Liên quan tới vụ việc BMS nâng khống, chiếm đoạt tiền bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai, GS.TS Nguyễn Quốc Anh - nguyên giám đốc bệnh viện thời điểm đó, cho hay đúng là năm 2017 đơn vị có đưa 2 thiết bị robot Rosa và robot Mako của BMS về sử dụng với giá lần lượt là 39 và 44 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Quốc Anh khẳng định không có “lợi ích nhóm” hay “lợi ích cá nhân” nào ở Bệnh viện Bạch Mai và cũng “không ai được hưởng xu nào” trong việc trên.
“Ngay cả tiền khấu hao máy công ty BMS cũng thu về chứ không có chuyện bệnh viện chia chác. Chúng tôi không hề biết giá thiết bị được nhập về được nâng khống. Vụ việc này xảy ra, chúng tôi cũng rất buồn. Nhưng bệnh viện cũng chỉ là nạn nhân”, ông Quốc Anh nói.
Về việc thẩm định giá, Bệnh viện Bạch Mai lúc đó đã thuê đơn vị thẩm định và làm đúng theo quy định. Mức giá mà BMS đưa ra trên giấy tờ với robot Rosa là 39 tỷ, lúc báo giá với bệnh viện cũng là 39 tỷ. Bệnh viện Bạch Mai cũng thuê đơn vị thẩm định theo thông tư 15 của Bộ Y tế.
Về robot Mako, đây là thiết bị xã hội hóa được BMS đầu tư 100%. Bệnh viện căn cứ vào các chứng từ thẩm định giá để tạo nên giá thành và xây dựng giá điều trị cho bệnh nhân sau này chứ không có chuyện “lợi ích nhóm”.
Bệnh viện Bạch Mai đưa vào triển khai sử dụng hệ thống robot Rosa và Mako vào tháng 3/2017. (Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai).
Hiện Bệnh viện Bạch Mai niêm phong toàn bộ số máy móc, thiết bị liên quan đến công ty BMS để phục vụ cho công tác điều tra.
Thông tin thêm, ông Dương Đức Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vụ lãnh đạo BMS đang bị cơ quan điều tra vụ nâng khống nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế và bán cho bệnh viện nhằm chiếm đoạt tiền của người bệnh, ông cũng chỉ biết thông tin như báo chí đã đưa.
"Đến nay lãnh đạo bệnh viện chưa nhận được bất cứ thông tin gì do cơ quan điều tra cung cấp", ông Hùng nói.
Tuy nhiên, quan điểm của bệnh viện là phối hợp tốt với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ việc. “Khi biết thông tin trên, bệnh viện rất sốc. Nhưng hiện tại mọi thông tin, bệnh viện chưa nắm được nhiều, bởi các bằng chứng đều do cơ quan điều tra giữ. Quan điểm của bệnh viện là khi đủ bằng chứng thì sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, quá trình Bệnh viện Bạch Mai mua thiết bị có bên thứ 3 thẩm định về chuyên môn và giá cả, chứ bệnh viện không đủ khả năng chuyên môn để xác định giá chính xác. Một số thiết bị mới được đưa vào sử dụng tại bệnh viện lần đầu từ tháng 3/2017 như robot Rosa, nhưng hoạt động chưa được ổn định nên dẫn đến việc số bệnh nhân có nhu cầu phẫu thuật này không cao. Vì vậy bệnh viện đang tạm dùng sử dụng.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đang điều tra vụ việc liên quan đến một số hành vi có dấu hiệu tội phạm trong việc thực hiện các đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa.
Kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, một số cá nhân tại Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS) có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh.
Ngày 31/8, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS và các đơn vị có liên quan.
Đồng thời, đơn vị này ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Đức Tuấn (SN 1979, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty BMS), Ngô Thị Thu Huyền (SN 1983, Phó Giám đốc Công ty BMS) và ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Lê Hoàng (SN 1978, Thẩm định viên Công ty VFS).
Các bị can trên đều bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.