Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên: Xót xa khi nghe tin F0 lây từ TP.HCM

(VTC News) -

"Chúng ta rất xót xa khi nghe tin nhiều tỉnh thành xác định đường lây của ca bệnh là từ TP.HCM", Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ.

Chiều 15/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức họp sơ kết 7 ngày thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ sự xót xa khi nghe tin nhiều tỉnh có ca nhiễm xuất phát từ TP.HCM. Ông yêu cầu thành phố dự báo, chuẩn bị tình huống, không để dân bức xúc.

"Chúng ta rất xót xa khi nghe tin nhiều tỉnh thành xác định đường lây của ca bệnh là từ TP.HCM", Bí thư Nên chia sẻ và nhận định kiểm soát dịch là trách nhiệm rất cao, thử thách rất lớn không chỉ với TP.HCM.

Hệ thống y tế đang đứng trước sức ép chưa từng có

Ông Nguyễn Văn Nên chia sẻ, trong 7 ngày qua, TP.HCM nhận được sự ủng hộ, đồng tình của người dân, sự chung tay của người dân cả nước cùng hướng về thành phố, là niềm động viên lớn để thành phố thực hiện các biện pháp đề ra.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Theo ông Nên, 7 ngày qua công tác phòng chống dịch chuyển sang trạng thái mới, có sự phân công rõ ràng, rành mạch; phối hợp chặt chẽ với bộ ngành Trung ương; tập trung tương đối đồng bộ chiến lược chống dịch dựa vào 5 trụ cột: xét nghiệm, khoanh vùng, cách ly, điều trị và tiêm vaccine…

“Đây là công việc làm thường xuyên nhưng lần này làm đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả và có trách nhiệm cụ thể hơn”, ông Nên nhận định.

Thành phố không xét nghiệm đại trà mà có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp xét nghiệm PCR với kháng nguyên nhanh; trả kết quả nhanh hơn, không tồn đọng mẫu, công suất xét nghiệm tăng nhanh.

Công tác cách ly và điều trị những ngày gần đây là chưa có tiền lệ, vượt xa sự chuẩn bị nên thành phố và các quận huyện vừa làm vừa khắc phục, có những người làm ngày làm đêm, có người đuối sức. 

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, đến nay, việc bố trí nơi ăn nghỉ, thăm khám, chăm sóc các trường hợp F1 và bệnh nhân F0 dù có vất vả nhưng đã cố gắng vượt qua những khó khăn bước đầu. TP.HCM đã chủ động tăng cường năng lực trang thiết bị cho bệnh viện điều trị, bệnh viện hồi sức quy mô 1.000 giường và tăng công suất khi cần thiết, lên phương án chuyển bệnh nhân nặng về đây. 

Ông Nên cho biết hệ thống y tế đang đứng trước sức ép chưa từng có về cách ly, điều trị, vượt xa sự chuẩn bị trước đó. Thành phố và các địa phương đều đã cố gắng khắc phục với nỗ lực cao nhất.

Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM cho biết thời gian ngắn, thành phố đã phát sinh 30.000 trường hợp phải cách ly, điều trị (F1, F0). Do đó, việc bố trí ăn ở, nơi nghỉ, bảo đảm điều kiện sinh hoạt, thăm khám sức khỏe, chăm sóc với người diện F1, F0 rất vất vả.

Các F0 còn ở ngoài cộng đồng

Bí thư Nên cho biết theo báo cáo mới nhất, quận 5 tăng 22 ca, trong đó 12 ca ở khu cách ly, phong tỏa, 5 trường hợp phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện, 5 ca bệnh có triệu chứng và tự gọi y tế, sau đó phát hiện dương tính qua xét nghiệm nhanh.

"Thế thì các F0 còn ở ngoài cộng đồng, ở nhiều nơi, chúng ta chưa thể phát hiện kịp thời", Bí thư Nên nhận định.

Ông Nên cho rằng cần tăng cường tầm soát, truy vết, xét nghiệm, phát hiện sớm để ngăn chặn kịp thời nguồn lây trong cộng đồng. Bí thư cho biết thời gian qua, một số nơi lượng F0 giảm, nhưng có nơi còn tăng và phải tiếp tục tập trung.

Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận xét trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, nhiều tình huống khó khăn phát sinh nằm ngoài khả năng dự tính của các cấp chính quyền. Những tình huống này liên quan nhiều đến đời sống người dân, yêu cầu lực lượng chức năng cần có phương án ứng xử khéo léo.

"Tôi thấy có trường hợp nhóm người làm từ thiện trong đợt giãn cách xã hội. Chúng ta muốn xử lý cần hỏi rõ đầu đuôi và có cách xử lý hài hòa. Về mặt chuyên môn, dù làm từ thiện cũng phải chấp hành giãn cách, tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần hiểu và chia sẻ", ông Nguyễn Văn Nên nêu ý kiến.

Người đứng đầu Đảng bộ thành phố cũng chỉ ra tình huống ùn tắc tại một số chốt kiểm soát dịch trong ngày đầu giãn cách xã hội. Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị lực lượng tại hiện trường cần được hướng dẫn, tập huấn xử lý từng trường hợp cụ thể.

Chốt kiểm soát trên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp ùn ứ, kẹt cứng vì kiểm tra giấy xác nhận của người đi đường. (Ảnh: Hoàng Thọ)

"Mục tiêu chính của các chốt là phòng, tránh lây nhiễm nhưng khi chặn xe, hạn chế ra vào lại gây ùn tắc, tạo ra nguy cơ lây bệnh. Trong trường hợp này, chúng ta cần chọn cách giải quyết ít xấu nhất, dự kiến cho những tình huống có thể diễn ra tiếp theo", Bí thư Thành ủy thành phố lưu ý.

Bí thư Nguyễn Văn Nên nhận định qua 7 ngày thực hiện Chỉ thị 16, số ca F0, F1 tăng nhanh, tỷ lệ thuận với năng lực và cường độ xét nghiệm của TP.HCM. Tuy nhiên, ông nhắc nhở chưa thể lạc quan.

"Trong một nửa thời gian vàng còn lại, chúng ta tiếp tục tăng tốc, đồng thời vượt chướng ngại vật để phấn đấu về đích như kế hoạch đề ra. Để đạt được điều này, từng cá nhân trong hệ thống chính trị cần nỗ lực ở mức cao nhất có thể những ngày sắp tới", ông Nguyễn Văn nên nhấn mạnh.

Hoàng Thọ

Tin mới