Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bí ẩn hiện tượng mưa máu và những giả thuyết hệt như trong phim viễn tưởng

Bạn nghĩ rằng mưa đá đã là hiện tượng kỳ lạ của tự nhiên? Nhưng không, trái đất chúng ta còn có những trận mưa mà nghe đến thôi cũng gây “rùng mình”.

Nhìn bằng mắt thường, mưa máu là một hiện tượng nước từ trên trời rơi xuống giống mưa, nhưng lại có màu đỏ trông như máu. Và chính vì lý do này, nên người ta đã gán cho hiện tượng này là “mưa máu”. 

Lịch sử từng có những ghi chép rất sớm về hiện tượng mưa máu. Nếu như trong văn học, các tác giả từng dùng hiện tượng này để báo trước những sự kiện xấu sắp xảy ra như cái chết và sự hủy diệt, thì ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng để giải thích.

(Ảnh: Foreign Student)

Những cơn mưa có màu đỏ như máu từng xuất hiện xung quanh sa mạc Sahara - một trong những sa mạc lớn nhất thế giới nằm ở châu Phi. Theo lời giải thích từ các nhà nghiên cứu, cát và bụi nâu do những cơn bão mang theo, trộn lẫn với giọt nước trong mây, khiến mưa có màu đỏ nâu.

Trong khi đó, tại Kerala (Ấn Độ), họ cho rằng nguyên nhân gây ra bởi các bào tử tảo đỏ có tên Trentepohlia Annulata bị gió cuốn đi, trộn lẫn với các giọt nước mưa, gây ra mưa máu.

(Ảnh: Corbis)

Còn tại khu vực Zamora (Tây Ban Nha), một loại tảo Haematococcus Pluvialis vướng vào những đám mây gây mưa. Chúng tạo ra loại sắc tố đỏ là astaxanthin, dẫn tới hiện tượng mưa máu. Những trường hợp ghi nhận mưa máu thường diễn ra tại các khu vực nhỏ, thời gian có thể khác nhau, đôi khi kéo dài trong thời gian ngắn. 

(Ảnh: Reuters)

Bên cạnh những lý giải mang tính cục bộ, từng vùng vừa kể trên, một số nhà nghiên cứu lại cho ra những lý luận khác gây nhiều tranh cãi nhưng lại thú vị không kém. 

Giả thuyết về thiên thạch

Một giả thuyết cho rằng thiên thạch đã phát nổ ở đâu đó trong vũ trụ và bụi, đá của nó lại rơi xuống tầng bình lưu, dưới sự cản trở của bầu khí quyển và tầng ozon cùng lực ma sát. Những mảnh vỡ đó bị mài nhỏ thành bụi “đỏ” và được gió mang đi khắp nơi trên thế giới cho đến khi xuất hiện một cơn mưa.

(Ảnh: The Golden Star)

Tuy nhiên, lý thuyết này chưa thực sự thuyết phục số đông. Bởi tại sao mưa máu chỉ xuất hiện ở một số vùng nhất định, khi mà gió đã mang bụi đi khắp nơi?

Giả thuyết về sự sống ngoài hành tinh

Một nhà khoa học Ấn Độ - Tiến sĩ Godfrey Louis, nhà vật lý học tại Đại học Mahatma Gandhi đã khám phá sự hiện diện của các tế bào sinh học bé nhỏ trong nước mưa tại trận mưa máu từng trút xuống đất nước này. Vì các tế bài này không chứa ADN - thành phần chủ yếu của mọi dạng sống trên trái đất - nên Louis lập luận rằng có thể nó là các dạng sống ngoài hành tinh. Trước Louis vài thập niên đã có hai nhà khoa học Anh đưa ra lý thuyết này.

Điều lạ lùng hơn, hàng chục thí nghiệm của Louis cho thấy rằng các phần tử có thể thiếu ADN, tuy nhiên vẫn còn khả năng sinh sản dồi dào, thậm chí chúng có thể tồn tại trong nước ở 300 độ C (được biết giới hạn cao nhất cho sự sống trong nước là khoảng 120 độ C).

(Ảnh: Frank Fox)

Tiến sĩ Louis suy luận rằng các phần tử có thể là vi khuẩn ngoài trái đất thích ứng với những điều kiện khắc nghiệt trong không gian và các vi khuẩn bị bám vào sao chổi hay thiên thạch rồi sau đó vỡ ra trong khí quyển trên cao và hòa vào các đám mây gây mưa bên trên vùng trời Ấn Độ.

(Ảnh: AFP)

Bên cạnh những lý giải vừa kể, cũng có ý kiến dễ chấp nhận hơn cho rằng màu đỏ của nước mưa là hậu quả của tình trạng ô nhiễm không khí. Những chất gây ô nhiễm bị hòa tan trong nước mưa khiến nước chuyển sang màu đỏ.

Tuy nhiên, cho đến ngày nay, vẫn chưa có một lời giải nào được cho là chuẩn xác nhất về hiện tượng kỳ lạ này. Và cứ thế, mưa máu vẫn tiếp tục kích thích óc tò mò của những người đam mê khoa học cùng những bí ẩn xoay quanh nó.

Cersei (Tổng hợp)

Tin mới