Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bất thường gói thầu mua sắm thiết bị y tế nhiều tỷ đồng ở Hà Tĩnh

(VTC News) -

Gói thầu mua sắm máy giặt, máy sấy công nghiệp phục vụ các Bệnh viện Đa khoa ở Hà Tĩnh có giá cao gấp nhiều lần so với thực tế.

Vừa qua, PV nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc gói thầu mua sắm máy giặt, máy sấy công nghiệp phục vụ các Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) trên địa bàn Hà Tĩnh có giá cao gấp nhiều lần thực tế khiến dư luận bức xúc. Theo nguồn tin của PV, Công an tỉnh Hà Tĩnh đang vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc này.

5 bộ máy giặt, sấy giá hơn 14 tỷ đồng

Theo đó, sau khi có tờ trình của giám đốc các bệnh viện, Báo cáo thẩm định và đề xuất của của Sở Tài chính, tháng 11/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định hỗ trợ kinh phí để mua sắm trang thiết bị máy giặt, máy sấy cho Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Thạch Hà, BVĐK Can Lộc, BVĐK Đức Thọ và BVĐK Hương Sơn, mỗi bệnh viện 3,05 tỷ đồng.

Tiếp đó, vào tháng 8/2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh lại hỗ trợ 2,7 tỷ đồng cho BVĐK Nghi Xuân để mua sắm trang thiết bị máy giặt, máy sấy, phục vụ việc giặt giũ, chăm sóc bệnh nhân.

Máy giặt Model HSCW-ES35 và máy sấy Model HSCD-ES45 được mua với giá 3 tỷ đồng. (Ảnh chụp tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà)

Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư là các bệnh viện nói trên tổ chức mời thầu dưới hình thức đấu thầu rộng rãi.

Tuy nhiên, điều đáng nói là, cả 5 gói thầu mua sắm trang thiết bị máy giặt, máy sấy chỉ duy nhất Công ty Cổ phần Đầu tư Trang thiết bị Y tế Hà Tĩnh (có trụ sở tại số 85, đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) trúng thầu.

Theo Quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu mua sắm trang thiết bị máy giặt, máy sấy công nghiệp của một trong 5 bệnh viện, danh mục hàng hóa gồm 1 máy giặt vắt, nhãn hiệu Model HSCW-ES35 và 1 máy sấy đồ vải nhãn hiệu Model HSCD-ES45, hãng sản xuất HS Cleantech, cùng xuất xứ từ Hàn Quốc.

Cũng theo Quyết định này, giá đề nghị trên hợp đồng là 3 tỷ đồng. Trong đó máy giặt là 1,7 tỷ đồng, còn máy sấy là 1,3 tỷ đồng. Điều này cũng được giám đốc một bệnh viện khác xác nhận: “Giá mua máy giặt, máy sấy công nghiệp của các đơn vị (các bệnh viện - PV) trên địa bàn đều giống nhau”.

Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được UBND tỉnh phê duyệt.

Đến thời điểm hiện tại, các bệnh viện nói trên đều được cung cấp 1 máy giặt công suất 35kg và 1 máy sấy công nghiệp có nhãn hiệu PAROS HS Cleantech công suất 45kg, có xuất xứ từ Hàn Quốc.

Riêng BVĐK Nghi Xuân, do được phê duyệt kế hoạch mua sắm vào tháng 8/2019 (muộn hơn 9 tháng so với đợt 1) nên số tiền mua sắm gói thầu nói trên là 2,597 tỷ, trong đó máy giặt là 1,372 tỷ đồng, máy sấy là 1,225 tỷ đồng.

Ông Lê Viết Hùng – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân thông tin: “Theo kế hoạch ban đầu, UBND tỉnh cấp cho BVĐK Nghi Xuân 2,7 tỷ đồng nhưng sau đó chỉ rót nguồn về 2,5 tỷ. Khi đấu thầu, Công ty Cổ phần Đầu tư Trang thiết bị Y tế Hà Tĩnh trúng với giá 2,65 tỷ đồng, nhưng do không đủ tiền nên Bệnh viện Nghi Xuân đã thương thảo và được giảm xuống còn 2,597 tỷ đồng. Hiện tại đã trả được 2,5 tỷ, còn 97 triệu đồng chưa có nguồn để trả”.

Thông tin được đăng tải trên DauThau.Info

Giá nêu trên là giá trọn gói, đã bao gồm các loại thuế theo quy định hiện hành của nhà nước và các chi phí, bao gồm cả chi phí vận chuyển hàng hóa đến địa điểm theo yêu cầu của chủ đầu tư, chi phí lắp đặt, hướng dẫn sử dụng, đào tạo, bảo hành hàng hóa, thiết bị.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, vào thời điểm tháng 9/2020, máy giặt công nghiệp Model HSCW-ES35, hãng sản xuất HS Cleantech, xuất xứ từ Hàn Quốc có giá cao nhất là 352 triệu đồng; máy sấy công nghiệp Model HSCD-ES45, hãng sản xuất HS Cleantech, xuất xứ từ Hàn Quốc có giá 182 triệu đồng.

Hai máy giặt, máy sấy công nghiệp nói trên có tổng giá trị trước thuế là 534 triệu đồng, giá trị sau thuế là 587,4 triệu đồng. Trong khi đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh phải chi ngân sách nhà nước từ 2,5 tỷ đến 3 tỷ đồng để mua một cặp máy tương tự.

