Chiều 15/7, phát biểu chỉ đạo cuộc họp sơ kết sau 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố cần thẳng thắn nhìn nhận các thiếu sót để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh trong thời gian tới và đưa ra giải pháp phù hợp.
Lây nhiễm chéo ở khu cách ly, phong tỏa
Về công tác cách ly và điều trị, ông Phong cho biết phần lớn số ca nhiễm mới là từ khu cách ly và khu phong toả: “Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận với nhau ràng không loại trừ khả năng lây chéo tại các khu cách ly và khu phong toả. Do đó trong 7 ngày tới cần đặt mục tiêu giảm dần số ca F0 tăng mới từ khu vực này”.
Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Sở TT&TT phối hợp các đơn vị liên quan phân tích tình hình phát sinh ca nhiễm mới, nhận định khả năng lây nhiễm chéo giúp TP đề ra đối sách phù hợp. Các đơn vị quản lý khu cách ly tập trung phải siết chặt giải pháp an ninh, quy trình giãn cách, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo. Tuyệt đối không hình thành khu cách ly quận huyện tại các nơi không đảm bảo nhu cầu thiết yếu như nhà vệ sinh, phòng tắm, nơi ăn nghỉ, vệ sinh rác thải….
Theo ông Phong, có khoảng 38% số ca nhiễm COVID-19 tại các khu phong tỏa và khu cách ly là do lây nhiễm chéo: "Theo phân tích dữ liệu, các ca nhiễm phát sinh lớn nhất ở khu phong tỏa. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận đã xảy ra lây nhiễm chéo, phải giảm dần ca nhiễm tại nơi phong tỏa".
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. (Ảnh: Hoàng Thọ)
Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu tập trung siết chặt, không để lây nhiễm chéo tại khu cách ly. phát huy vai trò của tổ COVID-19 cộng đồng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định nơi phong tỏa.
Sắp tới, lực lượng thanh niên xung phong nằm trong khu phong toả sẽ phối hợp với tổ COVID cộng đồng để kiểm tra thường xuyên, không để tình trạng khu phong toả tổ chức hoạt động giao lưu, sẽ dễ lây chéo.
Chủ tịch UBND TP cho rằng với số ca nhiễm tăng nhanh, công tác điều trị cực kỳ quan trọng để người dân không hoang mang, gây bất ổn trong xã hội. “Cần tập trung điều trị cho các ca F0 nặng, hạn chế các ca tử vong”, ông nhấn mạnh và đề nghị Sở Y tế tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM về việc giảm áp lực cho hệ thống điều trị, tập trung các nguồn lực điều trị các ca F0 nặng, người có bệnh nền; rút ngắn thời gian chờ đợi di chuyển các ca F0 có chuyển biến nặng từ quận, huyện lên tuyến truyên bằng các giải pháp công nghệ, đường dây nóng.
Người đứng đầu chính quyền TP yêu cầu 100% quận, huyện thành lập tổ hỗ trợ, phản ứng nhanh, lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý các phản ánh của người dân; từ đó hỗ trợ tối đa người dân cùng vượt qua khó khăn, bất tiện trong thời gian giãn cách, không để xảy ra tình trạng phiền hà về thái độ giao tiếp, ứng xử.
Về việc tiêm vaccine đợt 5, Chủ tịch UBND TP khẳng định, TP chỉ phân bổ số lượng, còn giao toàn quyền điều phối về cho quận, huyện, TP Thủ Đức.
Do đó, lãnh đạo quận, huyện cần nhanh chóng hình thành tổ tiêm vaccine, vận hành cơ chế tương tự như tổ công tác xét nghiệm, nhưng không làm ảnh hưởng đến công tác chống dịch. Lực lượng tiêm vaccine và lực lượng phòng chống dịch là hai lực lượng khác nhau, phấn đấu trong 2-3 tuần tiêm 930.000 liều.
Chậm lập tổ xét nghiệm
Theo ông Nguyễn Thành Phong, trong công tác xét nghiệm, vừa qua vẫn còn vài nơi tập trung đông người, không tuân thủ giãn cách tại nơi lấy mẫu, đôi lúc trả mẫu PCR còn chậm, dẫn đến việc chậm chuyển số F0 đến nơi điều trị. Vẫn còn tình trạng chậm thành lập tổ xét nghiệm tại các quận, huyện, làm ảnh hưởng đến công tác xét nghiệm, phát hiện F0, truy vết, khoanh vùng.
Hiện tất cả địa phương đã gửi danh sách lập tổ chỉ đạo xét nghiệm, nhưng có địa phương phải nhắc nhở 2-3 lần. Có nơi triển khai còn chậm và giao trách nhiệm cho trung tâm y tế. “Trong điều kiện hiện nay, trung tâm y tế không thể đảm đương được mà cần phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng”, ông Phong nói.
Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong. (Ảnh: TTBC)
Công tác kiểm tra an toàn trong sản xuất còn có nơi thiếu quan tâm, không tái kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng tiêu chí phòng chống dịch. Đã có 100 đoàn kiểm tra được thành lập tại khu chế xuất, khu công nghiệp nhưng việc kiểm tra còn chưa chặt chẽ.
Các khu cách ly, khu phong toả còn có hiện tượng giao lưu, tiếp xúc với nhau, không đảm bảo giãn cách. Quy trình xử lý F0 còn nhiều bất cập, thời gian điều chuyển F0 từ địa phương đến các bệnh viện điều trị còn chậm, lúng túng. Quận huyện còn mất nhiều thời gian chờ giường bệnh, tìm bệnh viện có đủ năng lực tiếp nhận, gây mất thời gian cấp cứu cho bệnh nhân.
“Tối qua, khoảng 7-8 giờ, Chủ tịch quận 7 gọi tôi giúp cho có một ca F0 rất nguy cấp, em gọi BV nào cũng không tiếp nhận, tôi gọi cho anh Bỉnh giải quyết là xong”, ông Phong kể và thừa nhận quy trình xử lý với F0 còn rất lúng túng, bất cập.
Đề nghị các sở, ngành, quận, huyện tận dụng tối đa thời gian vàng, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định mục tiêu của việc xét nghiệm là tách F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất, đưa đi điều trị và mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19.