Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lời khẩn cầu của thành cổ bị rác bủa vây ở Bình Định

(VTC News) -

Đất trong khu vực bảo vệ của di tích kiến trúc cấp quốc gia thành Cha (xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn) thành nơi trồng rau màu và tập kết rác của người dân.

Video: Thành Cha thành nơi chứa rác và vật liệu xây dựng

Dấu tích cổ bị lãng quên

Di tích thành Cha là một trong những thành cổ Chămpa ở Bình Định, được xây dựng và giữ vai trò trung tâm của vùng Vijaya trước khi vương quốc Chămpa dời kinh đô về vùng này vào cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI. Nơi đây từng là trung tâm chính trị, kinh tế của vương quốc Chămpa trong lịch sử.

Mặc dù được công nhận là Di tích kiến trúc cấp Quốc gia, nhưng lối vào thành Cha vẫn chỉ là một con đường nhỏ xung quanh đầy cỏ và rác thải.

Dấu tích bờ thành xưa bị cây dại che phủ, đất trong thành trồng hoa màu, thậm chí trở thành bãi rác.

Trên một gò đất cao, ngoại trừ tấm biển công nhận di tích nằm trơ trọi, người ta khó có thể hình dung khu vực này từng có một tòa thành cổ Chămpa tồn tại.

Ghi nhận của phóng viên VTC News, ngoài mảnh đất trong khuôn viên di tích kiến trúc cấp quốc gia thành Cha bị cày xới ngang dọc để canh tác còn có cả các loại rác thải sinh hoạt của người dân vứt ra gây ô nhiễm, hôi thối kéo ra tới tận bia đá công nhận di tích. Trước khuôn viên bia di tích đang bị lợi dụng thành nơi chứa vật liệu xây dựng…

Theo phản ánh của người dân sống gần khu vực thành Cha, dù là di tích cấp quốc gia, thành Cha ít được các cơ quan chức năng quan tâm bảo vệ, chứ chưa dám nói đến việc phát huy giá trị, phục vụ cho công tác nghiên cứu, tham quan... Đất trong di tích này hiện cũng được UBND xã Nhơn Lộc mở đấu giá và cho người dân thuê theo năm để trồng hoa màu...

Phần đất trong khuôn viên di tích lịch sử cấp quốc gia thành Cha được người dân cày xới để canh tác.

Toàn bộ khu đất bên trong tấm bia đá có trụ rào bằng bê tông cũng bị ngã đổ. Các vị trí sau khi được khảo cổ được lấp đất nhấp nhô không cẩn thận, cây dại mọc um tùm. Cây keo lai cao hơn 2m che khuất cột mốc khảo cổ.

Rác thải sinh hoạt, kính vỡ... xuất hiện nhiều tại khu vực bên trong khu di tích.

Ông Đ.M.Q, người dân trồng hoa màu gần khu di tích, cho biết: "Trước kia khu đất này nhiều bụi gai rậm rạp, tôi có phát dọn ra trồng lại cỏ và một số cây keo để làm bóng mát”.

"Cha chung không ai khóc"?

Trả lời phóng viên VTC News về việc cho thuê đất trong khu di tích thành Cha, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn) - cho biết: “Di tích kiến trúc cấp quốc gia thành Cha không nằm trên điểm trung chuyển, thu gom rác của xã, vì vậy UBND xã đã gắn biển báo cấm đổ rác ngay khu di tích nhưng ý thức của người dân xung quanh kém. Xét theo mức độ, UBND xã sắp tới sẽ kiến nghị UBND thị xã An Nhơn giải quyết triệt để vấn đề trên”.

Ông Tuấn cũng nhận một phần trách nhiệm thiếu sót, chủ quan trong việc quản lý Khu di tích kiến trúc cấp quốc gia Thành Cha, để xảy ra tình trạng rác thải tập trung nhiều gây mất giá trị cảnh quan.

Ông Văn Tấn Tài cán bộ địa chính UBND xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn là người tham mưu, đề xuất UBND xã Nhơn Lộc cho người dân thuê đất canh tác. Ông Tài cho biết, khu vực đất trong di tích có mặt bằng bằng phẳng, người dân cũng có nhu cầu sử dụng đất để canh tác nên UBND xã đã đồng ý cho người dân thuê lại.

