Tháp Chăm là công trình kiến trúc tôn giáo của Vương quốc Chăm-Pa cổ xưa, mang đặc trưng của kiến trúc Ấn Độ giáo. Tháp thường đứng trên một đỉnh đồi hoặc vùng đất nhô cao thoáng đãng, tưởng chừng như dang tay là có thể ôm trọn đất trời lộng gió. Hầu hết các tháp nằm ở vị trí đắc địa nên trải qua nhiều thế kỷ vẫn sừng sững dù mưa gió cố tình đánh dấu thời gian lên tường tháp.
Nếu như đền Ăng-ko Vát, Bay-on… ở Campuchia hay các đền thờ thần khác ở Indonesia, ở Ấn Độ thường được làm bằng đá thì tháp Chăm lại được làm bằng gạch nung màu đỏ sẫm lấy từ đất địa phương, qua thời gian đến nay vẫn đỏ tươi như mới, trên mặt tường ngoài có chạm khắc, đẽo gọt hình hoa lá, chim muông, vũ nữ, thần thánh một cách công phu, tỉ mỉ.
Bình Định từng là kinh đô của Vương quốc Chăm-Pa (1000 – 1471) thời kỳ được xem là phát triển hưng thịnh của nền văn hóa Chăm-Pa. Văn hóa Chăm-Pa của một thời vàng son rực rỡ còn hiện diện khá rõ nét, nhất là hệ thống tháp cổ với 8 cụm tháp gồm 14 ngôi tháp.
4 tháp Chăm ở Bình Định như: Tháp Bánh Ít, Tháp Cánh Tiên, Tháp Dương Long, Tháp Đôi vẫn còn giữ được nguyên bản và được xem là minh chứng thời kỳ phát triển hưng thịnh của nền văn hóa Chăm-Pa trên mảnh đất này.
Theo tư liệu từ Bảo tàng tổng hợp Bình Định, di tích kiến trúc tháp Chăm cổ kính Bình Định ngót nghét cũng đã trải qua hàng ngàn năm, nhiều công trình kiến trúc cổ xưa khác nếu trải qua ngần ấy thời gian chắc cũng đã không còn tồn tại đến bây giờ.
Tháp Bánh Ít, tháp Cánh Tiên, tháp Dương Long, Tháp Đôi,... là những cụm tháp Chăm tiêu biểu vẫn còn giữ được nguyên bản và là nơi thu hút khách du lịch trong, ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu.
Ch. Lemire đã mô tả các tháp cổ Chăm phân bố ở tỉnh Bình Định trong tác phẩm “Les Tours Kiames de la Province de Binh Dinh” như sau: “Trong các tháp có các tượng, rất có thể chúng bằng vàng hoặc bằng bạc, có mắt bằng ngọc và răng bằng kim cương và những tượng bằng đá nhưng đã bị thất lạc. Người ta đã đào các bức tượng để bóc gỡ các tranh thánh được gắn vào đó. Các tháp Bạc (tháp Bánh Ít) phô bày hàng loạt công trình đáng lưu ý, phần lớn các tượng đều bằng vàng hoặc bằng đá thếp vàng...”.
Tọa lạc tại góc đường Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Tháp Đôi đi vào câu ca dao trữ tình của người Quy Nhơn: “Cầu Đôi liền với Tháp Đôi/ Quanh năm quấn quýt như tôi với nàng” như một biểu tượng của tình yêu đôi lứa.
Tháp Đôi được xếp vào một trong những tháp đẹp “độc nhất vô nhị” của nghệ thuật kiến trúc Chăm.
Theo tài liệu của ban quản lý Tháp Đôi, tháp còn có cái tên gọi khác là Tháp Hưng Thạnh, có niên đại cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII. So với các ngọn tháp khác trong tỉnh, trong vùng, Tháp Đôi không hề giống bất kỳ một ngôi tháp cổ nào hiện có. Thế nhưng các nhà khoa học đến nay vẫn chưa tìm ra điểm khác thường.
Trước kia tháp được xây dựng trên một khu gò đất cao nhưng trải qua những lần bồi đắp, xây dựng cơ sở hạ tầng nên dần dần nơi gò đất của tháp đã bằng phẳng, không còn là một gò đất cao trong khu vực nữa.
Cụm tháp gồm 2 tháp nằm cạnh nhau theo trục Bắc Nam, mỗi tháp đều có 1 cửa chính hướng về phía Đông và 3 cửa giả, tháp lớn cao 20m, tháp nhỏ cao 18m. Người Bình Định ví hình ảnh tháp lớn như người con trai che chở bảo vệ cho người con gái (tháp nhỏ) là biểu tượng của tình yêu đôi lứa.
