Trong một bài bình luận đăng trên tờ Forbes ngày 23/12, chuyên gia quân sự David Hambling nhận định việc quân đội Nga liên tiếp giới thiệu khả năng tấn công của các mẫu máy bay không người lái (UAV) do nước này tự phát triển trong vài tuần qua là một thông điệp cho thấy Moskva có thể làm được gì nếu xảy ra một cuộc xung đột với Ukraine.
Hambling cũng nhấn mạnh rằng, quân đội Nga sẽ cho phương Tây thấy lực lượng của họ không còn dựa vào các hệ thống vũ khí có từ thời Liên Xô.
Còn theo Samuel Bendett, chuyên gia nghiên cứu về công nghệ quốc phòng Nga cho biết, Bộ Quốc phòng Nga đang muốn cho phương Tây thấy những thành tựu của nước này trong việc phát triển các loại vũ khí công nghệ cao như UAV.
Cũng theo Hambling, sự phát triển của công nghệ chế tạo UAV có ý nghĩa quan trọng đối với Nga vì loại vũ khí này có thể Moskva đưa ra những lựa chọn phù hợp nếu họ muốn gián tiếp can thiệp vào tình hình ở miền đông Ukraine, hạn chế tối đa thương vong không đáng có về người.
Quân đội Nga cho thấy lực lượng máy bay không người lái của họ không hề thua kém phương Tây. (Ảnh: RIA)
UAV tàng hình có khả năng ném bom
Trong một đoạn video được truyền thông Nga đăng tải hôm 19/12, có thể thấy Bộ Quốc phòng Nga đang trong giai đoạn thử nghiệm hệ thống vũ khí trên mẫu UAV tấn công tàng hình S-70 Okhotnik (biệt danh Thợ săn). Cụ thể hơn S-70 thực hiện một số không kích bằng các loại bom thông dụng (bom ngu) nó được trang bị.
UAV S-70 được xem là thành tựu mới nhất của ngành công nghiệp hàng không Nga, không phải nước nào trên thế giới cũng có thể chế tạo một mẫu UAV tàng hình sử dụng động cơ đẩy phản lực. Công nghệ này chỉ Mỹ, Nga hoặc gần đây là Trung Quốc sở hữu.
Điều khá thú vị là dù thử nghiệm với một quả bom không dẫn đường nhưng S-70 vẫn có thể tấn công chính xác mục tiêu không khác gì một quả bom thông minh.
Trong khi các cường quốc phương Tây hầu hết dựa vào các loại tên lửa và bom thông minh, thì Nga lại có hướng đi khác khi tiếp tục sử dụng bom ngu trên hầu hết các dòng chiến đấu cơ và máy bay ném bom nhờ vào việc sử dụng hệ thống dẫn đường - ngắm bắn kiểu mới. Điều này giúp S-70 có thể thực hiện các cuộc tấn công có độ chính xác cao (sai lệch từ 3-5 m) kể cả khi sử dụng bom ngu.
S-70 Okhotnik trong đợt thử nghiệm ném bom gần đây. (Ảnh: Russia 1)
Việc ném bom chính xác cho phép máy bay không người lái của Nga tấn công số lượng lớn mục tiêu bằng các loại bom giá rẻ như FAB-500 thay vì đổ tiền vào các dòng bom thông minh đắt đỏ. Trong khi đó bom ngu gần như không chịu ảnh hưởng từ các hệ thống áp chế của kẻ thù, vốn có thể khiến hệ thống dẫn đường trên một số dòng bom thông minh bị sai lệch.
Cũng phải nói thêm rằng ngoài khả năng ném bom, S-70 vẫn có thể mang theo nhiều loại vũ khí khác, gồm một số loại tên lửa không đối đất và không đối không.
Người Nga vẫn còn nhiều sự lựa chọn
Bên cạnh UAV S-70, quân đội Nga còn nhiều mẫu UAV tấn công hiện đại khác, điển hình như Sokol Altius (tầm xa), Kronshtadt Orion (tầm trung) và Forpost (tầm ngắn). Trong đó, Orion được ví như mẫu UAV tấn công MQ-1 Predator nổi tiếng của Mỹ, khi nó có thể mang thể mang theo các loại tên lửa tấn công hoặc bom dẫn đường khác nhau.
Vừa qua, quân đội Nga cũng cho phô diễn khả năng của Orion khi công bố đoạn video ghi lại cảnh nó bắn hạ một UAV khác ngay trên không bằng tên lửa chống tăng dẫn đường, điều không phải máy bay không người lái nào cũng làm được. Đây là lần đầu tiên khả năng này được thể hiện, giúp UAV Nga có thể không chiến.
Video: UAV Orion lần đầu tiên bắn hạ một máy bay khác bằng tên lửa chống tăng
Một số nhà bình luận cho rằng đây là câu trả của Moskva cho việc Ukraine mua các máy bay tấn công không người lái Bayraktar TB-2 từ Thổ Nhĩ Kỳ, Moskva sẽ không để yên cho UAV Ukraine tự tung tự tác ở Donbass. Bên cạnh các hệ thống phòng không tiên tiến, lực lượng thân Nga hoàn toàn có thể sử dụng UAV để tìm và diệt Bayraktar TB-2.
Mặt khác sự chuẩn bị này cho thấy Nga đã có đánh giá toàn diện về những điều đã xảy ra trong các cuộc chiến gần đây họ tham gia, như Syria, Lybia và Nagorno-Karabakh. Vai trò của UAV trong các cuộc xung đột này là rất lớn khi chúng có thể làm thay đổi cục diện chiến trường.
“Cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh năm ngoái thực sự khiến Bộ Quốc phòng Nga nhận thấy nước này cần có các hệ thống máy bay không người lái khác nhau trong kho vũ khí của họ”, Bendett cho biết.
Sự chủ động của Bộ Quốc phòng Nga trong việc giới thiệu các mẫu UAV mới cũng có thể đến từ việc họ cảm thấy cần quảng bá nhiều hơn các công nghệ máy bay không người lái đang được Nga phát triển, giống như cách Thổ Nhĩ Kỳ từng làm thông qua các cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Việc ít xuất hiện mang đến cảm giác UAV Nga chưa thực sự sẵn sàng để chiến đấu dù quá trình phát triển đã kết thúc từ lâu.