Ngày 12/3, giáo sư, tiến sĩ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, hiện Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào bị đông máu sau khi tiêm AstraZeneca, vì vậy, chương trình tiêm chủng vẫn diễn ra theo kế hoạch.
“Hôm nay là ngày thứ 5 chúng ta triển khai tiêm vaccine AstraZeneca. Dù tiêm cho khoảng 1.600 người ở 9 tỉnh/thành phố nhưng chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp nào gặp hiện tượng đông máu. Do đó, chương trình tiêm chủng vẫn sẽ diễn ra theo kế hoạch. Song song với đó, ngành y tế cũng đang tiếp tục theo dõi sát những phản ứng sau khi tiêm nếu có”, ông Đức Anh nói.
Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào gặp hiện tượng đông máu sau khi tiêm vaccine AstraZeneca.
Theo báo cáo của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia, tính tới cuối giờ chiều 11/3, sau 4 ngày ngành y tế tiêm vaccine COVID-19 cho 1.585 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng.
Trong đó, Hải Dương: 293 người; TP. Hà Nội: 163 người; Hưng Yên: 69 người; Bắc Ninh: 108 người; Bắc Giang: 187 người; TP. Hải Phòng: 61 người; TP. HCM: 474 người; Gia Lai: 200 người; Long An: 30 người.
Hiện trong khoảng gần 1.600 người được tiêm vaccine ghi nhận 6 trường hợp sốc phản vệ độ 2. Tuy nhiên, những trường hợp này đều được xử lý đúng theo phác đồ của Bộ Y tế và đều có sức khoẻ ổn định sau đó. Ngoài ra, một số nơi như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hải Dương, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) hay Gia Lai đều có báo cáo ghi nhận trường hợp gặp phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine.
Đánh giá việc triển khai tiêm vaccine COVID-19 diễn ra trong những ngày qua Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, mọi công tác đều đảm bảo an toàn, các trường hợp có phản ứng sau tiêm nằm trong tỷ lệ cho phép.
Công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch.
Theo quy định của Bộ Y tế, do vaccine phòng COVID-19 là vaccine mới, nên người được tiêm phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế. Mặt khác, các điểm tiêm chủng đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về lưu giữ và bảo quản vaccine, bố trí các khu vực chức năng (chỗ đón tiếp, nơi ngồi chờ, phòng khám sàng lọc, phòng tiêm, phòng theo dõi sau tiêm, phòng xử lý sốc phản vệ) theo quy tắc một chiều, được trang bị hộp chống sốc và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch.
Tất cả những người đi tiêm chủng đều được khám sàng lọc và phổ biến cách theo dõi sức khỏe và phản ứng sau tiêm, khi phát hiện những biểu hiện bất thường họ phải liên lạc với cơ sở y tế để được xử lý và điều trị kịp thời.
Theo Bộ Y tế, 13 tỉnh thuộc kế hoạch đợt 1 đang khẩn trương tổ chức tập huấn, triển khai kế hoạch đến các huyện thị và thực hiện các công tác chuẩn bị mở rộng diện triển khai tiêm vaccine từ cuối tuần này. Mặt khác, công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng và theo dõi phản ứng sau tiêm tiếp tục được thực hiện nghiêm túc tại tất cả các điểm tiêm chủng.
Những ngày qua trên thế giới tại một số quốc gia ghi nhận có hiện tượng đông máu sau khi tiêm vaccine AstraZeneca. Về việc này đã có khoảng 9 nước châu Âu như Na Uy, Đan Mạch, Iceland… có thông báo ngừng tiêm vaccine AstraZeneca. Tuy nhiên, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) ủng hộ tiếp tục tiêm chủng vaccine AstraZeneca. Hiện tại, các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang xem xét kỹ từng báo cáo tác dụng phụ vaccine Astra Zeneca.
AstraZeneca là vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Đây là vaccine do Công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển. Vaccine sử dụng vector virus mất khả năng sao chép được tạo ra từ chủng virus gây cúm thông thường tinh tinh được làm suy yếu (adenovirus), chứa vật chất di truyền của protein gai trên bề mặt virus SARS-CoV-2.
Sau khi tiêm vaccine, protein gai bề mặt được sản xuất, kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công virus SARS-CoV-2 nếu cơ thể bị nhiễm virus sau đó.
Vaccine AstraZeneca có thể được lưu trữ, vận chuyển và xử lý ở điều kiện lạnh thông thường (2-8 độC) trong ít nhất 6 tháng, cho phép sử dụng dễ dàng trong điều kiện cơ sở y tế hiện có.
Vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca được cấp phép có điều kiện hoặc phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp ở gần 50 quốc gia, trải dài trên bốn châu lục bao gồm Liên minh châu Âu (EU), một số quốc gia Mỹ Latinh, Ấn Độ, Moroco và Vương quốc Anh.