Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bao nhiêu nước dừng tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca?

Không chỉ châu Âu, một số quốc gia Đông Nam Á cũng có động thái thận trọng trước sản phẩm do AstraZeneca sản xuất.

Nhiều trường hợp gặp tác dụng phụ nghiêm trọng, đông máu, tử vong sau khi tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca. Trước tình hình này, các quốc gia châu Âu và Đông Nam Á quyết định dừng tiêm chủng sản phẩm này.

Đến nay, hàng triệu người tại Anh và nhiều nơi trên thế giới đã tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca. Cơ quan này cũng khẳng định sản phẩm của họ không liên quan các ca tử vong, tình trạng đông máu hay tác dụng phụ nghiêm trọng đã từng ghi nhận tại một số nước. Dữ liệu đánh giá trên 17 triệu người được tiêm chủng ở Anh và Liên minh Châu Âu.

WHO kêu gọi các nước tiếp tục sử dụng vaccine COVID-19. Dù vậy, nhiều nước vẫn tỏ ra rất thận trọng và e dè. Tính đến tối 15/3, 14 quốc gia, vùng lãnh thổ quyết định tạm dừng sử dụng vaccine COVID-19 của AstraZeneca.

Đức

Reuters dẫn lời phát ngôn viên của Bộ Y tế Đức tối 15/3 cho biết quốc gia này sẽ dừng sử dụng vaccine COVID-19 do AstraZeneca sản xuất. Trong họp báo vào 16h ngày 15/3 (theo giờ địa phương), Bộ Y tế Đức cho biết quyết định đình chỉ nói trên được coi là "biện pháp phòng ngừa" và dựa trên khuyến cáo của Viện Paul Ehrlich, tức cơ quan quản lý vaccine quốc gia Đức.

Bộ Y tế Đức đồng thời cho biết Cơ quan Dược phẩm châu Âu sẽ quyết định “liệu ​​thông tin mới có ảnh hưởng việc cấp phép vaccine hay không và ảnh hưởng thế nào".

Tuần trước, Lothar Wieler, Giám đốc Viện các bệnh truyền nhiễm Robert Koch của Đức, thông tin không có bằng chứng cho thấy người tiêm vaccine này có khả năng mắc bệnh về máu cao hơn. Dù vậy, họ vẫn lựa chọn nước đi thận trọng.

AstraZeneca khẳng định sản phẩm của họ không liên quan các ca tử vong, tình trạng đông máu. (Ảnh: Luca Zennaro/EPA-EFE)

Pháp

Cùng ngày với Đức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo nước này sẽ dừng chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 của AstraZeneca và chờ đánh giá từ Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA). Dự kiến, báo cáo được công bố vào chiều 16/3.

"Chúng tôi quyết định dừng sử dụng vaccine của AstraZeneca như một biện pháp phòng ngừa và hy vọng sẽ nhanh chóng tiếp tục nếu EMA khuyến khích", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết tại cuộc họp báo tối 15/3.

Indonesia

Bộ trưởng Y tế Indonesia hôm 15/3 cho biết nước này sẽ trì hoãn việc tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca do báo cáo về tình trạng đông máu ở một số người dân tại châu Âu. Ông Budi Gunadi Sadikin, Bộ trưởng Y tế Indonesia, cho biết: “Để thận trọng, chúng tôi sẽ chờ kết quả thẩm định từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)".

Thông tin này nhiều khả năng sẽ khiến kế hoạch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở Indonesia thêm khó khăn. Quốc gia này đang chịu áp lực về số ca mắc COVID-19 rất lớn với hơn 1,42 triệu người. Trong đó, hơn 38.400 trường hợp đã tử vong.

Trước đó, Indonesia nhận được 1,1 triệu liều vaccine của AstraZeneca thông qua chương trình chia sẻ vắc xin COVAX toàn cầu. Dự kiến, nước này nhận thêm 10 triệu liều nước trong 2 tháng tới.

WHO khuyến cáo các nước nên tiếp tục kế hoạch tiêm chủng với vaccine của AstraZeneca. Ảnh: Getty.

Hà Lan

Ngày 14/3 (theo giờ địa phương), chính phủ Hà Lan thông báo sẽ ngưng sử dụng vaccine COVID-19 của AstraZeneca đến ngày 29/3. Tương tự Indonesia, quyết định này của Hà Lan sẽ khiến kế hoạch tiêm chủng chững lại. Dù vậy, giới chức y tế vẫn lo ngại các báo cáo về tác dụng phụ nên chọn cách an toàn, thận trọng với vaccine Covid-9 này.

