Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao bệnh nhân COVID-19 xét nghiệm tới 4 lần mới phát hiện dương tính?

(VTC News) -

Theo chuyên gia, có nhiều yếu tố làm ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm COVID-19 như thời điểm lấy mẫu, kỹ thuật lấy mẫu và hóa chất sử dụng.

Chiều 16/8, Bộ Y tế công bố thêm 11 trường hợp mắc COVID-19 mới ở Hà Nội và Đà Nẵng. Đáng chú ý, trong 8 ca bệnh ở Đà Nẵng được ghi nhận, có bệnh nhân nữ là nhân viên y tế (BN961) làm việc tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang mắc COVID-19 phải xét nghiệm tới 4 lần mới cho ra kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Tại Hà Nội, trường hợp BN812 phải xét nghiệm tới lần thứ 3 bằng phương pháp PCR mới cho kết quả dương tính.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Trưởng khoa Y tế Công cộng và Điều dưỡng, Đại học Quang Trung cho biết có rất nguyên nhân dẫn đến tình trạng “nhiều lần âm mới dương”.

Đầu tiên có thể khi đó bệnh nhân đã mắc bệnh, nhưng virus chưa nhân lên đủ để xét nghiệm cho kết quả dương tính. “Virus cũng vậy, phải có thời gian để cho kết quả dương tính. Điều này lý giải tại sao các cơ quan y tế hiện nay luôn khuyến cáo người dân là phải cách ly đủ 14 ngày”, ông Nga nói.

Một nguyên nhân khác là khi lấy mẫu, thao tác diễn ra không chuẩn, khiến mẫu bệnh phẩm không có dịch chứa virus. Bên cạnh đó, trang thiết bị xét nghiệm và hóa chất khi sử dụng cũng là vấn đề làm ảnh hưởng tới kết quả.

Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, nơi bệnh nhân 961 từng làm việc.

Chung quan điểm, BS CKII Vũ Thị Thu Hương – khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, Real-Time PCR là xét nghiệm khẳng định một người nhiễm SARS-CoV-2 hay không. Tuy nhiên, kết quả còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Trong đó chú ý diễn biến bệnh, tức là thời điểm lấy mẫu bệnh phẩm. Nếu thời gian lấy mẫu khi bệnh nhân mới nhiễm virus thì kết quả xét nghiệm vẫn là âm tính. Nếu nhân viên y tế được lấy mẫu sau khi đã khỏi bệnh thì xét nghiệm PCR cũng cho âm tính.

“Để đưa ra được kết quả khẳng định một người mắc COVID-19 hay không phải xem xét rất nhiều các quy trình, trong đó cần sự phối hợp giữa lâm sàng và xét nghiệm. Khi lâm sàng và xét nghiệm cho kết quả nghi ngờ hoặc không hợp lý, bệnh nhân sẽ được xét nghiệm lại nhiều lần để so sánh các phòng xét nghiệm mới cho ra được kết quả cuối cùng”, BS Hương nói.

BN961 (nữ, 32 tuổi, trú K1120 Trường Chinh, tổ 11, Hòa Phát, Cẩm Lệ) cùng chồng P.N-H), là nhân viên y tế tại Khoa ung bướu Bệnh viện Đà Nẵng. Trong các ngày từ 28/7 đến 13/8, bệnh nhân được xét nghiệm tới 4 lần mới cho ra kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

BN812 - nhân viên giao hàng có địa chỉ tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm. Bệnh nhân có tiền sử dịch tễ làm chung cửa hàng với BN447 (người được xác định mắc COVID-19 trước đó). Từ ngày 29/7 đến 8/8, BN812 được lấy mẫu xét nghiệm 3 lần bằng phương pháp PCR mới cho ra kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Các chuyên gia khuyến cáo những người được chỉ định xét nghiệm COVID-19, dù ban đầu kết quả có cho âm tính nhưng mọi người vẫn cần tuân thủ cách ly 14 ngày theo quy định để đảm bảo an toàn.

Video: Kịch bản nào cho cuộc chiến chống COVID-19 mới?

Phạm Quý

Tin mới