Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dân lo ngại dự án gang thép gây ô nhiễm, lãnh đạo Bình Định nói gì?

(VTC News) -

Trước lo ngại của người dân việc cho đầu tư dự án gang thép sẽ đối mặt nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, lãnh đạo tỉnh Bình Định nói gì?

Video: Trước dự án gang thép Long Sơn, người dân Lộ Diêu nói gì?

"Dự án chỉ triển khai khi có sự đồng thuận của người dân"

Ngày 23/3, bên lề Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đã thông tin những vấn đề liên quan đến dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn).

Một góc bến Lộ Diêu và Di tích lịch sử Tàu không số.

Năm 2021, UBND tỉnh Bình Định có quyết định chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ đầu tư khu liên hợp gang thép tại hai xã Mỹ Thọ và Mỹ An (huyện Phù Mỹ) với tổng vốn đầu tư khoảng 62.470 tỷ đồng.

Dự án xây dựng Khu liên hợp Gang thép Long Sơn có công suất 5,4 triệu tấn/năm và cảng tổng hợp quốc tế gồm 18 cầu cảng, tiếp nhận tàu 5.000 - 250.000 tấn. Thời gian thực hiện dự án từ 2021 - 2028.

Tuy nhiên vào tháng 7 và tháng 11/2022, UBND tỉnh Bình Định có các quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án nêu trên, đồng ý cho chủ đầu tư chuyển địa điểm đầu tư sang thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn) và điều chỉnh một số nội dung của dự án.

Chia sẻ về dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn, bên lề Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh khẳng định, dự án mới chỉ ở bước chấp thuận chủ trương đầu tư và xây dựng kế hoạch, để chuẩn bị cho việc triển khai và hơn hết, dân có đồng thuận mới làm.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có chia sẻ trước những câu hỏi của phóng viên xung quanh vấn đề siêu dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn.

Các vấn đề về thẩm định công nghệ, môi trường đều do các cơ quan Trung ương thực hiện. Trong đó, quy định các thủ tục đầu tư sẽ có bước chuyển đổi đất rừng, việc chuyển đổi đất rừng có sự thẩm định của Bộ NN&PTNT; lĩnh vực môi trường là Bộ TN&MT; khoa học công nghệ là Bộ KH&CN… Các bộ này thẩm định xong sẽ trình Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo các thủ tục về đầu tư, không ảnh hưởng đến môi trường.

"Làm dự án này hết sức căn cơ, đâu phải làm ào ào đâu, các vấn đề về thẩm định công nghệ, môi trường đều do cơ quan Trung ương thực hiện. Khi đảm bảo các thủ tục theo quy định mới phát triển khai. Hiện tại, mới ở bước khảo sát để chuẩn bị thực hiện, trong quá trình khai triển, có vấn đề gì sẽ chỉ có đạo cụ thể", ông Thanh nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, phía tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, ban hành chính sách hỗ trợ của người dân, sắp tới việc này sẽ báo cáo cơ quan chức năng, khi đầy đủ các thủ tục sẽ phát triển tuyên truyền tuyên truyền cho dân. Khi có sự đồng thuận thì mới thực hiện.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết thêm, dự án đang trong quá trình khảo sát nên vẫn chưa biết cụ thể về phạm vi dự án, việc này sau này sẽ tính cụ thể. Về nguyên tắc, không ảnh hưởng đến danh thắng, di tích lịch sử Tàu không số tại Lộ Diêu.

Phối cảnh dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn).

Sao không đầu tư dự án du lịch mà lại là gang thép?

Đó là thắc mắc của nhiều người dân thôn Lộ Diêu khi hay tin UBND tỉnh Bình Định đồng ý cho chủ đầu tư chuyển địa điểm đầu tư sang khu vực họ đang sinh sống.

Ngay khi có thông tin khu liên hợp gang thép sẽ được di dời sang thôn Lộ Diêu, không chỉ người dân thôn Lộ Diêu mà nhiều người dân Bình Định cũng đã bày tỏ sự lo lắng vì địa điểm đặt khu liên hợp gang thép có eo biển "vầng trăng khuyết" hoang sơ, tuyệt đẹp, mọi người lo sợ khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ khiến vẻ đẹp yên bình, hấp dẫn của thôn Lộ Diêu biến mất, gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo người dân thôn Lộ Diêu, mặc dù, chính quyền địa phương chưa tổ chức họp dân, lấy ý kiến của nhân dân tại thôn về dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn, nhưng qua các kênh thông tin đại chúng, người dân vùng bị ảnh hưởng dự án đều thấy bất an, lo lắng và không đồng tình để dự án được đầu tư xây dựng tại thôn Lộ Diêu.

