Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bệnh nhân COVID-19 dương tính lại có lây cho người khác?

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, khả năng lây nhiễm của bệnh nhân dương tính lại với COVID-19 vẫn đang được nghiên cứu.

Hà Nội vừa phát hiện trường hợp dương tính với COVID-19 sau 3 ngày xuất viện. Bệnh nhân 188 (nữ, 44 tuổi, nhân viên Công ty Trường Sinh) được về nhà ngày 14/4 sau 3 lần xét nghiệm âm tính.

Ngày 17/4, bệnh nhân có biểu hiện ho khan, sốt nhẹ, hơi tức ngực, không chảy nước mũi. Hôm sau, bệnh nhân này được xác định dương tính với COVID-19 và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) để điều trị.

Trao đổi với Zing về trường hợp này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng của Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hàn Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đang nghiên cứu về các trường hợp này nhưng chưa có kết luận cụ thể.

Bệnh nhân 188 là nhân viên Công ty Trường Sinh làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai.

Tuy nhiên, điều tra ban đầu cho thấy có thể do một số nguyên nhân. Một, việc này có thể do sự hoạt động trở lại của lượng virus còn tồn đọng trong cơ thể bệnh nhân.

Hai, nếu hệ miễn dịch của bệnh nhân chưa phát triển được đủ để chống lại virus hoặc hệ miễn dịch bị yếu đi sau khi hồi phục, lượng virus trước đây chưa được phát hiện có thể được kích hoạt trở lại.

Ba là có thể loại virus mới này có khả năng tồn tại trong trạng thái "ngủ" trước khi được kích hoạt trở lại. Hoặc có thể do xét nghiệm phát hiện ra những phần "chết" của virus mà không còn khả năng lây nhiễm hay phát triển.

Và lý do thứ năm, theo PGS.TS Trần Đắc Phu có thể do lỗi trong việc lấy mẫu, xử lý mẫu và xét nghiệm.

Ông Phu cho biết thêm Hàn Quốc đã báo cáo ghi nhận về một số trường hợp tương tự và đã có phân tích. Các thí nghiệm cho thấy lượng virus trên bệnh nhân dương tính lại không thể nuôi cấy phân lập, tức là virus đã chết hoặc tồn tại với một lượng quá nhỏ.

"Những người này trên lý thuyết có khả năng lây lan cho người khác. Tuy nhiên, đến nay chưa ghi nhận các ca lây nhiễm thứ phát từ các trường hợp dương tính lại", ông Phu nói và nhấn mạnh các nhận định khoa học trên vẫn là "có thể" và chưa có kết luận chính xác.

Quay trở lại trường hợp bệnh nhân 188, ông cũng cho biết sau khi được về nhà, bệnh nhân này vẫn phải cách ly tại nhà 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế. Nên việc này không quá lo ngại do bệnh nhân chỉ tiếp xúc gần với chồng và con. Giống trường hợp bệnh nhân người Anh sau khi xuất viện lại cho kết quả dương tính với COVID-19 nhưng không lây nhiễm cho ai. Và khi trở về Anh, kết quả xét nghiệm lại âm tính.

Liên quan ca bệnh này, ông Dương Viết Tài, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ, Hà Nội, cho biết bệnh nhân 188 vẫn trong thời gian theo dõi 14 ngày sau khi được công bố khỏi bệnh. Số tiếp xúc trực tiếp (F1) của bệnh nhân là 2, gồm chồng và con gái, hiện đã đưa cách ly tập trung. Số trường hợp tiếp xúc F2 là 12 người, đang được tổ chức cách ly tại gia đình.

Lực lượng chức năng huyện Chương Mỹ đang tiếp tục điều tra các trường hợp F2, F3 liên quan tới ca bệnh này. Nhà riêng của bệnh nhân và các hộ xung quanh cũng đã được phun thuốc khử khuẩn 3 lần vào các ngày 16, 17 và 18/4. UBND xã Mỹ Lương cũng chỉ đạo triển khai các biện pháp khoanh vùng, chủ động phương án cách ly khu vực.

Video: Bệnh nhân số 22 âm tính trở lại khi về Anh

Nguồn: Zing News

Tin mới