Chỉ sau vài giờ tạm dừng kế hoạch trên, Cơ quan Giám sát Dược phẩm Hà Lan ghi nhận một số trường hợp gặp cục máu đông hậu tiêm vaccine. Tuy nhiên, họ không nhận thấy tình trạng hạ tiểu cầu cấp như nạn nhân ở Đan Mạch, Na Uy.

Bộ Y tế Hà Lan cũng cho biết hiện chưa có bằng chứng về mối liên hệ trực tiếp giữa vaccine và các ca đông máu được ghi nhận từ Đan Mạch và Na Uy. Hà Lan sẽ chờ đợi kết quả điều tra từ Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA). "Chúng tôi muốn đảm bảo mọi thứ đều đúng đắn, vì vậy, việc tạm ngừng tiêm chủng là quyết định phù hợp", Bộ trưởng Y tế Hà Lan Hugo de Jonge cho hay.

Trước đó, Hà Lan đặt hàng 12 triệu liều vaccine của AstraZeneca. Chính phủ lên lịch tiêm 290.000 liều cho người dân vào nửa sau của tháng. Vaccine COVID-19 đang rất cần cho công cuộc khống chế dịch COVID-19 ở Hà Lan. Theo Worldometers, nơi này đã ghi nhận 1,15 triệu ca dương tính với SARS-CoV-2, hơn 16.000 trường hợp tử vong.

Ireland

Cùng ngày với Hà Lan, Ireland cũng quyết định tương tự, đưa ra sau khi Ủy ban Tư vấn tiêm chủng Quốc gia (NIAC) của nước này khuyến cáo việc hoãn tiêm vaccine từ AstraZeneca. Ông Ronan Glynn, Phó giám đốc Bộ Y tế Ireland, cho biết họ đã nhận được một số báo cáo về hiện tượng đông máu tương tự trường hợp ghi nhận tại châu Âu nhưng không nghiêm trọng như ở Na Uy.

Thông báo của giới chức Ireland gọi đây là quyết định "hết sức thận trọng". Ông Ronan cũng hy vọng sau một tuần, họ có thể nhìn thấy những tín hiệu khả quan hơn.

Hàng triệu người tại Anh và nhiều nơi trên thế giới đã tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Ảnh: Guardian.

Italy

Vùng Piedmont, miền bắc của Italy hôm 14/3 cho biết họ sẽ ngừng triển khai đợt tiêm chủng vaccine COVID-19 sau khi ghi nhận một giáo viên tử vong. Cơ quan y tế đang cách ly lô vaccine và điều tra.

Các chuyên gia sẽ đưa ra câu trả lời liệu có mối liên quan nào giữa ca tử vong này với vaccine mà nạn nhân vừa tiêm hay không. Hiện tại, thông báo không nói rõ lô vaccine mà nữ giáo viên trên tiêm là gì cũng như nguyên nhân của cái chết.

Trước đó vài ngày, Cơ quan Quản lý Dược phẩm AIFA của Italy đã cấm sử dụng vaccine mang số liệu ABV2856 do AstraZeneca sản xuất. Quyết định được đưa ra khi hai người đàn ông ở Sicily tử vong sau tiêm vaccine COVID-19 này.

Sau đó, toàn bộ vaccine của AstraZeneca bị tạm ngừng sử dụng trên toàn nước Italy. Đây là biện pháp tạm thời và để đề phòng trong khi chờ báo cáo của EMA.

Bungari

Bulgaria tạm dừng tiêm chủng vaccine vào ngày 12/3 vì nhận được thông tin một phụ nữ 57 tuổi tử vong vài giờ sau khi tiêm. Bà được cho là qua đời vì trụy tim. Khi khám nghiệm tử thi, cơ quan pháp y không tìm thấy cục máu đông.

Thủ tướng Bungari Boyko Borissov cho biết việc triển khai AstraZeneca sẽ bị tạm dừng “cho đến khi mọi nghi ngờ được xóa bỏ và các chuyên gia đưa ra bằng chứng về việc nó không gây rủi ro cho người dân".

Cộng hòa Dân chủ Congo

Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) ngày 12/3 phát ra thông báo trì hoãn tiêm phòng vaccine của AstraZeneca vì một số tác dụng phụ nghiêm trọng tại châu Âu. DRC đã nhận được 1,7 triệu liều thông qua chương trình COVAX vào ngày 2/3. Tuy nhiên, quốc gia này chưa bắt đầu chương trình tiêm chủng.

“Chúng tôi nhận thấy một số quốc gia tại châu Âu tạm dừng sử dụng vaccine. Chúng tôi sẽ kiểm tra về vấn đề này trước khi đưa ra quyết định khác", người phát ngôn của Bộ Y tế Congo trả lời hãng tin Reuters.

