Sáng 19/10, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội làm việc với các cơ quan thành phố trước kỳ họp thứ 10, QH khóa XIV.
Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc
Kiến nghị rà soát nội dung sách giáo khoa
Tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo MTTQ thành phố Hà Nội đã báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân Thủ đô gửi đến kỳ họp thứ mười, QH khóa XIV. Theo đó, cử tri Hà Nội tiếp tục đề nghị QH tăng cường công tác giám sát về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ đề nghị QH tăng cường giám sát công tác bổ nhiệm cán bộ để góp phần làm tốt công tác nhân sự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và công tác bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Về các lĩnh vực kinh tế- xã hội, cử tri Hà Nội đề nghị Chính phủ có giải pháp kiềm chế lạm phát trong những tháng cuối năm; chỉ đạo các bộ, ngành bố trí nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và tiếp tục đầu tư hạ tầng dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Về GD&ĐT cử tri Hà Nội phản ánh, năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới với học sinh lớp 1. Học sinh phải tiếp nhận khối lượng kiến thức lớn, quá nhiều đầu sách tham khảo, có những nội dung không phù hợp, gây áp lực cho học sinh và khó khăn cho giáo viên, phụ huynh.
Vì thế, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT rà soát các nội dung trong sách giáo khoa và sách tham khảo cho phù hợp với học sinh tiểu học, đặc biệt đối với học sinh lớp 1.
Về xây dựng chính quyền, cử tri đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh kiểm tra, kiểm toán, đặc biệt đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đồng thời có cơ chế giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản thu nhập cá nhân, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng đem lại niềm tin cho nhân dân.
Cầu Long Biên sẽ thành cầu đi bộ
Tại cuộc làm việc, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh bày tỏ mối quan tâm về vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm các dòng sông Đáy, Nhuệ… trên địa bàn Thủ đô và mong muốn thành phố quan tâm xử lý. Đồng thời, cần tích hợp quy hoạch về môi trường vào quy hoạch chung phát triển thành phố để triển khai đồng bộ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến việc cải tạo các khu chung cư cũ của Hà Nội, bởi theo ông nếu quyết tâm cải tạo được có thể trở thành những điểm nhấn, trung tâm mới, đô thị hiện đại của thành phố.
Các ĐBQH trong đoàn cũng mong muốn Hà Nội trở thành một trung tâm khoa học công nghệ lớn của cả nước, tiếp nhận khoa học kỹ thuật hiện đại của nước ngoài và chuyển giao cho các tỉnh thành khác; mong muốn sớm đẩy nhanh tiến độ đưa dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vào vận hành…
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy – Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan của thành phố tiếp thu ý kiến góp ý từ các ĐBQH trong đoàn để phục vụ hoạt động quản lý, điều hành.
Về các vấn đề cụ thể, ông Huệ đề nghị UBND thành phố có thêm báo cáo cáo bổ sung đến các ĐBQH về kết quả xử lý sai phạm tại công trình nhà 8B Lê Trực (quận Ba Đình) và công tác phối hợp với Bộ GTVT trong dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.
Từ đó, đề nghị các ĐBQH trong đoàn có tiếng nói trước QH để giúp thành phố có thể đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào vận tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, bởi liên quan đến dự án này hiện Hà Nội đã triển khai đầy đủ cả 9 nội dung được giao nhưng có những nội dung vượt qua thẩm quyền của thành phố.
Theo ông Huệ, vướng mắc lớn nhất lúc này đối với dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là vấn đề thanh quyết toán, còn các vấn đề kỹ thuật khác hoàn toàn có thể khắc phục. Do đó, cần có ý kiến của Chính phủ thì mới có thể giải quyết được. “Hà Nội rất mong muốn đưa công trình vào vận hành sớm”, ông Huệ nói.
Về phát triển KH&CN, ông Huệ cho biết, Hà Nội có nguồn tài nguyên chất xám vô cùng lớn. Trong 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020- 2025 đang xây dựng sẽ có riêng một chương trình về phát triển khoa học công nghệ để khai thác, coi khoa học công nghệ là một trong những giải pháp đột phá nhằm tận dụng được nguồn tài nguyên chất xám này phục vụ cho sự phát triển của thành phố.
Ông Huệ cũng thông tin về vấn đề xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, tiến độ đưa nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn vào vận hành vào (dự kiến trong quý I/2021)…; định hướng phát triển văn hóa, du lịch, nhất là khai thác du lịch ở khu phố cổ, đưa cầu Long Biên trở thành cầu đi bộ, đưa phần đường sắt của cây cầu này trở thành không gian triển lãm, không gian nghệ thuật, kiến trúc…