Video: Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập (Nguồn: VTV24)
Khi nghe tiếng Bác vang lên “Hỡi đồng bào cả nước!”, chúng tôi như được hòa chung trong không khí thiêng liêng của buổi chiều lịch sử 77 năm trước và lại có những cảm nhận mới mẻ. Thanh âm của bản Tuyên ngôn Độc lập vừa dứt, nhà sử học Dương Trung Quốc tiếp nối bằng những nghĩ suy của mình...
Tôi không phải nhân chứng lịch sử, nhưng do nghề nghiệp tôi có nhiều cơ hội được tiếp cận với các nhân chứng lịch sử, tiếp cận nhiều nghiên cứu của các nhà sử học Việt Nam cũng như nước ngoài.
Vì thế mà 77 năm qua, đặc biệt là dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám 1945, ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945, một lần nữa, chúng ta lại như được sống với quá khứ hào hùng của dân tộc và một lần nữa tiếp cận trở lại với tấm giấy khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và mục tiêu của Nhà nước đó là: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
Và cũng như mọi vấn đề lịch sử khác, bên cạnh giá trị của quá khứ, nó luôn luôn đồng hành, cập nhật với đời sống đang phát triển của chúng ta. Đó chính là giá trị của sự kiện, cũng như của bản Tuyên ngôn Độc lập.
Tôi rất quan tâm đến việc chúng ta đọc lại những văn kiện ấy, thấy những gì nó đang thể hiện trong đời sống hôm nay; nói cách khác là những giá trị của văn kiện ấy đối với chính ngày hôm nay, chứ không phải chỉ là câu chuyện của 77 năm trước.
- Dù cho đất nước đã trải qua suốt 77 năm kể từ ngày được khai sinh thì sáu chữ Độc lập – Tự do – Hạnh phúc vẫn đi liền cùng Quốc hiệu Việt Nam cho đến hôm nay. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà hoạt động cách mạng, nhà hoạt động quốc tế cộng sản, là một người cộng sản; Cụ đã từng trải qua Xô Viết ở Quảng Châu (Trung Quốc), Xô Viết ở nước Nga nên khi cầm quyền Cụ lựa chọn một mô hình nhà nước rất nhân văn, rất hiện đại là tinh hoa của nhân loại. Đó là một nhà nước của nhân dân, vì nhân dân với ba mục tiêu rất rõ ràng: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.
Việc lựa chọn được cái đích đúng để xác định được hướng đi đúng cực kỳ quan trọng. Cho đến bây giờ, chúng ta vẫn đang tiếp tục con đường ấy. Chính vì thế mà ba mục tiêu ấy chưa bao giờ thay đổi.
Ba mục tiêu ấy được thể hiện một cách hết sức minh bạch và đơn giản như Cụ từng nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Đến bây giờ chúng ta vẫn đang phấn đấu theo tư tưởng đó. Chúng ta giữ được nền độc lập dân tộc, chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình, chúng ta đã làm thay đổi đất nước rất nhiều vì độc lập, tự do, hạnh phúc của người dân… Vì thế, tính thời sự của bản Tuyên ngôn Độc lập là rất lớn.
Chúng ta nhắc lại chuyện không phải 77 năm trước mà là chuyện của chính hôm nay. Người ta cứ nhấn mạnh đến sự bình đẳng trên thế giới, ở châu Âu phát triển, nhưng Việt Nam từ năm 1945 đã xác định bình đẳng tôn giáo, bình đẳng về chủng tộc, mặc cho sự kì thị màu da ở nước Mỹ còn kéo dài đến thập kỷ 60 của thế kỷ XX. Sự bình đẳng thể hiện trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên ở Việt Nam với quyền của người phụ nữ trong ứng cử và bầu cử.
Như vậy, ngay từ ngày 2/9/1945 lịch sử đó chúng ta đã có những nguyên lý rồi. Tất nhiên, từ nguyên lý đến thực hiện còn khoảng cách nhưng có thể nói, tất cả những vấn đề cơ bản nhất đã được đặt ra trên nền tảng của bản Tuyên ngôn Độc lập.
Chúng ta xây dựng một thể chế mới sau khi chúng ta giành được độc lập dân tộc, chấm dứt chế độ thuộc địa của thực dân Pháp, phát xít Nhật và đồng thời chấm dứt luôn chế độ chuyên chế của nền quân chủ Việt Nam.
