm" .

Người dân xã Nhơn Hải, Tp Quy Nhơn tha thiết đề nghị chính quyền có một giải pháp hợp lý cho sự phát triển du lịch biển địa phương.

Anh Trần Thành Ngãi, đại diện ngư dân làm du lịch tại xã Nhơn Hải cho biết, thời điểm từ đầu năm 2023 đến nay bà con trên địa bàn xã Nhơn Hải chưa hoạt động làm du lịch trở lại. Một phần vì thời tiết bất ổn, một phần vì lệnh cấm các phương tiện tàu thuyền không đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm vận chuyển khách ra đảo Hòn Khô mặc dù chính quyền vẫn cho phép người dân làm du lịch.

"Chúng tôi cũng rất mong muốn phương tiện của mình có đăng ký, đăng kiểm đầy đủ. Nhưng để đáp ứng xây dựng đủ hồ sơ về đăng ký, đăng kiểm phương tiện tàu thuyền buộc người dân phải đem phương tiện ra Quảng Ninh hoặc vào TP. Hồ Chí Minh và chi phí vô cùng lớn (150 triệu - 200 triệu đồng), với người dân đây là số tiền quá lớn, ngoài khả năng kinh tế", anh Ngãi chia sẻ

Anh Nguyễn Quang Sáng, chủ hộ kinh doanh một nhà hàng có tiếng trên địa bàn cho biết, anh và một số hộ dân ở đây đã đầu tư không ít vào cơ sở vật chất kinh doanh du lịch biển từ tàu thuyền, ca-nô, nhà hàng bè nổi, ca-nô nước...với giá không hề rẻ, tuy nhiên việc đi học giấy phép điều khiển mô tô nước vẫn chưa có sự hướng dẫn cụ thể để đảm bảo đúng theo quy định của nhà nước.

Hiện tại những phương tiện góp phần phát triển du lịch đều được kéo vào trong bờ, nằm trên cát từ ngày này qua ngày khác mà chúng tôi không khỏi xót xa..”, anh Sáng ngậm ngùi.

Trước đó, ngày 27/4/2018, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điểm du lịch Hòn Khô cho doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư dự án trên 30 tỷ đồng; thời hạn hoạt động dự án 50 năm, tiến độ thực hiện hoàn thành dự án đến tháng 7/2019.

Bãi tắm trên đảo Hòn Khô trở nên hoang vắng, chỉ còn lại đống ngổn ngang của dự án.

Tuy nhiên bao năm qua dự án vẫn chưa được thực hiện mà vẫn còn là đống ngổn ngang trên đảo Hòn Khô khiến các hộ dân cũng gặp khó khăn không ít trong vấn đề đưa đón khách du lịch. Dự án "treo", người dân bị cấm đưa khách ra đảo nên việc đảm bảo vệ sinh môi trường hàng ngày khu vực xung quanh đảo không được thực hiện.

Mỗi lần khách ăn uống tại nhà hàng trong bờ xong, khách lại yêu cầu ra đảo tắm biển và ngắm san hô, vì quy định mà chúng tôi không biết phải trả lời sao với khách, chắc khách đến một lần rồi lại thôi. Người dân kinh doanh ngành nghề du lịch trên đảo Hòn Khô trước kia vẫn hằng ngày ra đảo để vệ sinh, dọn dẹp rác thải trên bãi biển, không có người ra thì đảo không sạch được. Đảo có từ bao đời nay, dân sống bằng nghề du lịch mà giờ mọi khó khăn cứ đổ dồn”, anh Sáng cho hay.

Ông Trần Thành Ngãi, một người dân chuyên chở khách ra đảo Hòn Khô bày tỏ: “Rất mong các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương có hướng giải quyết thích hợp và có các hướng dẫn về con người, phương tiện làm du lịch, để bà con được làm du lịch cộng đồng đúng pháp luật từ đó vừa tạo thu nhập cho gia đình, vừa góp phần quảng bá, đón khách tới Hòn Khô được an toàn, văn minh hơn".

Cần sự phối hợp, liên kết trong quản lý và phát triển du lịch.