Đỉnh tháp là phần đặc biệt nhất của Tháp Đôi.
Bước vào bên trong tháp có thờ bộ ngẫu tượng Linga – Yoni, Linga được đặt trên bệ Yoni tượng trưng cho sự hòa hợp âm dương, là nguồn gốc mọi sự sinh sôi nảy nở, thể hiện tín ngưỡng phồn thực phổ biến của người nông dân Chăm.
Đỉnh tháp là phần đặc biệt nhất Tháp Đôi có, với kiểu thiết kế đỉnh tháp được mở thông thoáng, khác hẳn với các ngồi tháp Chăm khác. Điều này như muốn nói việc để đỉnh tháp như vậy là để hấp thụ linh khí thiêng liêng của trời đất.
Theo một truyền thuyết thì trên chóp đỉnh của Tháp Đôi, cụm tháp gồm 2 chiếc nằm ở thành phố Quy Nhơn có 2 quả cầu lớn làm bằng vàng ròng. Cả hai khối vàng này đã bị các thủy thủ người da trắng của một chiếc tàu châu Âu đến cướp đoạt và mang xuống tàu sau một cuộc tấn công chớp nhoáng.
Tháp Cánh Tiên còn có tên gọi khác là tháp Đồng, tháp Con Gái, nằm cách thành phố Quy Nhơn 27km theo hướng Tây Bắc, là một trong những tháp còn lại nguyên vẹn tại Bình Định. Không giống như những khu đền tháp khác, tháp Cánh Tiên chỉ có duy nhất một tháp, được xây dựng trên một quả đồi thuộc địa bàn xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn.
Tháp cao khoảng 20 mét, trông xa giống như đôi cánh của nàng tiên trong chuyện cổ tích đang bay lên trời xanh. Khác với các tháp Chăm khác, tháp Cánh Tiên được xây dựng một phần bằng chất liệu đá sa thạch, xung quanh có nhiều phù điêu chạm khắc.
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi lại rằng: “An Nam cổ tháp ở thôn Nam An, huyện Tường Vân, trong thành Đồ Bàn, tục gọi là tháp Cánh Tiên. Từ vai tháp trở lên, 4 phía đều giống như cánh tiên bay lên nên gọi tên ấy”. Còn theo người dân trong vùng, nhìn từ xa, những phiến đá trang trí các tường phía trên ngọn tháp vươn ra như những cánh tiên nên gọi là tháp Cánh Tiên.
Tháp Cánh Tiên được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XI và đầu thế kỷ XII, có bề mặt vuông, cao khoảng 20m. Nếu ở các tháp khác chỉ trang trí giản lược, thì tháp Cánh Tiên lại khác biệt ở sự cầu kỳ, tinh tế trong trang trí.
Khác với các tháp Chăm khác, phần phía ngoài của góc tường dưới gốc thân tháp đều được ốp bằng đá chạm khắc tinh tế hoa dây xoắn, toát lên vẻ đẹp vừa vững chắc, bề thế nhưng cũng không kém phần trang nhã thanh thoát.
Tháp có 4 tầng, mỗi tầng 4 góc được trang trí bằng 4 tháp giả, trên mỗi tháp giả lại gắn thêm họa tiết hình đuôi phụng được điêu khắc bằng đá. Đây là điểm tạo nên sự đặc biệt của ngôi tháp.
Bên trong tháp Cánh Tiên có thờ Nữ thần Y A Na, qua thời gian, các bức tường bên trong tháp cũng đã có sự bào mòn, chỗ lồi chỗ lõm.
Tháp Cánh Tiên với lối kiến trúc khác hẳn với các Tháp Chăm ở Bình Định, 4 góc ở thân tháp đều có các cột ốp tường bằng đá sa thạch chạm khắc tinh xảo với những hoa văn dây xoắn như những sợi dây quấn lấy thân cây tuy mềm dẻo nhưng chắc chắn.
Năm 1982, tháp Cánh Tiên đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật Chăm.
Một du khách khi đến tháp Cánh Tiên đã để lại câu thơ:
“Rồng thiêng tiên cưỡi đi đâu/ Cánh Tiên để đó dãi dầu nắng mưa/ Cùng non tháp giữ tình xưa/ Trải bao dâu bể vẫn chưa nao lòng/ Đồ Bàn còn núi còn sông/ Còn Tiên kết cánh còn rồng truông mây”.