Mức bồi thường có là bao nhiêu thì chúng tôi cũng không chịu. Bãi biển đẹp vậy, tại sao không đầu tư dự án du lịch để phát triển bền vững mà lại đưa dự án gang thép về đây?”, ông Nguyễn Đình Vũ (65 tuổi) bày tỏ.

Anh Nguyễn Văn Tình ngư dân sống tại thôn Lộ Diêu cho biết, anh lên mạng tìm hiểu những dự án nhà máy gang thép đã từng làm những nơi khác, thấy nhiều nhà máy thép trong quá trình hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nên cảm thấy lo lắng.

"Bao đời nay người Lộ Diêu đều mưu sinh từ nghề đi biển, biển nuôi sống người dân no đủ quanh năm, thu nhập mỗi tháng 20-30 triệu. Nhà máy thép sau này có tạo công ăn việc làm cho người dân thì chúng tôi cũng không chịu. Cảnh quan đang đẹp, đầu tư phát triển du lịch thì chúng tôi đồng ý ngay, còn xây nhà máy gang thép thì nguy cơ ô nhiễm là khó tránh, bao nhiêu tiền cũng sao đổi được không khí trong lành và sức khỏe tốt", anh Tình nói.

Người dân Lộ Diêu với nước da rám nắng đặc trưng miền biển và nụ cười nắng gió thiện lành.

Theo chị Ngô Thị Nhung (35 tuổi), Lộ Diêu là cái nôi cách mạng của thị xã Hoài Nhơn có di tích lịch sử Tàu không số, toàn thôn có gần 600 hộ dân, người dân chủ yếu làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp. Gia đình chị bao đời dựa vào nghề đánh bắt tại vùng biển Lộ Diêu để mưu sinh. Ngoài ra, nơi đây từ trước đến nay vốn rất yên bình, không bị ảnh hưởng gì lớn của thiên tai.

Ở đây, mẹ thiên nhiên chưa hề bạc đãi người dân, “nẫu” có đói bụng, “nẫu” ra chỗ gành đá bới vài cọng rong mứt cũng có cái ăn rồi, chứ giờ dự án gang thép về, cho mảnh đất xây cái nhà, rồi tiền đền bù người thì gửi ngân hàng, người đầu tư làm ăn. Ăn nên làm ra thì không sao, không làm được tiền mất, đất hết mà mưu kế sinh nhai bao đời cũng mất thì biết làm gì?”, chị Nhung cho hay.

Biển Lộ Diêu hiện được biết đến là điểm duy nhất tại vùng đất Bình Định có cảnh đẹp hoang sơ của biển cả, núi, rừng mà chưa bị ảnh hưởng bởi bàn tay con người. Những gành đá bị bào mòn bởi gió và sóng biển qua nhiều năm kiến tạo cho Lộ Diêu trở thành một thắng cảnh được đánh giá có tiềm năng lớn về du lịch.

Trong 2 ngày 20-21/3, ghi nhận của VTC News, người dân Lộ Diêu đều bày tỏ quan điểm là luôn ủng hộ chủ trương của Nhà nước, tuy nhiên phải làm sao để phát triển kinh tế mang tính bền vững và không phá vỡ cảnh quan cũng như ảnh hưởng tới môi trường.

Chuyển 266 ha đất rừng ở Lộ Diêu để làm dự án

Tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Bình Định, ông Trần Văn Phúc - Giám đốc  Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định trình bày tờ trình của UBND tỉnh để HĐND tỉnh xem xét, ra nghị quyết về chủ trương chuyển ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng để thực hiện một số dự án.

Dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn do Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ làm chủ dự án, vị trí tại khoảnh 8, tiểu khu 78B; khoảnh 6, 7, 8, 9, 10 tiểu khu 86 (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn). Diện tích chuyển ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 266,67ha để phục vụ dự án.

Theo dự kiến, Dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn được xây dựng trên diện tích 468 ha, tổng vốn đầu tư khoảng hơn 53.000 tỷ đồng (chia thành 3 giai đoạn đầu tư), công suất 5,4 triệu tấn/năm bao gồm các sản phẩm thép chế tạo chất lượng, thép xây dựng, thép cuộn.

Nhà đầu tư cũng đang nghiên cứu đầu tư Khu bến cảng Hoài Nhơn trên tổng diện tích khoảng 496 ha mặt đất và mặt biển. Cảng Hoài Nhơn được nghiên cứu quy hoạch là cảng chuyên dùng phục vụ cho sản xuất của Khu liên hợp Gang thép Long Sơn và hướng đến cảng tổng hợp trong tương lai. Tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.

Nguyễn Gia - An Yên - Viên Phạm

Tin mới