Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết đây là một trong ba bệnh nhân nặng đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực. Trong đó, "bệnh nhân 793" ở Bắc Giang mới trở nặng.
Theo bác sĩ Phúc, những bệnh nhân COVID-19 thường sẽ diễn biến xấu trong vòng ngày thứ 7 đến ngày thứ 14 sau khi khởi phát bệnh. "Bệnh nhân 793" đang trong giai đoạn này. Bệnh nhân đang ở ngày thứ 12 kể từ thời điểm khởi phát bệnh nên chức năng phổi đang diễn biến xấu đi, tạm thời phải thở oxy không xâm nhập 100%. Bệnh nhân hiện cắt sốt.
Bác sĩ nhận định ca này sẽ còn tiến triển nặng lên. Các bác sĩ đang nỗ lực dùng kháng sinh, kháng virus và các thuốc ức chế miễn dịch để điều trị, đồng thời hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân bởi máy móc.
Kỹ thuật viên trong phòng xét nghiệm.
Hai trường hợp nặng còn lại là "bệnh nhân 812" và "bệnh nhân 867", sức khỏe tiến triển tốt hơn.
"Bệnh nhân 812" được đánh giá là nặng nhất, lây từ "bệnh nhân 447" (nhân viên tiệm bánh pizza, đi du lịch Đà Nẵng về). Ngày 3/8, người này khởi phát sốt, mệt mỏi, chán ăn. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính nCoV.
Hôm qua bệnh nhân sốt nặng, các bác sĩ kiểm soát bằng thuốc kháng sinh để điều trị. Đến hôm nay, bệnh nhân cắt sốt, các chỉ số huyết động, oxy ổn định. Hiện tại, chức năng phổi cải thiện hơn trên hình ảnh X-quang và trên xét nghiệm khí máu.
"Bệnh nhân 867", 63 tuổi, vài ngày trước phổi được đánh giá bị tổn thương khoảng 60%, phải thở oxy lưu lượng cao. Đến nay, bệnh nhân bỏ được thở oxy lưu lượng cao, đang thở oxy kính. Bệnh nhân phổi cải thiện, chỉ còn tổn thương khoảng 40%, đáp ứng điều trị tốt, không còn sốt, tất cả các chỉ số huyết động, xét nghiệm đều ổn định.
Bác sĩ Phúc cho biết, nếu điều trị tốt thì khoảng 3,4 hôm nữa khả năng cao bệnh nhân sẽ cai máy thở, chuyển đến Khoa Virus - Ký sinh trùng điều trị. "Bệnh nhân này thực tế rất nặng, phổi tổn thương rất nhiều, rất rộng nhưng đáp ứng tốt với máy thở không xâm nhập. Hiện bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc", bác sĩ Phúc nói.
Bác sĩ cho biết thêm bệnh nhân đang bị rối loạn dung nạp đường huyết. Tình trạng này thường xuyên gặp ở những bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng (nhiễm vi khuẩn, virus) khiến đường máu tăng. Tuy nhiên đây không coi là bệnh nền, chỉ cần xử lý kìm hãm đường máu là sẽ ổn định.
Hiện tại ba bác sĩ vòng trong và bác sĩ Trưởng khoa vòng ngoài, phối hợp cùng điều dưỡng điều trị ba bệnh nhân nặng. "Chúng tôi luôn theo dõi sát những trường hợp này 24/24 giờ để có thể kịp thời cấp cứu nếu diễn tiến xấu", bác sĩ nói.