Hàng tỷ năm trước đây, không có những thứ như Trái Đất hay Thái dương hệ mà chỉ có một đám mây khổng lồ khí và bụi trong vũ trụ. Mật độ dày đặc ở trung tâm đám mây này là điều kiện để hình thành mặt trời, ngôi sao duy nhất của Thái dương hệ. Sau khi mặt trời hình thành, gió mặt trời mang theo nhiệt độ cực nóng đã kết hợp các vật liệu trên đường đi của mình để hình thành cái mà chúng ta gọi là "hành tinh".
Vào thời điểm đó, không có bất kỳ dấu hiệu nào của nước trong hệ mặt trời. Vậy làm thế nào Trái Đất của chúng ta có nước? Dưới đây là một vài giả thuyết được đưa ra.
Nước được hình thành sau vụ nổ Big Bang?
(Ảnh: Quora)
Hydrogen là nguyên tử đầu tiên hình thành sau vụ nổ Big Bang, tiếp theo là Helium và một số lượng nhỏ của Lithium. Những nguyên tử cơ bản thường được hợp nhất với nhau để tạo thành các nguyên tử nặng (như oxy). Khi các nguyên tử hydro tiếp xúc với các nguyên tử oxy, nước được hình thành dưới dạng các lớp băng dày trên các kết cấu đá trong vũ trụ. Những tảng đá này va chạm vào nhau và tạo thành các kết cấu vật chất ngày càng lớn hơn, ổn định hơn và cuối cùng hình thành các hành tinh.
Đây là một giả thuyết về nguồn gốc của nước xoay quanh ý tưởng rằng Trái Đất được hình thành từ những khối đá băng và giữ lại nước sau khi va chạm với nhau. Dưới ánh nắng mặt trời, lượng nước trên bề mặt bốc hơi nhưng nước tích hợp trong các tảng đá thấm trở lại bề mặt và hành tinh bắt đầu hạ nhiệt. Khi không khí hình thành, nước được ngưng tụ nhiều hơn.
Sao chổi, tiểu hành tinh hay thiên thạch giàu nước
(Ảnh: Newsweek)
Một số nhà khoa học thì lại tin rằng nước không tồn tại trên Trái Đất hoặc bất kỳ hành tinh nào trong quá trình hình thành hệ mặt trời. Thay vào đó, người ta suy đoán rằng nước đến từ những nơi khác ngoài hệ mặt trời theo các sao chổi, tiểu hành tinh hay thiên thạch. Vì chúng ở cách xa mặt trời nên nước (dạng đá) có mặt trên các vật thể vũ trụ trên đã không bị nhiệt độ của mặt trời làm tan chảy và bốc hơi. Các sao chổi, các Thiên thể bên ngoài Sao Hải Vương hoặc thiên thạch giàu nước từ vành đai tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất có thể đã mang nước đến Trái Đất.
Đốt nóng vật chất hữu cơ liên sao
(Ảnh: Earth)
Trong một nghiên cứu mới, một nhóm các nhà khoa học do Giáo sư Akira Kouchi phụ trách đã giải thích rằng đốt nóng vật chất hữu cơ liên sao lên đến mức nhiệt cực cao có thể sinh ra rất nhiều nước và dầu. Điều này cho thấy nước có thể được sinh ra từ bên trong đường băng tuyết mà không cần có sự đóng góp của các sao chổi hay thiên thạch.
Nguồn nội
Nguồn nội được coi là từ thành phần hóa học của vật chất vũ trụ khi tụ lại hình thành ra Trái Đất. Nước ở vành khí quyển khi vỏ rắn hình thành, nước thoát dần dần từ các khoáng chất hydrat của Trái Đất, nước thoát ra từ các vụ phun trào núi lửa, có thể đã hình thành một phần lượng nước hiện có. Khi Trái Đất càng nguội đi thì lượng nước ngưng tụ tạo ra các đại dương càng tăng lên.
(Ảnh: ZME Science)
Bằng việc phân tích các lớp đá cổ tại đảo Baffin (Canada), các nhà nghiên cứu đã tìm ra những bằng chứng xác thực cho thấy nước là thứ luôn hiện hữu trên Trái đất của chúng ta. Những lớp đá này tới từ vỏ Trái đất - tức là không chịu tác động từ yếu tố bên ngoài hành tinh. Và nước được tìm thấy trong đó có thành phần giống như nguồn nước chúng ta vẫn thấy ngày nay.