Nga bắt đầu sản xuất vaccine COVID-19 vào tháng 11
Trong cuộc phỏng vấn trên trên kênh truyền hình Rossiya-1, Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu virus học và công nghệ sinh học Vector Rinat Maksyutov cho biết Nga đang có kế hoạch sản xuất vaccine COVID vào tháng 11 tới.
"Chúng tôi dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vào tháng 11 năm nay. Vì vậy, gần cuối năm và đầu năm tới, chúng tôi có thể nói về việc chuyển sang tiêm phòng cho những người thuộc các nhóm rủi ro cao sang tiêm phòng đại trà", ông Maksyutov cho hay.
Nga bắt đầu sản xuất vaccine COVID-19 vào tháng 11. (Ảnh: Reuters)
Hãng tin Interfax cuối tuần trước dẫn lời Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết, Viện nghiên cứu Gamaleya ở Matxcơva đã hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng về vaccine chống COVID-19.
Theo ông Murashko, các bác sỹ và giáo viên sẽ là những người đầu tiên được tiêm phòng.
"Cùng với đó, chúng tôi đang lên kế hoạch tiêm chủng diện rộng vào tháng 10", ông này cho hay.
Trước đó, giới chức nga cho biết họ đang lên kế hoạch phê chuẩn vaccine chống COVID-19 trong khoảng thời gian từ 10/8 tới 12/8.
Dù vậy, việc Nga không công bố dữ liệu khoa học về các thử nghiệm lâm sàng khiến nhiều chuyên gia lo ngại quốc gia này đang đốt cháy giai đoạn dưới áp lực chính trị vốn quảng bá hình ảnh Nga như một lực lượng khoa học toàn cầu.
Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ mắc COVID-19
Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah xác nhận ông phải nhập viện điều trị hôm 2/8 sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19.
Ông Amit Shah là cố vấn thân cận của Thủ tướng Narendra Modi và là 1 trong những chính trị gia quyền lực nhất Ấn Độ. Ông đứng đầu một bộ chủ chốt luôn đi đầu trong nỗ lực đối phó với đại dịch COVID-19 tại Ấn Độ.
"Tôi đề nghị tất cả các bạn, những người đã tiếp xúc với tôi trong những ngày qua, tự cách ly và làm xét nghiệm", ông Shah viết trên Twitter.
Ấn Độ hiện là ổ dịch lớn thứ 4 thế giới với hơn 1,7 triệu ca bệnh và gần 38.000 người chết.
Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah. (Ảnh: One India)
Đáng chú ý, liên tiếp 4 ngày gần đây, Ấn Độ luôn ghi nhận trên 50.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày.
Trong khi tình hình dịch ở một số thành phố lớn như Mumbai và Delhi đang có dấu hiệu suy giảm, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở một số điểm nóng mới tại Ấn Độ.
Tình trạng lũ lụt đang diễn ra ở phía Đông và Đông Bắc Ấn Độ khiến hàng chục nghìn người phải di dời, làm cản nỗ lực đối phó với dịch bệnh. Tại Bihar - bang nghèo nhất Ấn Độ với 125 triệu dân sinh sống, hơn 25.000 người bị nhồi nhét trong các trại tạm trú.
Chuyên gia cảnh báo Mỹ đang trong giai đoạn mới của dịch COVID-19
Tiến sỹ Deborah Birx, điều phối viên nhóm đặc trách chống COVID-19 của Nhà Trắng hôm 2/8 cảnh báo Mỹ đang trong giai đoạn mới của đại dịch.
Theo bà Birx, dịch bệnh ở Mỹ đang lan rộng hơn rất nhiều so với thời điểm bắt đầu bùng phát hồi đầu năm. Vị chuyên gia y tế Mỹ kêu gọi người Mỹ ở tất cả khu vực, bất kể thành thị hay nông thôn tuân thủ các khuyến cáo y tế, bao gồm đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội.
Tiến sỹ Deborah Birx, điều phối viên nhóm đặc trách chống COVID-19 của Nhà Trắng.
Mỹ hiện vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 4,5 triệu ca bệnh. Trong tháng 7, nước này ghi nhận hơn 1,9 triệu ca nhiễm mới, chiếm gần 42% trong tổng số ca bệnh kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Con số báo cáo này nhiều hơn gấp đôi số ca được ghi nhận trong bất kỳ tháng nào khác. Tháng ghi nhận số ca cao thứ hai là tháng 4 với hơn 880.000 ca.
Virus đang lây nhiễm với tốc độ nguy hiểm tại phần lớn miền Trung Tây nước Mỹ - ở các bang từ Mississippi đến Florida, California. Trung bình có khoảng 65.000 ca mỗi ngày trong khoảng 2 tuần qua, nhiều gấp đôi so với mức trung bình cao nhất từ làn sóng đầu tiên.
Ở nhiều tiểu bang, các quan chức chính phủ cố gắng thắt chặt lại các hạn chế giãn cách xã hội đối với người dân và doanh nghiệp, đưa ra những cảnh báo về virus.
Con số chết người do virus tiếp tục tăng sau khi giảm từ giữa tháng 4. Đầu tháng 7, số người chết trung bình là khoảng 500 mỗi ngày. Trong tuần qua, con số này đạt trung bình hơn 1.000 mỗi ngày.