Trên thực tế, nhiều người khi mua phải hàng hóa bị lỗi hay hỏng hóc không biết xử lý như thế nào, có thể yêu cầu sửa chữa hay đổi lấy hàng khác không?
Theo quy định của pháp luật, tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ có trách nhiệm thu hồi hàng hóa lỗi và bồi thường một khoản chi phí hợp lý do lô hàng đó gây ra cho bạn.
Cụ thể, Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra như sau:
Thứ nhất, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 24 của Luật này.
Thứ hai, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa;
- Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa;
- Tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên hàng hóa hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa;
- Tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa có khuyết tật cho người tiêu dùng trong trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
Thứ ba, việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
Như vậy, ngay khi phát hiện và xác nhận hàng hóa có lỗi do tổ chức, cá nhân sản xuất cung cấp thì tổ chức, cá nhân sản xuất có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng.
Tổ chức, cá nhân sản xuất chỉ được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi chứng minh được khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng.