Chúng ta thường có thói quen vứt hóa đơn vào sọt rác ngay sau khi thanh toán xong một giao dịch mua bán nào đó. Điều này hoàn toàn bình thường vì đa số chúng ta nghĩ rằng mua bán xong là đã xong việc. Nhưng thực tế, chiếc hóa đơn bé nhỏ đó đôi khi cũng "đáng tiền" lắm.
Trong trường hợp hàng hóa bị hỏng hóc, lỗi từ nhà sản xuất hay bất kỳ nguyên nhân nào khiến bạn không thể sử dụng, việc giữ hóa đơn mua hàng hóa ra lại mang về lợi ích không nhỏ.
Theo đó, chúng ta có thể tìm hiểu thêm về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là cung cấp bằng chứng giao dịch, được quy định tại Điều 20 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể:
Thứ nhất, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng hóa đơn hoặc chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người tiêu dùng.
Thứ hai, trường hợp giao dịch bằng phương tiện điện tử thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tạo điều kiện cho người tiêu dùng truy nhập, tải, lưu giữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu quy định trên.
Thực tế, không phải lúc nào người bán cũng cung cấp hóa đơn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, một số người tiêu dùng thường không có thói quen yêu cầu cung cấp hoặc thậm chí không lưu trữ hóa đơn khi được cung cấp.
Điều này gây ra nhiều bất lợi cho người tiêu dùng trong trường hợp cần bảo hành, khiếu nại, giải quyết tranh chấp…
Bằng chứng giao dịch có ý nghĩa quan trọng giúp người tiêu dùng có thể bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia mua bán hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp.
Bởi lẽ, bằng chứng giao dịch là sự ghi nhận một giao dịch đã được xác lập, là cơ sở để các bên thực hiện các nội dung đã thỏa thuận.
Đồng thời, bằng chứng giao dịch là một chứng cứ quan trọng để người tiêu dùng có thể khiếu nại hoặc khởi kiện khi có hành vi vi phạm trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp.