Phẫu thuật đặt túi độn ngực là giải pháp giúp rất nhiều phụ nữ “màn hình phẳng” trở nên tự tin và nhờ đó chất lượng sống của họ cũng được cải thiện. Tuy nhiên, không ít người khác bị biến chứng, phải đi cấp cứu, thậm chí mất mạng vì những sự cố xảy ra trong và sau phẫu thuật.
Do đó, các chuyên gia sức khỏe và phẫu thuật thẩm mỹ luôn khuyến cáo, chị em trước khi đi nâng ngực cần tìm hiểu kỹ về phương pháp này, về nơi mình sẽ “chọn mặt gửi vàng” và nhất thiết phải biết rõ tình trạng sức khỏe của mình có phù hợp hay không.
Những ai không nên làm phẫu thuật nâng ngực? Trước hết, đó là phụ nữ mang thai hoặc có khối u ở ngực.
Các trường hợp không nên phẫu thuật nâng ngực
- Phụ nữ mang thai: Theo các chuyên gia, không chỉ phẫu thuật nâng ngực, thai phụ không nên thực hiện bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, trừ các trường hợp khẩn cấp được bác sĩ chỉ định.
- Người bị tiểu đường
- Người có bệnh tim mạch
- Người mắc bệnh máu khó đông
- Người có khối u ở ngực
- Người nhiễm viêm gan B, HIV
Để phòng biến chứng nguy hiểm, chị em muốn phẫu thuật nâng ngực còn phải cho bác sĩ biết bệnh sử của mình và tiền sử dùng thuốc nhằm tránh sốc phản vệ.
Biến chứng nào có thể xảy ra khi phẫu thuật nâng ngực?
- Chảy máu: Có thể chảy máu sau mổ do khi phẫu thuật, bác sĩ thực hiện cầm máu không tốt, do bệnh nhân đi lại quá sớm hay có các chấn động khác.
- Nhiễm trùng: Nguyên nhân thường là công tác chống nhiễm khuẩn không được thực hiện tốt, chăm sóc sau mổ không chuẩn.
- Ngực bên cao bên thấp, bên to bên nhỏ: Đây là loại biến chứng muộn thường được phát hiện sau mổ từ vài tuần đến vài tháng khi ngực hết sưng. Nguyên nhân thường do phẫu thuật không chuẩn. Trường hợp ngực lệch do co thắt bao xơ thường xuất hiện sau 6 tháng đến 1 năm, có thể do phẫu thuật, do loại túi ngực hay cơ địa bệnh nhân. Cách xử lý là phá bỏ bao xơ hoặc lấy túi ngực ra.
Để hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra biến chứng, bạn cần chọn cơ sở thẩm mỹ uy tín. Đừng ngại hỏi xem giấy phép thực hiện phẫu thuật này.