Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bé trai 6 tháng tuổi có 'vùng kín' phát triển như người lớn

(VTC News) -

Phát hiện vùng kín của con trai 6 tháng tuổi phát triển bất thường, bố mẹ mang trẻ đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán dậy thì sớm.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hằng, Trung tâm Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền và Liệu pháp phân tử, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), chia sẻ, bệnh viện từng tiếp nhận trẻ dậy thì sớm ở độ tuổi rất nhỏ.

Trường hợp nhỏ tuổi nhất là một bé trai 6 tháng tuổi, được bố mẹ mang đến Bệnh viện Nhi Trung ương khi có biểu hiện mọc mụn trứng cá, lông mu, dương vật dài 7cm, thể tích tinh hoàn 4mm.

Kết quả khám hormone testosterol tăng cao 34,5 mmol/l, tuổi xương tương đương trẻ 2 tuổi, phát hiện có khối ở hố yên lành tính.

"Bệnh nhi được điều trị suốt 7 năm để làm chậm quá trình tiến triển dậy thì và theo dõi thêm kích thước khối u, testosterol về mức 2,7 mmol/l", bác sĩ Hằng nói.

Nhiều trẻ dậy thì sớm ở độ tuổi rất nhỏ. (Ảnh minh hoạ)

Trường hợp khác là H.A.T 2 tuổi được bố mẹ đưa tới Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng dương vật dài bất thường như người lớn, giọng nói ồm, mọc lông mu và xuất hiện mụn trứng cá. T. có ngoại hình cao lớn hơn bạn bè đồng trang lứa.

Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện thể tích tinh hoàn của T. lên tới 4mm, dương vật dài 8cm, chẩn đoán trẻ dậy thi sớm.

Theo bác sĩ, dậy thì sớm là hiện tượng trẻ xuất hiện các đặc điểm hình thể và hormone ở lứa tuổi sớm hơn bình thường. Tỷ lệ trẻ dậy thì sớm ngày càng tăng ở tất cả quốc gia trên thế giới.

"Trước đây các bé gái có kinh nguyệt khi trên 16-17 tuổi, hiện nay giảm xuống dưới 13-14 tuổi", bác sĩ Hằng nói và cho biết, năm 1991 Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận 14 trẻ dậy thì sớm, đến năm 2024 tăng lên hơn 1.175 trường hợp.

Tiến sĩ, bác sĩ Cấn Thị Bích Ngọc, Trung tâm Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền và Liệu pháp phân tử, Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội), cho hay có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới dậy thì sớm bao gồm yếu tố môi trường và nội sinh:

Dậy thì sớm do thuốc lá

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ hít phải thuốc lá thụ động, hoặc mẹ hút thốc trong quá trình mang thai dẫn đến các bé gái có kinh nguyệt, bé trai vỡ giọng sớm.

Béo phì

Béo phì cũng là tác nhân gây ra bệnh lý này. Kết quả 11 nghiên cứu trên 4.841 đối tượng cho thấy trẻ gái béo phì có tỷ lệ dậy thì sớm cao hơn nhóm cân nặng bình thường. 

Tổn thương hệ thần kinh trung ương

Khi trẻ bị khối u não, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, xuất huyết não có thể ảnh hưởng đến quá trình dậy thì của trẻ. Ngoài ra, nhiều trường hợp trẻ dậy thì sớm vô căn.

Các dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ

  • Ở bé gái phát triển tuyến vú, xuất hiện lông mu trước 8 tuổi, kinh nguyệt trước 10 tuổi.
  • Ở bé trai tăng thể tích tinh hoàn, dương vật, giọng nói ồm và có lông mu trước 9 tuổi. 

"Khi đến thăm khám dậy thì sớm trẻ được đánh giá mức độ dậy thì qua tuổi xương, siêu âm tử cung buồng trứng, siêu âm thận, ngoài ra, trẻ còn được tiến hành chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm hormone sinh dục", bác sĩ Ngọc nói.

Những tác hại của dậy thì sớm

-       Trẻ dậy thì sớm sẽ cốt hóa xương sớm dẫn tới lùn khi trưởng thành.

-       Trẻ có nguy cơ bị xâm hại tình dục, quan hệ tình dục sớm, mang thai ngoài ý muốn, phá thai khi quá nhỏ tuổi.

-       Cơ thể thay đổi nhanh hơn còn khiến trẻ bị khủng hoảng cảm xúc tâm lý. 

Vị chuyên gia chia sẻ, cha mẹ khi phát hiện con có biểu hiện lạ, cơ quan sinh dục phát triển bất thường nên sớm cho trẻ đi khám. Việc điều trị dậy thì sớm sẽ giúp trẻ có cuộc sống bình thường.

Các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc ức chế phát triển cơ quan sinh dục, lông mu, cốt hóa tuổi xương, bình thường hóa tốc độ tăng trưởng chiều cao cho trẻ. 

Nguyễn Ngoan

Tin mới