Có thể bạn chưa biết, khi bạn là người tiêu dùng, người mua hàng, bạn có nhiều "quyền" quan trọng mà thực tế chưa tận dụng hết trong quá trình giao dịch mua bán của mình.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi cung cấp cho bạn hiểu thêm về những quyền lợi mà người tiêu dùng cần biết trong việc giám sát công việc của bên thứ ba trong việc thực thi trách nhiệm với người tiêu dùng.
Bên thứ ba ở đây được hiểu là các nhà phân phối, đại lý, người làm dịch vụ quảng cáo hay chủ các phương tiện truyền thông, quảng cáo mà nhà sản xuất lựa chọn để cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ của chính họ.
Song song với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, bên thứ ba cần có trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng một cách chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp, căn cứ theo quy định tại Điều 13 của Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 như sau:
Thứ nhất, trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua bên thứ ba thì bên thứ ba có trách nhiệm: Bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp; Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp chứng cứ chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ.
Ngoài ra, bên thứ ba phải chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, pháp luật về quảng cáo.
(Ảnh minh họa)
Thứ hai, trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua phương tiện truyền thông thì chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông có trách nhiệm:
Một là, thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.
Hai là, xây dựng, phát triển giải pháp kỹ thuật ngăn chặn việc phương tiện, dịch vụ do mình quản lý bị sử dụng vào mục đích quấy rối người tiêu dùng.
Ba là, từ chối cho tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý nếu việc sử dụng có khả năng dẫn đến quấy rối người tiêu dùng.
Bốn là, ngừng cho tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý để thực hiện hành vi quấy rối người tiêu dùng theo yêu cầu của người tiêu dùng hoặc yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, vai trò và trách nhiệm của bên thứ ba góp phần không nhỏ trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, trong vấn đề quảng cáo sản phẩm, dịch vụ, bên quảng cáo cần kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ để thực hiện hoạt động truyền thông về chúng, nếu không sẽ vi phạm và phải chịu xử phạt của pháp luật.