Như vậy, bản Tuyên ngôn Độc lập là một cái mốc, một cương lĩnh. Cho dù sau này Đảng đã xây dựng nhiều cương lĩnh cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, nhưng suy cho cùng vẫn là trên tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập.
- Nhiều người nói Cụ Hồ tính toán được thời gian Cách mạng tháng Tám thành công, chọn được ngày, giờ để đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông nhìn nhận việc này như thế nào?
Tôi tin tưởng chắc chắn là Cụ có tầm nhìn phi thường của một vĩ nhân căn cứ vào các dữ kiện cụ thể. Cụ chọn ngày 2/9 là ngày thích hợp nhất trong điều kiện thời gian cho phép để có thể tổ chức một sự kiện lớn như thế trước khi quá muộn.
Những người đương thời nói với tôi việc ấn định ngày 2/9 là một cuộc chạy đua vì chỉ chậm chút nữa thôi thì các đại diện của quốc tế đến và họ có đủ tư cách pháp nhân để khống chế tất cả mọi cái.
Hay tầm nhìn của Cụ khi Cụ chấp nhận lựa chọn đứng trong hàng ngũ của Đồng Minh. Còn trước đó khá lâu, Cụ sang Côn Minh gặp người Mỹ, tìm mọi cách để liên kết với người Mỹ, hỗ trợ, giúp đỡ người Mỹ ở mặt này và nhận được sự ủng hộ ở mặt khác. Quan trọng nhất, Cụ khẳng định, Việt Nam chúng tôi ở trong hàng ngũ của Đồng Minh, hàng ngũ của những người chiến thắng.
Nếu chúng ta không có tầm nhìn thì sẽ bị lỡ mất cơ hội, mà cơ hội trong lịch sử thì cực kỳ quan trọng.
- Ông có thể phân tích rõ thêm về cơ hội lịch sử để đất nước Việt Nam khẳng định được quyền độc lập không phải chỉ trước quốc dân đồng bào mình mà với cả toàn thế giới?
Vào thời điểm năm 1945, khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, sau khi chủ nghĩa phát xít thất bại, chủ nghĩa thực dân cũng có những thay đổi… Đây là cơ hội cho nhiều nước giành độc lập.
Sau khi Nhật đầu hàng thì theo Hiệp ước Potsdam, Trung Quốc sẽ tiếp quản từ vĩ tuyến 18 lên trên, phía Nam là Đế quốc Anh. Lúc đó, khi bộ máy thực dân cùng bộ máy bành trướng phương Bắc đã áp đặt cùng nước Pháp - quốc gia đã từng tham gia vào cuộc chiến tranh chống phát xít cũng chủ trương thu hồi lại chủ quyền, thuộc địa của mình. Như vậy, nếu làm chậm một chút thôi thì cơ hội không còn nữa.
Từ hai dữ kiện này ta thấy, Cụ Hồ đã có tầm nhìn xa cho nên đã tự xác định Việt Nam là một thành phần của Đồng Minh. Có một chi tiết chúng ta không tuyên truyền nhiều, nhất là thời kỳ chiến tranh với đế quốc Mỹ.
Đó là việc đơn vị tình báo Mỹ nhảy dù xuống Tân Trào, đã cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Đại đội Việt - Mỹ. Đơn vị này tham gia vào một số hoạt động quân sự, tuyên truyền lúc đó. Thực ra nó không tác động nhiều trong diễn biến cuộc cách mạng, nhưng nó có ý nghĩa, vì chúng ta chọn chỗ đứng là phe Đồng Minh, phe của những người chiến thắng.
Trong khi đó, chúng ta đã chứng kiến cụ Trần Trọng Kim - một người có tinh thần dân tộc - cũng muốn đây là cơ hội có thể giành độc lập dân tộc; kể cả ông Bảo Đại nữa. Nhưng họ dựa vào đâu? Dựa vào Nhật Bản, là thế lực đang đi xuống, đang thua trận nên không có giá trị pháp lý.
Vì thế, việc đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào thời điểm đó thể hiện vị thế của cách mạng Việt Nam, một đất nước nhỏ bé thôi nhưng trên bình diện quốc tế với sự kiện này lại không hề nhỏ bé chút nào.
Hay như việc Hà Nội lúc đó có rất nhiều những địa điểm có thể tổ chức Lễ Quốc khánh, nhưng việc lựa chọn vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) cũng đã thể hiện tầm nhìn của Cụ Hồ.
- Ông từng nói, Tuyên ngôn Độc lập có quá trình hình thành rất đặc biệt và thú vị. Xin ông giải thích cặn kẽ hơn về điều này?
Khi soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập ở ngôi nhà 48 Hàng Ngang (Hà Nội), Cụ Hồ đã thảo luận với các đồng chí, các nhà lý luận của Đảng. Cụ cũng nhờ những vị có trình độ pháp luật, những trí thức của chế độ nhận xét. Cụ còn trao đổi cả với người nước ngoài.
Nhưng điều đặc biệt, Cụ mời những người phục vụ góp ý. Bởi đây là văn kiện toàn dân, người nghe phải hiểu. Cụ hỏi họ là có hiểu hay không vì Cụ muốn văn kiện ấy phải đi vào đời sống, chứ không phải chỉ để tuyên bố thế giới.
Cho dù tuyên bố với thế giới rất quan trọng, nhưng Cụ lại muốn cho người dân bình thường hiểu và người dân được tham gia vào quá trình đó.
- Thưa ông, mở đầu văn kiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến 2 bản Tuyên ngôn nổi tiếng của thế giới: Tuyên ngôn về độc lập của nước Mỹ 1776 và Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền của nước Pháp 1791. Ông lý giải như thế nào về điều này?
Cụ Hồ nhắc đến hai sự kiện ấy, hai văn kiện ấy như hai cột mốc trên con đường phát triển của nhân loại về tinh thần độc lập dân tộc, cũng như về tinh thần dân chủ, nhân quyền. Phải chăng, Cụ Hồ muốn nói rằng, Cách mạng Tháng Tám 1945 đã đi tiếp con đường của nhân loại?
Và quả thật nếu chúng ta lùi lại để nhìn nhận thì cách mạng Việt Nam có vị trí đặc biệt. Nó khởi đầu cho phong trào giải phóng dân tộc của các nước nhỏ yếu, các nước thuộc địa. Ai cũng phải thừa nhận sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Việt Nam, thì sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ đã diễn ra ở châu Phi, ở rất nhiều nước trên thế giới. Điều đó có sự đóng góp rất lớn của cách mạng Việt Nam.
Nhưng quan trọng hơn, bản Tuyên ngôn Độc lập ấy đã kế thừa sự phát triển những giá trị có tính phổ quát nhất của nhân loại, nó đặt ra những vấn đề cho chính cách mạng Việt Nam phải làm.
Bởi vì Cách mạng Tháng Tám 1945 không chỉ có một giá trị dễ thấy nhất là đánh đổ chế độ thuộc địa của thực dân Pháp, chấm dứt chế độ đô hộ của nước ngoài như ông cha ta đã làm mà điều quan trọng hơn là nó đánh đổ chế độ cũ ấy để xây dựng chế độ hoàn toàn mới - điều chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.
Như thế là với Cách mạng Tháng Tám 1945, với sự kiện vua Bảo Đại - vị Hoàng đế cuối cùng của triều đại phong kiến cuối cùng - tuyên bố thoái vị thì nó cũng chấm dứt luôn cả nghìn năm của thể chế quân chủ.
- Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình mỗi lần đọc lại Tuyên ngôn Độc lập?
Mỗi lần đọc hay nghe lại tôi càng thấy được giá trị lâu dài, sự tác động như thế nào vào đời sống ngày hôm nay chứ không phải chỉ là đọc lại văn kiện cũ. Qua đó để xem điều mong muốn của chúng ta sau khi giành độc lập dân tộc được thể hiện trong bản Tuyên ngôn này đã thực sự trở thành hiện thực chưa.
Đương nhiên, có rất nhiều điều đã trở thành hiện thực tốt đẹp rồi. Ví dụ, hồi đó nước ta là một nước chịu đựng nạn đói khủng khiếp; nhưng bây giờ, chúng ta là quốc gia bảo đảm an ninh lương thực trên thế giới…
Chính bản Tuyên ngôn Độc lập nêu những vấn đề rất căn bản như thế, khiến chúng ta phải coi đó như mục tiêu, đỉnh cao ở phía trước để đồng lòng cùng nhau phấn đấu xây dựng Việt Nam trở thành một đất nước của Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
- Xin cảm ơn ông.
Video: Nhà sử học Dương Trung Quốc nói về việc chọn địa điểm cho Lễ Quốc khánh 2/9/1945
MINH ĐỨC - PHƯƠNG ĐÔNG - NGÔ NHUNG - HỮU DÁNH thực hiện
Thiết kế: PHẠM MẠNH