UBND xã Nhơn Lộc đã thành lập hội đồng đấu giá công khai cho bà con thuê đất để thu ngân sách và chi theo quy định”, ông Tài cho biết thêm.

Hiện có nhiều cây keo cao trên 3m do người dân trồng trên phần di tích đã khảo cổ trước đó.

Trước đó, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với ông Huỳnh Văn Lợi - Phó Giám đốc sở VH&TT tỉnh Bình Định - để trao đổi về vấn đề công tác quản lý khu di tích kiến trúc thành Cha. 

Tuy nhiên, phóng viên chỉ nhận lại được câu trả lời ngắn gọn từ ông Lợi: “Cứ theo Luật Di sản và các quy định có liên quan”. Sau đó vị này đã bàn giao lại cho ông Bùi Tĩnh - Giám đốc bảo tàng Bình Định là người phụ trách quản lý trực tiếp các khu di tích trả lời phóng viên. Sau nhiều lần cố gắng liên hệ với ông Tĩnh, phóng viên lại nhận được câu trả lời: “Tôi sẽ chuyển vấn đề này lại cho UBND thị xã An Nhơn”.

Phóng viên tiếp tục liên hệ với ông Mai Xuân Tiến - Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn thì vị này cho biết: “Việc này nằm ngoài thẩm quyền của thị xã vì di tích kiến trúc cấp quốc gia là do ông Bùi Tĩnh trực tiếp có thẩm quyền giải quyết, UBND thị xã chỉ là bộ phận phối hợp để quản lý”.

Ông Bùi Tĩnh cho biết, theo Luật Di sản thì các tổ chức, cá nhân không được phép cho thuê phần đất trong khu di tích đã được xếp hạng. Nhưng đối với di tích thành Cha thì trước khi di tích được xếp hạng cấp quốc gia thì bà con đã canh tác trước đó rất lâu, nên việc để bà con thuê đất canh tác là thu công ích cho UBND xã Nhơn Lộc, không có việc thu lợi ích riêng.

Ông Tĩnh cũng cho biết thêm, phần đất trong khu di tích được phép cho bà con canh tác đối với cây hoa màu ngắn ngày từ 1 đến 2 tháng. Ông Tĩnh khẳng định việc đổ rác thải, trồng cây keo lai trên khu di tích là do UBND xã Nhơn Lộc quản lý chưa chặt chẽ.

"Hiện nay, khu di tích vẫn chưa có người bảo vệ và sắp tới sẽ tiến hành dọn dẹp rác, phát quang bụi rậm và thu hồi lại toàn bộ phần đất đã cho người dân canh tác trước đó", ông Tĩnh nói.

Toàn cảnh thành Cha (thôn An Thành xã Nhơn Lộc huyện An Nhơn, Bình Định)

Thuở vàng son, thành Cha có tên là Phật Thệ, thành đô của kinh đô Vijaya. Đây là một trong bốn thành cổ Chăm Pa ở Bình Định.

Thành Cha đã được xếp hạng di tích kiến trúc cấp Quốc gia năm 2003. Năm 2015, di tích thành Cha đã được khai quật lần đầu tiên. Kết quả khai quật đã cung cấp nhiều tư liệu quan trọng xung quanh thành Cha và kinh đô Vijaya, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu tiếp.

Theo các nhà nghiên cứu, trong hệ thống thành cổ Chămpa trên đất Bình Định, thành Cha là một trong những tòa thành lớn của vương quốc này còn lại, dân gian gọi thành với nhiều tên gọi khác nhau: thành Cha, thành Bắc, thành Cư hay thành Phật Thệ.

Trong lần đầu tiên khai quật với phạm vi 440 m², các nhà khảo cổ phát hiện 3 tầng lớp kiến trúc nằm chồng xếp lên nhau. Từ dưới lên trên cũng là từ sớm đến muộn.

Trong đó, di vật thu được là 6.691 di vật, bao gồm, vật liệu kiến trúc 2.872 viên gạch vỡ, 3.065 hiện vật mảnh gói vỡ; trang trí kiến trúc bằng đất nung, đồ đá; đồ sinh hoạt bằng đất nung: 751 dị vật, bao gồm: 426 vò, 15 kendi, 3 hũ… Đặc biệt, các nhà khảo cổ phát hiện một di vật bằng kim loại vàng được làm rất tinh xảo.

Viên Phạm

Tin mới