Sự chênh lệch giữa giá bán máy giặt, máy sấy công nghiệp trên thị trường và số tiền thanh toán mà các bệnh viện đã chi trả để mua sắm thiết bị y tế là rất lớn. 

Báo cáo thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Sở Tài chính Hà Tĩnh.

Quy trình đầy đủ?

Làm việc với PV, Giám đốc các bệnh viện cho biết, họ đều mới tiếp nhận công tác sau này nên không nắm được thông tin cụ thể.

Khi PV đề nghị được tiếp cận hồ sơ về gói thầu, quá trình đấu thầu và trúng thầu, bảng báo giá, kế hoạch giải ngân, lãnh đạo các bệnh viện nói trên thông tin rằng hồ sơ đã được Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Hà Tĩnh lập biên bản đưa về phục vụ công tác điều tra.

Công ty Cổ phần Đầu tư Trang thiết bị Y tế Hà Tĩnh trúng hàng loạt gói thầu mua sắm máy giặt máy sấy công nghiệp gây xôn xao dư luận.

Trong khi đó, một cán bộ Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Hiện đơn vị đang làm, không thể cung cấp thông tin”.

Để hiểu rõ hơn về bản chất vấn đề, PV đã liên hệ với Giám đốc các bệnh viện đã nghỉ hưu. Ông Trần Văn Nhân - Nguyên Giám đốc Bệnh viện huyện Đức Thọ chia sẻ: “Quy trình làm đầy đủ, được công khai trên mạng. Thấy các công ty báo giá rồi đấu thầu chứ không nắm được giá thị trường. Từ chỗ không có gì mà mình có cái máy là mừng rồi”.

Theo nguồn tin riêng của PV cho biết, Kho bạc Nhà nước các huyện liên quan đã giải ngân toàn bộ số tiền để mua sắm máy giặt, máy sấy công nghiệp cho các bệnh viện. Tổng số tiền đã giải ngân hơn 14 tỷ đồng.

Máy giặt Model HSCW-ES35 và máy sấy Model HSCD-ES45 có giá trên thị trường chưa đến 600 triệu đồng (Ảnh chụp tại bệnh viện Can Lộc).

Để làm rõ hơn về những uẩn khúc của gói thầu mua sắm máy giặt, máy sấy công nghiệp cho các bệnh viện, PV đã trực tiếp làm việc với Sở Y tế Hà Tĩnh.

Ông Lê Quang Phong, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Y tế) cho biết: “Việc mua sắm này các đơn vị không đề xuất và không gửi hồ sơ lên Sở Y tế. Họ xin Ủy ban, Sở Tài chính hay kênh nào đó chứ không gửi trực tiếp đề xuất lên Sở cho nên Sở không đề xuất lên tỉnh”.

May ra thì chỉ có huyện Nghi Xuân nhưng họ không trình qua đây. UBND tỉnh giao cho Sở Tài chính chủ trì nên có xin ý kiến của đơn vị. Sở Y tế chỉ có ý kiến là nhu cầu của các bệnh viện rất cần thiết”, ông Phong nói thêm.

Cũng theo ông Phong, kể cả khi các bệnh viện có xin chủ trương của Sở Y tế, sau này khi được giao làm Chủ đầu tư thì các bệnh viện này phải chịu trách nhiệm. 

Báo cáo thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Sở Tài chính Hà Tĩnh.

Bà Đinh Thị Tình, Chuyên viên Phòng Giá và Công sản (Sở Tài chính Hà Tĩnh), đơn vị trực tiếp có báo cáo thẩm định và đề xuất với UBND tỉnh cho biết: “Về giá thiết bị, trong báo cáo thẩm định về giá, chúng tôi căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của Công ty TNHH Tư vấn và Thẩm định giá Toàn Cầu (Công ty này được Bộ Tài chính công nhận là Công ty thẩm định giá), chứ Sở không trực tiếp thẩm định giá”.

“Việc của Sở là thẩm định phần nguồn thì đã có nguồn, phần giá thì đã có đơn vị thẩm định giá (Công ty Toàn Cầu). Riêng về hình thức lựa chọn nhà thầu, đơn vị đề xuất chào hàng cạnh tranh nhưng chúng tôi thấy không hợp lý với quy định của luật nên đề xuất đấu thầu rộng rãi”, bà Tình nói thêm.

Cũng theo bà Tình, tại khoản 2, Điều 11, thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính quy định, khi lập và xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, cần căn cứ vào một trong nhiều tài liệu.

Sở Tài chính căn cứ vào kết quả thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá Toàn Cầu. Theo quy định của luật thì đơn vị thẩm định giá Toàn Cầu phải chịu trách nhiệm.

Báo cáo thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Sở Tài chính Hà Tĩnh.

Thời điểm phê duyệt hồ sơ và đề xuất lên UBND tỉnh, Sở Tài chính không nắm được giá thực tế của thiết bị.

“Thực ra mình có thể gọi điện hỏi nhưng không được vì họ không cung cấp. Còn trên địa bàn Hà Tĩnh thì không có những trang thiết bị đó để tham khảo”, bà Tình chia sẻ.

Để rõ hơn về giá các gói thầu mua sắm máy giặt, máy sấy, PV nhiều lần liên lạc với bà Mai Thị Hoa, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Trang thiết bị Y tế Hà Tĩnh nhưng bất thành.

Nhóm PV

Tin mới