Theo ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở du lịch Bình Định, hiện nay đề án phát triển du lịch văn hoá cộng đồng thí điểm chỉ có ở xã Nhơn Lý, Bãi Xếp...và chỉ phát triển ở trên bờ chứ không khuyến khích mặt nước như lồng, bè…Đối với xã Nhơn Hải thì chỉ là du lịch tự phát. Hằng năm, Sở luôn có đoàn kiểm tra và các lớp tập huấn cụ thể người dân địa phương bảo đảm an toàn trong kinh doanh du lịch.

Muốn giải quyết được khó khăn trên cần có thời gian và sự phối hợp của liên ngành như Sở NN&PTNT, Sở GTVT…để vừa phát triển ngành du lịch tỉnh vừa đảm bảo được an toàn cho người dân và du khách, đưa người dân làm du lịch đi đúng đường hướng theo đúng quy định”, ông Thanh cho biết.

Loạt mô-tô nước được người dân Nhơn Hải đầu tư phải nằm dài trên cát.

Thông tin tới VTC News, đại diện Thanh tra Sở du lịch Bình Định cho biết, tạo điều kiện không có nghĩa là làm sai quy định, không có quy định nào cho phép các phương tiện không đủ điều kiện vận chuyển khách du lịch trên biển. Năm 2017-2018, những phương tiện tàu thuyền của người dân không đủ điều kiện vận chuyển rất nhiều, Sở du lịch đã nhiều lần phối hợp với Sở GTVT tỉnh Bình Định có xuống tận địa phương hướng dẫn bà con đăng ký, đăng kiểm các loại phương tiện tàu thuyền.

Tuy nhiên với chi phí xây dựng hồ sơ kiểm định khá cao cộng thêm việc người dân xã Nhơn Hải muốn đăng ký, đăng kiểm trên chính nguyên bản phương tiện vận chuyển cũ mà không muốn cải tạo lại cho nên bà con đã không thực hiện được các hướng dẫn ấy.

Mặt khác, các hộ dân sử dụng các phương tiện vận chuyển khách từ bờ ra đến đảo Hòn Khô đều không tuân thủ mẫu và thiết kế đăng kiểm theo quy định của nhà nước. Đa số, những phương tiện trên đều được người dân sản xuất và độ chế nên không đáp ứng được yêu cầu của cơ quan chức năng đăng kiểm. Dù biết khoảng cách từ bờ ra đến đảo Hòn Khô là không xa (700m).

Theo Thanh tra sở du lịch tỉnh Bình Định, việc cấp phép cho người dân còn khó khăn do các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị an toàn, kỹ năng làm du lịch cộng đồng... chưa được đầu tư.

Hoạt động du lịch cộng đồng chủ yếu là tự phát, mạnh ai nấy làm, còn tranh giành khách, phá giá dịch vụ. Các doanh nghiệp du lịch và người dân trên địa bàn chưa tìm được tiếng nói chung, mặc dù đã có những hình thức hợp tác mang lại hiệu quả và lợi ích cho cả hai.

Người làm du lịch và khách du lịch chưa thực sự quan tâm đến bảo vệ môi trường, việc xả rác thải bừa bãi, bẻ gãy san hô làm quà lưu niệm vẫn xảy ra. Chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong quản lý loại hình du lịch này.

Những người dân làm du lịch tự phát xã Nhơn Hải (Tp Quy Nhơn) đều mong muốn có hướng đi hợp lý, tiết kiệm chi phí.

Đối diện với khó khăn của người dân xã Nhơn Hải nói riêng và các địa phương phát triển du lịch biển trên địa bàn nói chung, sắp tới đây Sở du lịch Bình Định sẽ có tham vấn, đề nghị lên Bộ VH-TT&DL để có một hướng đi đúng đắn sau đó sẽ tham mưu đề xuất UBND tỉnh gỡ các khó khăn cho bà con kinh doanh du lịch miền biển”, đại diện Thanh tra Sở du lịch Bình Định cho biết.

Nguyễn Gia

Tin mới