Thái Lan

Đây là quốc gia đầu tiên bên ngoài châu Âu quyết định hoãn tiêm vaccine của AstraZeneca vào ngày 12/3 - ngày thủ tướng nước này định tiêm mũi đầu tiên.

Tuy nhiên, quyết định trên chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Chỉ sau 3 ngày, chính phủ Thái Lan thông báo kế hoạch tiêm phòng sẽ tiếp tục. Sáng 16/3, người tiêm đầu tiên là Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, theo sau đó là các bộ trưởng trong nội các.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết các quan chức y tế nước này đã họp vào ngày 15/3 để thông qua việc phê duyệt chất lượng vaccine COVID-19 của hãng AstraZeneca. Nếu đạt chuẩn, vaccine sẽ được tiêm cho các quan chức trong nội các. Ông Anutin cho biết nhiều quốc gia đã xác nhận vaccine không có vấn đề về tác dụng phụ gây đông máu, và họ sẽ tiếp tục sử dụng vaccine này.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cầm hai lọ vaccine Sinovac tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok hôm 22/2. Ảnh: Xinhua.

Romania

Ngày 11/3, Romania tạm dừng tiêm chủng vaccine cho người dân sau khi nhận thấy Italy có động thái tương tự. Quốc gia này nhập cùng lô vaccine với Italy. Giới chức y tế cho biết đây là biện pháp phòng ngừa rất thận trọng để chờ EMA hoàn thành cuộc điều tra về các ca gặp biến chứng sau tiêm tại một số nước.

Theo Straits Times, Romania đã báo cáo 5.236 người nhiễm nCoV mới vào ngày 12/3. Đây là con số cao nhất trong năm nay mà quốc gia nahỳ ghi nhận. Hơn 1,1 triệu người Romania đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech, Moderna và AstraZeneca.

Iceland

Cùng ngày Romania, Iceland cũng đưa ra quyết định tạm dừng với vaccine COVID-19. Cơ quan y tế nước này lo lắng về tình trạng tử vong, đông máu sau tiêm vaccine tại Đan Mạch. Vì vậy, họ cũng chờ kết quả điều tra của EMA trước khi có thông báo mới.

Đây là một trong số những nước chấp nhận chứng nhận tiêm vaccine COVID-19. Nhờ chứng nhận này, "những người được phép vào Iceland được bỏ qua các yêu cầu kiểm dịch".

Đan Mạch

Ngày 11/3, Đan Mạch phát thông báo ngừng sử dụng vaccine COVID-19 từ AstraZeneca trong 2 tuần. Đây cũng là quốc gia ghi nhận một trường hợp tử vong vì cục máu đông sau khi tiêm vaccine.

Cơ quan Dược phẩm Đan Mạch đánh giá nạn nhân có các triệu chứng “rất bất thường” như số lượng tiểu cầu trong máu thấp, cục máu đông ở mạch lớn, nhỏ và xuất huyết.

Na Uy

Là quốc gia thứ 2 tuyên bố ngừng sử dụng vaccine COVID-19 của AstraZeneca, Na Uy đã ghi nhận một số người gặp tác dụng phụ sau tiêm. Ngày 13/3, Cơ quan Y tế Na Uy tiết lộ 3 nhân viên y tế dưới 50 tuổi phải nhập viện sau khi tiêm vaccine của hãng trên, được đánh giá là "rất bất thường".

Steinar Madsen, Giám đốc Y tế, Cơ quan Thuốc Na Uy, trả lời phỏng vấn của đài truyền hình NRK: “Họ có triệu chứng rất bất thường, gồm xuất huyết, đông máu và hạ tiểu cầu cấp. Nói chung, họ khá yếu. Chúng tôi rất quan tâm vấn đề này”.

Trong cuộc họp báo ngày 13/3 do Viện Y tế Công cộng Na Uy tổ chức, bác sĩ Sigurd Hortemo, đại diện Cơ quan Thuốc Na Uy, cho biết: “Chúng tôi chưa rõ liệu những trường hợp này có liên quan vaccine COVID-19 hay không”.

Áo

Trước khi Đan Mạch và Na Uy ngừng triển khai vaccine, ngay từ ngày 7/3, Áo là quốc gia đầu tiên có quyết định rất thận trọng. Chính phủ nước này tạm dừng tiêm phòng sau khi một trường hợp tử vong do rối loạn đông máu và bệnh do thuyên tắc phổi. Estonia, Latvia, Lithuania và Luxembourg cũng đình chỉ việc sử dụng lô hàng vaccine do Áo sản xuất.

Nguồn: Zing News

Tin mới