Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có kịp chạy thương mại vào cuối năm?

(VTC News) -

Nếu tổng thầu Trung Quốc và Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp tốt, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy thương mại vào cuối năm 2020.

Sau nhiều tháng im lặng trước câu hỏi "Dự án Cát Linh - Hà Đông khi nào về đích", đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông và tổng thầu Trung Quốc mới đây đã đưa ra những nhận định tích cực về tiến độ và cho biết, nếu các bên phối hợp tốt công trình có thể hoàn thành trong năm 2020.

Chuyên gia Trung Quốc kiểm tra hệ thống đoàn tàu, toa xe. 

 

Còn bao nhiêu bước để đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông về đích?

Liên quan đến tiến độ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đại diện Tổng thầu EPC đã có những thông tin rất đáng chú ý.

Trao đổi với báo chí, ông Đường Hồng - Giám đốc Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông của Tổng thầu EPC Trung Quốc cho biết, dự kiến, trong tháng 7/2020 các hạng mục của dự án nghiệm thu xong và nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ đủ điều kiện đưa vào vận hành khai thác vào cuối năm 2020.

Theo vị đại diện Tổng thầu này, trong thời gian qua họ đã bổ sung các hồ sơ hoàn công theo yêu cầu của Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT). Hiện công tác phối hợp trong việc nghiệm thu các hạng mục công trình giữa Ban quản lý dự án đường sắt và Tổng thầu EPC đang diễn ra tốt. Nếu mọi việc tiếp tục diễn tiến thuận lợi thì công tác nghiệm thu sẽ hoàn thành ngay trong tháng 7/2020.

Nếu tổng thầu Trung Quốc và Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp tốt, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy thương mại vào cuối năm 2020.

Giai đoạn tiếp theo, dự án sẽ được đưa vào vận hành thử toàn hệ thống trong vòng 20 ngày dưới sự đánh giá của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước do chủ đầu tư là Bộ GTVT mời vào. Cuối cùng, đích thân Bộ GTVT sẽ nghiệm thu dự án và bàn giao cho TP Hà Nội.

"Nếu các công việc diễn ra đúng kế hoạch, cuối năm 2020, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đủ điều kiện đưa vào vận hành khai thác”, ông Đường Hồng khẳng định.

Đặt nhiều mục tiêu trong tháng 7

Bên cạnh đó, đại diện Ban quản lý dự án Đường sắt cho biết, lộ trình đưa tuyến Cát Linh - Hà Đông về đích đã rõ ràng và có thể hoàn thành công trình trong năm nay.

Cụ thể, ông Nguyễn Khánh Tùng, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, thời gian qua tổng thầu đã có cách tiếp cận tích cực, 2 bên tìm được tiếng nói chung.

"Nếu tích cực phối hợp tốt với nhau thì tôi tin dự án có thể hoàn thành trong năm nay", ông Tùng cho hay.

Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án Đường sắt, hiện công tác nghiệm thu dự án đang được các bên tiến hành. Chủ đầu tư đặt mục tiêu hoàn thành công tác nghiệm thu trong tháng 7.

Nếu các công việc diễn ra đúng kế hoạch, cuối năm 2020, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đủ điều kiện đưa vào vận hành khai thác.

Hồ sơ hoàn công của dự án đã hoàn thiện tương đối, trong đó phần xây lắp cơ bản hoàn thiện, chỉ cần khắc phục một số phần liên quan đến trang thiết bị”, ông Tùng nói.

Để có thể triển khai vận hành thử toàn hệ thống, Ban quản lý dự án đang yêu cầu tổng thầu đưa đủ chuyên gia sang Việt Nam. Số chuyên gia cần có là 150 người (gồm cả nhân sự của các nhà sản xuất, cung cấp thiết bị). Đến nay tổng thầu mới có hơn 30 nhân sự tại công trường.

 Tư vấn ACT của Pháp cũng phải đưa chuyên gia sang Việt Nam với số lượng khoảng 3, 4 người. Thời gian qua các chuyên gia của ACT đã duyệt 12/13 chứng chỉ an toàn của dự án. Chứng chỉ cuối cùng phải chờ dự án chạy thực tế để đánh giá.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang gặp vấn đề lớn về các chuyên gia, công nhân "mắc kẹt" do COVID-19 chưa thể sang Việt Nam được.

Khó khăn lớn nhất với ACT là việc tìm chuyến bay từ Pháp sang Việt Nam. Bên cạnh đó, giữa ACT và tổng thầu phải ấn định mốc thời gian đưa người sang một cách đồng bộ để tránh tình trạng đợi chờ lẫn nhau”, ông Tùng cho biết.

Ban quản lý dự án đưa ra thời hạn tập trung đủ nhân sự của các bên là trong tháng 7. Khi đã có đủ nhân sự, các bên sẽ tiến hành rà soát các hồ sơ một lần nữa trước khi vận hành thử toàn hệ thống.

Cùng tháo gỡ vấn đề bế tắc nhất

Theo đại diện Ban quản lý dự án Đường sắt, vấn đề bế tắc nhất suốt thời gian qua là việc tổng thầu không thể cung cấp đủ hồ sơ thiết bị để phục vụ khâu đánh giá an toàn. Tư vấn ACT đã tháo gỡ vấn đề này bằng cách cho phép tổng thầu thí nghiệm trực tiếp tại hiện trường những thiết bị thiếu hồ sơ.

Các thiết bị thiếu hồ sơ gồm có hệ thống thẻ vé và cổng soát vé, các thiết bị công nghệ tại khu depot, đoàn tàu, toa xe...

Người dân Thủ đô chờ đợi, hy vọng rồi thất vọng vì dự án đã chậm tiến độ quá lâu, thất hứa cả chục lần, chưa thể về đích.

Sau khi hoàn tất nghiệm thu, tổng thầu sẽ đưa người sang thực hiện công tác vận hành thử 20 ngày. Quá trình vận hành thử toàn hệ thống cũng đồng thời là quá trình thí nghiệm hiện trường với các thiết bị thiếu hồ sơ.

Kết thúc quá trình vận hành thử, Tư vấn ACT sẽ căn cứ kết quả để cấp chứng nhận công trình đủ điều kiện vận hành an toàn.

Bước tiếp theo, chủ đầu tư sẽ nghiệm thu tổng thể, cấp chứng nhận hoàn thành công trình và tiến hành bàn giao công trình cho TP Hà Nội.

Sau khi nhận bàn giao, chủ đầu tư mới tiến hành thanh toán nốt đến 95% giá trị hợp đồng cho tổng thầu. Khoản tiền 5% sẽ được chủ đầu tư giữ lại trong 2 năm bảo hành của dự án.

Với yêu cầu thanh toán sớm của tổng thầu, đại diện chủ đầu tư khẳng định sẽ thực hiện các bước thanh toán theo quy định hợp đồng. Những phần đã có đủ hồ sơ thủ tục sẽ thực hiện giải ngân trước.

"Đến nay chúng tôi đã giải ngân và thanh toán cho tổng thầu được 5 kỳ. Thời gian tới, chủ đầu tư yêu cầu tổng thầu tiếp tục hoàn thiện và gửi các hồ sơ theo quy định để được tiếp tục thanh toán", ông Tùng cho biết.

Được biết, hiện 31 chuyên gia của Tổng thầu Trung Quốc sang Việt Nam sau dịch COVID-19 đã hoàn tất cách ly, trở lại dự án làm việc. Trong đó, 12 người hàng ngày phối hợp với Ban quản lý dự án đường sắt làm công tác nghiệm thu, số còn lại kiểm tra vận hành các hạng mục ở hiện trường.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hiện các chuyên gia của Pháp vẫn chưa thể sang Việt Nam để thực hiện các công việc tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Sự có mặt của các chuyên gia Pháp để đánh giá an toàn Dự án là điều kiện không thể thiếu để để dự án này có thể triển khai chạy thử, sau là vận hành thương mại.

Phi Long/VOV.vn

Tin mới