Với bốn ngọn tháp, Bánh Ít (thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) là quần thể nhiều tháp nhất hiện còn trên đất Bình Định. Nhưng căn cứ vào dấu tích còn lại, số lượng công trình kiến trúc ở đây còn nhiều hơn thế.
Tháp Bánh Ít còn có tên gọi khác là Tháp Bạc trong tiếng J'rai là YANG MTIAN là một trong những ngôi tháp nổi tiếng nhất trong số các di tích tháp Chăm tại Bình Định với 4 tháp đứng trên đồi cao.
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép về khu tháp này trong mục Thổ Sơn cổ tháp (tháp Núi Đất) cho biết tục danh của tháp là Thị Thiện và giải thích rằng dưới chân núi đất xưa có quán bán bánh của một người đàn bà tên gọi Thị Thiện nên có tên ấy. Không rõ tên Thị Thiện thông dụng đến mức nào, nhưng dân địa phương từ lâu đã quen gọi tên tháp này là tháp Bánh Ít. Quả thực, bốn ngọn tháp đứng gần nhau, một lớn ở trên cao và ba nhỏ ở dưới thấp, trông xa dễ làm người ta liên tưởng đến một mâm bánh ít đã bóc lá.
Trên đỉnh mỗi tháp đều có tượng thần Siva bằng đá. Mỗi tháp có hình thù kiến trúc riêng biệt và sắc thái khác nhau, từng chi tiết chạm trổ, điêu khắc đều thể hiện nét bí ẩn hấp dẫn.
Tháp Bánh Ít có tên trong cuốn "1001 công trình kiến trúc phải đến trong đời" của nhóm tác giả người Anh, do cây bút chuyên viết về kiến trúc Mark Irving làm Tổng Chủ biên, Quintessence xuất bản (Anh). (Ảnh: Dũng Nhân)
Tháp cổng (Gopura) không lớn, cao chừng 13m, xây trên bình đồ hình vuông, mỗi chiều 7m, với tạo hình như một mũi lao, hướng lên trên. Tháp mở hai cửa thông nhau đi hướng Đông – Tây, cùng nằm trên một trục thẳng với cửa tháp chính trên đỉnh đồi. Hai mặt còn lại của tháp là hai cửa giả, không thông với lòng tháp nhưng vòm được tạo dáng giống như cửa thật. Mặc dù đã bị hư hại nhiều, tháp cổng còn khá vững chãi. Quanh thân tháp có các trụ đá ốp để trơn không trang trí. Diềm mái tháp hơi nhô ra nâng toàn bộ ba tầng mái trang trí đơn giản nhưng khỏe khoắn.
Tháp Bia (Posah) có 4 cửa đều thông với nhau ở 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Tháp có phần mái khá đặc biệt, các tầng mái nhỏ dần về phía trên. Mỗi tầng đều có một hàng cột thể hiện theo lối thắt giữa, phình hai đầu, trông xa giống như những quả bầu nậm.
Nằm gần kề với tháp chính Tháp Hỏa (Kosagrha) có phần mái có hình vòm cong úp xuống như một chiếc yên ngựa nên mọi người thường gọi tháp này bằng cái tên tháp Yên Ngựa. Không chỉ phần mái mà từ phần đế tháp được xây rộng và thu hẹp dần khi đến thân, tạo nên điểm thanh thoát, uốn dẻo như “chiếc eo” của người thiếu nữ Chăm.
Tháp chính (Kalan), nằm ở vị trí chính giữa đỉnh đồi. Đây là tháp có kích thước lớn nhất trong 4 tháp và là điểm thu hút ánh nhìn từ mọi phía. Tháp cao trên 20m. Cửa chính còn được trang trí diềm phù điêu khắc tạc hình Ganesa (người đầu voi, thần hạnh phúc và may mắn, con trai của thần Siva và thần nữ Parvanti), hình Hamuman (khỉ thần, theo truyền thuyết là con trai thần Gió Vayu, đã giúp hoàng tử Rama đánh thắng quỷ vương Ravana, cứu được công chúa Sita). Những tượng này đều được thể hiện trong tư thế đang nhảy múa rất sống động.
Các cửa giả ở ba mặt còn lại đều mô phỏng cấu trúc và trang trí của cửa chính nhưng phần đắp nhô ra chỉ bằng 1 nửa cửa chính. Các phù điêu trang trí trên các cửa giả chỉ có hình Ganesa mà không thấy hình Hanuman như ở cửa chính.
Bên trong tháp, bức tượng nữ thần Shiva tọa trên đài sen. Tuy bức tượng này chỉ là bản phục chế lại từ bản gốc nhưng vẫn giữ được hình ảnh chân thật như nguyên bản.
