Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ban Chấp hành Trung ương khóa XII kiểm điểm trước Đại hội khóa XIII

Sáng 26/1, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trình bày Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho biết Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã xem xét, thi hành kỷ luật nghiêm minh 7 cán bộ lãnh đạo cấp cao, gồm một ủy viên Bộ Chính trị, 3 ủy viên Trung ương Đảng, 3 nguyên ủy viên Trung ương Đảng bằng các hình thức khai trừ, cách chức, cho thôi giữ chức vụ trong Đảng, Nhà nước.

Trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN), Ban Chấp hành Trung ương quan tâm lãnh đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản nên tạo ra bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng.

“Tình trạng tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng giảm, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Có ủy viên Trung ương còn thiếu gương mẫu

Với các ủy viên Trung ương (chính thức và dự khuyết) khóa XII, ông Vượng nhấn mạnh nhiều ưu điểm như có lập trường tư tưởng vững vàng, có quyết tâm chính trị, ý thức tồ chức kỷ luật, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trình bày Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Các ủy viên Trung ương đều nêu gương về đạo đức, phong cách lãnh đạo, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đồng thời, đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư những nội dung cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.

Tuy nhiên, một số ít ủy viên Trung ương chưa thường xuyên nghiên cứu sâu các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương, cập nhật tình hình thực tiễn; thiếu chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý những vấn đề phức tạp nảy sinh trong thực tiễn.

Đặc biệt, theo Thường trực Ban Bí thư, còn có ủy viên Trung ương thiếu gương mẫu, vi phạm các nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật về đảng và xử lý hình sự.

Trong công tác xây dựng Đảng, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành nhiều quy định, kết luận về công tác cán bộ; chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tự kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh công tác cán bộ, xử lý dứt điểm các tổ chức, cá nhân có sai phạm.

Cùng với đó, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đổi mới và thực hiện nghiêm túc quy trình, quy định về công tác cán bộ; tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Đặc biệt, Trung ương đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đã tạo sự chuyển biến rõ rệt.

Ông Vượng cho biết nhiệm kỳ vừa qua, Trung ương đã lập 36 đoàn kiểm tra do các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm trưởng đoàn, kiểm tra 110 lượt tổ chức đảng trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng.

Cùng với đó, Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng và 52 cán bộ, đảng viên vi phạm, trong đó có những người giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các địa phương, đơn vị, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang.

Cụ thể, Bộ Chính trị kỷ luật 11 cán bộ, đảng viên. Trong đó: 2 ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên ủy viên Bộ Chính trị, 4 ủy viên Trung ương Đảng, 2 nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 2 thứ trưởng Bộ Công an không phải ủy viên Trung ương Đảng. Ban Bí thư thi hành kỷ luật 41 cán bộ, đảng viên, trong đó có 12 nguyên ủy viên Trung ương.

“Một số trường hợp phải xử lý hình sự, bảo đảm dân chủ, đoàn kết, công minh, chính xác, công khai, kịp thời, nhân văn, thấu tình đạt lý. Nhiều vụ việc khó, phức tạp, nhạy cảm, dư luận quan tâm và đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được lãnh đạo, chỉ đạo xem xét, kết luận và xử lý nghiêm minh”, ông Vượng thông tin.

Củng cố niềm tin của nhân dân

Để thực hiện hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực, lãng phí, Thường trực Ban Bí thư cho biết Trung ương khóa XII đã ban hành nhiều văn bản nhằm từng bước hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 

Nhờ sự tăng cường phối hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng thanh tra với kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đã tạo ra sức mạnh đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực, lãng phí. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc và thu hồi tài sản thất thoát được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả.

“Nhiều vụ việc, vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến một số cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý được phát hiện, xử lý nghiêm minh. Việc này tạo dấu ấn quan trọng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Đánh giá chung, ông Vượng khẳng định nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là tập thể đoàn kết, thống nhất cao, bản lĩnh, trí tuệ, luôn bám sát các quan điểm, đường lối, đưa ra các quyết sách kịp thời, đúng đắn, phù hợp, giải quyết nhiều vấn đề về quan trọng của đất nước.

Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện đường lối, thể chế và giải quyết có hiệu quả một số khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém từ nhiều năm trước của nền kinh tế. Kinh tế chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

"Có thể khẳng định, những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ tạo ra dấu ấn lớn, là điểm tựa cho những năm tiếp theo, mà còn tạo ra niềm tin, khí thế để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách, tận dụng thời cơ để nước ta bước vào một thời kỳ phát triển mới", ông Vượng nêu rõ.

Tuy nhiên, ông cho biết công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ Đại hội XII còn có một số hạn chế như việc tổ chức thực hiện vẫn còn là khâu yếu. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước về kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường còn một số hạn chế, bất cập. Việc triển khai các công trình trọng điểm quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Có lúc, có nơi việc xây dựng tổ chức thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật và thực thi công vụ vẫn còn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm.

Theo Thường trực Ban Bí thư, những thiếu sót, khuyết điểm nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân quan trọng là do hoạt động, phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số lĩnh vực còn hạn chế; chưa tập trung quyết liệt trong lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết; trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong một số lĩnh vực, địa phương chưa rõ...

"Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin nghiêm túc tự phê bình trước Đại hội và toàn Đảng, toàn dân về những khuyết điểm, thiếu sót nêu trên", ông Vượng nêu rõ.

Từ những khuyết điểm đó, ông nêu nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra. Trong đó lưu ý Trung ương lãnh đạo toàn diện nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm. Trong chỉ đạo phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, nhạy bén, tích cực, luôn theo dõi, bám sát diễn biến tình hình của đất nước và thế giới.

Bên cạnh đó, phát huy dân chủ, thường xuyên nêu cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương.

Nguồn: Zing News

Tin mới