Thờ cúng tổ tiên, thần linh là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, luôn thành kính và biết ơn về những điều tốt đẹp mà mình nhận được trong cuộc sống.
Trong các vật phẩm dùng cho việc thờ cúng, kỷ chén thờ là thứ không thể thiếu, đóng vai trò quan trọng trong việc bày tỏ lòng tôn kính của gia chủ với thần phật và gia tiên. Kỷ chén thờ là bộ chén dùng để đựng nước hoặc rượu trên bàn thờ, thường có chân trụ vững chắc, hai bên có quai dễ dàng nhấc lên, giữa chén có độ lõm để cố định. Bộ kỷ chén thường được thiết kế với số lẻ, thường là 3 hoặc 5 chén, phù hợp với ý nghĩa tâm linh và phong thủy.
Vậy trên bàn thờ nên để 3 hay 5 chén nước? Hai con số này đều mang những ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Phần lớn các gia đình đặt kỷ 3 chén nước để thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với tổ tiên, các vị thần linh. Có ý kiến cho rằng, 2 chén ở phía ngoài dành cho bà cô, ông mãnh (những người chết trẻ trong gia tộc, được cho là rất linh thiêng, luôn theo sát để phù hộ độ trì cho con cháu, người thân còn sống) hoặc tổ tiên nói chung, chén ở giữa để dâng lên thần linh.
Có người nói, hai chén nước hai bên dành cho cho tổ tiên và người thân đã khuất, chén ở giữa dành cho thần linh. Có ý kiến nói rằng bàn thờ nên để 3 chén nước tượng trưng cho lòng tri ân, tưởng nhớ công ơn dưỡng dục của cha mẹ, phù hợp với quan niệm để tang 3 năm khi cha mẹ qua đời.
Bàn thờ nên để 3 chén hay 5 chén nước?. (Ảnh: Gốm Thiên Long)
Bộ kỷ 5 chén nước có ý nghĩa sâu sắc trong phong thủy, tượng trưng cho ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) và ngũ cúng “hương, đăng, trà, hoa, quả”. Trong đó, 3 chén ở giữa đại diện cho Phật - Thánh, còn 2 chén hai bên tượng trưng cho bà cô, ông mãnh và tổ tiên nói chung.
Đối với các gia đình thờ Phật tại gia, 5 chén còn tượng trưng cho ngũ giới - kiêng sát sinh, tà dâm, trộm cướp, uống rượu và nói dối.
Xét trên khía cạnh thực tế, kỷ nước 3 chén thích hợp với bàn thờ có diện tích hẹp, giúp tiết kiệm không gian và giữ được sự cân đối giữa các vật phẩm trên bàn thờ. Kỷ nước 5 chén thường được dùng trên các bàn thờ rộng, có đủ không gian để bài trí cân đối và thể hiện đầy đủ ý nghĩa tâm linh.
- Vị trí và chất liệu: Kỷ chén thờ nên được đặt ngay ngắn trên ngai, biểu tượng cho sự bền lâu, tôn nghiêm. Chất liệu phổ biến của kỷ chén là gốm sứ, loại vật liệu hội tụ đầy đủ các yếu tố ngũ hành.
- Các loại hoa văn phổ biến: Kỷ chén hoa văn cuốn thư tượng trưng cho sự cao sang, trí thức và phú quý. Kỷ chén hoa văn mặt nguyệt mang lại điềm lành, tượng trưng cho sự sống và ngũ hành. Kỷ chén hoa văn rồng phượng thể hiện vẻ uy nghiêm, vương giả.
- Dùng nước hay rượu? Gia chủ có thể lựa chọn đựng nước hoặc rượu tùy vào phong tục gia đình, nhưng các chén phải được đặt ngay ngắn vào ngai để đảm bảo sự tôn kính.
Bàn thờ nên để 3 chén hay 5 chén nước? Điều này thờ không có quy tắc cố định, gia chủ cần lựa chọn dựa trên diện tích bàn thờ và quan niệm tâm linh của mình, điều quan trọng nhất vẫn là lòng thành kính đối với thần linh, tổ tiên.