Dương Long là một quần thể ba ngọn tháp nằm gần nhau, thẳng hàng theo trục Bắc – Nam. Ngoài tên tháp phổ biến là Dương Long, đôi khi tháp còn được gọi theo địa danh: tháp Bình An, tháp An Chánh hay tháp Vân Tường. Người Pháp gọi di tích này là Tour d’ Ivoire (tháp Ngà).
Cụm tháp Dương Long là cụm tháp lớn nhất trong chuỗi tháp Chăm của Bình Định vừa được UBND tỉnh phê duyệt kinh phí tu bổ và tôn tạo tháp gần 94 tỷ đồng. (Ảnh: Dũng Nhân)
Tháp Dương Long được xây dựng trên vùng đồi núi thuộc 2 thôn Vân Tường, xã Bình Hòa và thôn An Chánh, xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, Bình Định. Tháp có niên đại từ thế kỷ XII–XIII.
Tháp Dương Long là sự kết hợp hài hòa, giữa nghệ thuật kiến trúc Chăm-Pa và Khmer. Hiện nay, trong khuôn viên di tích, ngoài ba tháp chính, còn có nhà trưng bày bổ sung với tổng diện tích khoảng 370m2, hệ thống tường rào, cổng chính mở về phía Đông theo hướng chính của ba tháp, cổng phụ mở về phía Bắc.
Trên đỉnh tháp đều trang trí một đài sen điêu khắc bằng đá đặt ở mỗi đỉnh tháp và cách bài trí 3 tháp thằng hàng theo trục Bắc Nam.
Tháp Giữa (Tháp trung tâm của di tích) cao 38,81m, được xem là ngôi tháp gạch cao nhất ở Đông Nam Á. Tháp đã bị hư hại khá nhiều, vòm cửa chính và các cửa giả bị sụp đổ, chỉ còn một vài thanh đá còn đính lại trên thân, cửa giả phía Nam còn lại phần trụ cửa, tiền đường (tiền sảnh) cũng đã bị sụp đổ.
Tháp Nam cao 32,94m (còn nguyên vẹn nhất trong số ba tháp), bình đồ chân đế vuông, kích thước rộng 14m, phần nhô ra của cửa giả 0,76m. Khoảng cách giữa tháp Nam và tháp Giữa tại cửa giả là 1m. Ở tháp Nam, hiện còn khung cửa chính bằng đá sa thạch, nhưng vòm cửa chính cũng như các cửa giả mặt Nam và mặt Tây đã bị sụp đổ.
Tháp Bắc là tháp bị hư hại nặng nhất, thân tháp bị đục khoét sâu vào trong, nhưng đã được gia cố từ năm 1984. Tháp cao 31,76m, bình đồ vuông, kích thước tương đương với tháp Nam. Bộ diềm có dải trang trí hoa văn hình sư tử, mặt chính của bộ diềm trang trí một dải hình cung nhọn, mỗi hình được tạo bởi hai thân rắn đầu quay vào chân cung, chính giữa có hình người ngồi xếp bằng.
Với giá trị tiêu biểu, di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Chăm Dương Long (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
Hầu hết các tháp nói trên đều có đặc điểm chung là cửa chính của tháp đều quay về hướng Đông và đều có sự ảnh hưởng trong kiến trúc văn hóa Khmer.
4 cụm tháp: Tháp Cánh Tiên, Tháp Đôi, Tháp Dương Long, Tháp Bánh Ít đều được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.
Mỗi cụm luôn có một tháp chính thờ thần Shiva - người có quyền uy tối thượng trong tôn giáo Chăm. Tháp chính người Chăm gọi là Bimong có cửa luôn hướng về hướng đông - hướng mặt trời mọc, nơi trú ngụ của thần linh theo quan niệm Chăm. Bên trong lòng tháp chính rất hẹp, vừa đủ để bộ Linga - Yoni và để chức sắc Chăm thực hiện nghi thức hành lễ. Chỉ những lúc làm lễ cửa tháp chính mới được mở, thời gian còn lại cửa tháp luôn phải đóng kín.
Hiện nay, con người vẫn chưa khám phá hết những điều bí ẩn nằm sâu bên trong các ngôi tháp Chăm cổ ở Bình Định, vẫn còn nhiều điều bí ẩn khó có lời giải. Khám phá được hết tháp Champa cũng là một hành trình trải nghiệm dài và kết hợp tìm hiểu về lịch sử, văn hóa con người "Đất võ trời văn".