Tại Nhật Bản, trẻ dưới 18 tuổi được phẫu thuật thẩm mỹ nếu bố mẹ cho phép. |
Micchi (9 tuổi, Nhật Bản) đã không còn nhớ cảm giác trên bàn mổ, nhưng cô bé nhớ lại nhiều cuộc trò chuyện với mẹ về đôi mắt một mí của mình.
Nhiều tháng trước khi thực hiện cuộc phẫu thuật cắt mí vào đầu năm nay, Micchi và mẹ đã thảo luận về kiểu mắt hai mí mà cô muốn.
Những cuộc trò chuyện được đăng lên tài khoản YouTube của Rucchi, mẹ cô bé. Người mẹ cũng đăng thêm một video về cuộc phẫu thuật của con gái mình, trong đó cô bé đã khóc nức nở và hoảng loạn.
Đoạn video nhanh chóng lan truyền trên TikTok và làm dấy lên sự phẫn nộ của dân mạng. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao một đứa trẻ ít tuổi như vậy, và rõ ràng đã rất đau đớn, lại có thể phẫu thuật thẩm mỹ, dù mẹ cô đồng ý.
Thực tế, Micchi chỉ là một trong số những người trẻ Nhật Bản phẫu thuật thẩm mỹ từ rất sớm, nhiều năm trước tuổi trưởng thành.
Năm 2021, một phòng khám nước này đã thống kê rằng 9/10 người ở độ tuổi thiếu niên muốn phẫu thuật thẩm mỹ để giải quyết sự bất an của họ, đã tăng lên so với con số 7/10 trước đó 2 năm.
Rucchi, người mẹ ép con gái mình đi phẫu thuật, chưa từng mơ ước mình sẽ thành cô gái đẹp nhất.
Nhưng lớn lên bên cạnh mẹ và em gái đều có mặt hai mí, Rucchi thấy mình bị đối xử khác biệt. Em gái luôn nhận được những lời khen và bánh ngọt từ hàng xóm, Rucchi thì không.
"Mọi người luôn yêu quý em tôi hơn", cô nói. Năm 18 tuổi, Rucchi đã phẫu thuật để có mắt hai mí.
Giờ đây, cô đã là mẹ 5 con - 3 trai và 2 gái. Cô muốn những điều tốt nhất cho các con và không muốn những công chúa nhỏ của mình chịu bất kỳ nỗi bất an nào, cho dù phải ép chúng đi phẫu thuật thẩm mỹ.
"Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cô gái mắt một mí nào mà nghĩ họ đẹp", cô nói.
Tuy nhiên quy chuẩn tương tự lại không áp dụng cho những đứa con trai của cô, bởi xã hội chấp nhận những người đàn ông xấu, miễn là họ thành công và thông minh.
Rucchi muốn Micchi đi làm mũi khi cô bé tròn 18 tuổi, có thể cả nâng ngực. "Dù con bé vẫn đang tuổi phát triển, chúng tôi chưa biết nó sẽ thành người như thế nào. Nhưng nếu ngực con quá nhỏ, tôi sẽ khuyến khích nó đi phẫu thuật".
Nhiều người trẻ trên khắp thế giới cũng đang chọn đụng chạm dao kéo với mục đích tương tự. Tại Mỹ, hàng năm có hơn 220.000 thủ thuật thẩm mỹ được thực hiện trên bệnh nhân trong độ tuổi 13-19.
Các chuyên gia y tế và chính phủ đang phát đi báo động trước con số này. Năm 2021, các nhà lập pháp Anh đã đưa ra quy định thủ thuật tiêm chất làm đầy môi cho người dưới 18 tuổi là bất hợp pháp nhằm bảo vệ trẻ em.
Nhiều nhà phê bình cảnh báo thế hệ trẻ, những người lớn lên cùng với mạng xã hội, đang chịu áp lực phải tuân theo tiêu chuẩn về vẻ đẹp hình thể. Nó gây ra những tổn thương tâm lý - và đôi khi là thể chất - đối với trẻ vị thành niên.
Toru Aso, một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Tokyo (Nhật Bản), đã tận mắt chứng kiến số lượng trẻ vị thành niên đến phòng khám của ông ngày càng tăng trong những năm gần đây.
Có hơn 20 năm hành nghề, ông phẫu thuật chủ yếu cho phụ nữ trong độ tuổi 20-30.
"10 năm trước, tôi chỉ có trung bình một khách ở tuổi vị thành niên mỗi tháng. Bây giờ, những đứa trẻ tới phòng khám của tôi mỗi ngày", ông nói với VICE World News.
Nhiều người phẫu thuật thẩm mỹ để có nét đẹp theo xu hướng.
Các bệnh nhân của Aso chủ yếu yêu cầu phẫu thuật cắt mí mắt, xu hướng được nhận thấy khắp xứ hoa anh đào. Dù đây được xem khá an toàn so với các phẫu thuật phức tạp khác, như nâng mông Brazil (BBL) hay hút mỡ, vẫn có rủi ro nhất định như nguy cơ mù lòa hoặc chấn thương các cơ xung quanh mắt.
Ở Nhật Bản, bất cứ ai dưới 18 tuổi cũng được phẫu thuật thẩm mỹ, miễn có sự đồng ý của bố mẹ. Nhưng theo ông Aso, một số người giám hộ cố gắng lạm dụng luật này để áp đặt những tiêu chuẩn đẹp của họ lên con cái.
Đó cũng là lý do vị bác sĩ này luôn chú ý tới những trẻ vị thành niên đến phòng khám của mình.
"Tôi gặp riêng để đánh giá xem những đứa trẻ ấy có thực sự muốn làm thủ thuật hay không. Tôi từng thấy có cha mẹ lôi con tới và ép chúng phẫu thuật thẩm mỹ", ông Aso kể.
Tomohiro Suzuki, giáo sư nghiên cứu tâm lý trẻ em và hình ảnh cơ thể tại Đại học Tokyo Future, thừa nhận phẫu thuật thẩm mỹ có thể tác động tích cực đến tâm lý của con người, chẳng hạn như cải thiện lòng tự trọng.
Tuy nhiên, khi trẻ vị thành niên đang trong quá trình phát triển về thể chất và tâm lý, các em có thể sẽ hối hận về các lựa chọn phẫu thuật lúc trưởng thành.
Nhiều người trẻ không biết ngoại hình "lý tưởng" của mình là gì, vì họ vẫn đang lớn lên, và một số trong đó đã thực hiện phẫu thuật với kỳ vọng đạt được vẻ ngoài hoàn hảo.
"Sau đó, họ bị mắc kẹt trong một vòng lặp, không thể ngừng phẫu thuật thẩm mỹ", Suzuki nói.
Xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ gần đây thường gắn liền với mạng xã hội. Các nghiên cứu chỉ ra những ứng dụng như Instagram và Facebook ảnh hưởng đến cách một người nhìn nhận bản thân và người khác.
Các mạng xã hội này cung cấp bộ lọc mang lại cho mọi người vẻ ngoài "hoàn hảo", là gò má cao hay đôi môi đầy đặn, dù nó khác xa hình ảnh thực của họ.
Một số bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Nhật Bản như ông Aso cho rằng sự phổ biến của trào lưu mắt hai mí xuất phát từ ảnh hưởng bởi tiêu chuẩn nét đẹp phương Tây.
Nhưng Laura Miller, giáo sư nghiên cứu Nhật Bản và nhân chủng học tại Đại học Missouri ở St. Louis (Mỹ), không cho rằng người trẻ xứ Phù Tang chọn phẫu thuật mắt vì muốn "giống người da trắng".
Trong nghiên cứu của mình về chủ đề này, Miller chưa bao giờ thấy một người trẻ Nhật Bản coi một người nước ngoài là hình ảnh lý tưởng.
"Thay vào đó, nhiều phụ nữ tin rằng phẫu thuật sẽ giúp họ có được vẻ ngoài dễ thương hơn, giống với những người mẫu và nghệ sĩ nổi tiếng của Nhật Bản", Miller chia sẻ với VICE World News trong một email.
Tiêu chuẩn đẹp đang được định hình bởi các ngôi sao mạng xã hội.
Các diễn viên và ca sĩ đã định hình tiêu chuẩn vẻ đẹp của một thế hệ theo truyền thống, nhưng mạng xã hội đang tạo ra một hình thức người nổi tiếng mới với quyền lực không kém: Influencer (những người có sức ảnh hưởng).
Nonoka Sakurai (33 tuổi), tên thật là Rie, là một người có sức ảnh hưởng về phẫu thuật thẩm mỹ. Từ năm 8 tuổi, cô đã luôn muốn phẫu thuật vì bị bạn bè trêu chọc có chiếc mũi to "như một con khỉ đột". Năm 18 tuổi, cô lần đầu đụng dao kéo.
Sau hơn 10 năm, với số tiền 25 triệu yen (171.801 USD) chi cho các cuộc phẫu thuật, Nonoka cho biết đã tự tin hơn rất nhiều vào ngoại hình của mình.
"Tôi từng thấy không an toàn vì không được lòng nam giới ở trường", cô nói.
Nonoka nhận ra mình không được yêu thích vì vẻ ngoài xấu xí, vì vậy cô quyết tâm làm phẫu thuật.
"Nhờ có phẫu thuật thẩm mỹ, tôi có thể ngẩng cao đầu bước đi", Nonoka bày tỏ. Cô hiện là Influencer kiêm quản lý một quán bar dành cho phụ nữ, nơi khách hàng tương tác và trò chuyện với phụ nữ hấp dẫn.
Thực tế, chuyện kiếm tiền từ ngoại hình không màu hồng như bức tranh mà Nonoka vẽ ra cho những người theo dõi mình. Cô nói rằng phải chạy theo nhiều xu hướng thẩm mỹ mới trong bối cảnh chuyện dao kéo ngày càng lan rộng và được chấp nhận.
"Mọi người thường nói rằng khuôn mặt của tôi đã lỗi thời", cô gái 33 tuổi nói.
Đôi khi, những bình luận kiểu đó đến từ các tài khoản ẩn danh trên mạng. Một số ý kiến đến từ khách hàng ở quán bar của cô, họ nói thích khuôn mặt cô từ 5 cuộc phẫu thuật trước đó.
Chạy theo các xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ mới khiến Nonoka mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần. Sụn được đưa vào mũi cô rồi tháo ra sau ít tháng. Sillicon được bơm khắp người cô. Việc gây mê và hồi phục sau phẫu thuật nhiều khi gây đau đớn đến mức cô ước mình đã chết.
Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.