Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ba Lan đòi phí sửa chữa cao bất thường, xe tăng Ukraine hỏng 'đắp chiếu'

(VTC News) -

Theo tờ Der Spiegel, dự án thiết lập trung tâm sửa chữa tăng thiết giáp cho Ukraine đã chậm hơn một tháng, trong khi xe tăng đang ùn ùn đổ về Ba Lan.

Hãng tin Der Spiegel cho biết, tính đến cuối tháng 6, quân đội Ukraine không còn trung tâm hậu cần nào phù hợp để sửa chữa những chiếc xe tăng do phương Tây viện trợ. Vấn đề xuất phát từ sự bất hòa của Đức và Ba Lan trong vấn đề này.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, việc thiết lập một trung tâm sửa chữa tăng thiết giáp ở Ba Lan cho Ukraine đã chậm hơn một tháng so với kế hoạch.

Trước đó, tháng 4, Bộ trưởng Pistorius đã công bố dự án trên bên lề cuộc họp liên minh phương Tây ủng hộ Ukraine tại căn cứ Không quân Ramstein của Mỹ ở Đức. Ông Pistorius cho biết vào thời điểm đó, trung tâm sửa chữa xe tăng Leopard do Đức sản xuất dự kiến ​​sẽ được thành lập trên lãnh thổ Ba Lan vào cuối tháng 5.

Mức phí sửa chữa quá cao của Ba Lan đang khiến dự án trung tâm sửa chữa xe tăng cho Ukraine chậm tiến độ hơn một tháng. (Ảnh: DPA)

Đến đầu tháng 7, dự án trên vẫn chưa thể đi vào hoạt động theo tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Đức.

Theo nguồn tin của Der Spiegel, dự thảo thỏa thuận xây dựng trung tâm bảo dưỡng xe tăng cho Ukraine giữa Berlin và Warsaw được công bố vào tuần trước nhưng bất đồng giữa hai bên đã dẫn đến việc nó không được ký kết.

Các công ty công nghiệp quốc phòng của Đức đang đổ lỗi cho Ba Lan vì dự án này bị kéo dài.

Theo thỏa thuận ban đầu, hai công ty sản xuất xe tăng của Đức gồm Rheinmetall và KMW – sẽ thành lập một liên doanh tại Ba Lan cùng với công ty PGZ thuộc sở hữu nhà nước của Ba Lan để thành lập trung tâm sửa chữa xe tăng cho Ukraine. Chi phí sửa chữa xe tăng sẽ do chính phủ Đức chi trả.

Ba Lan sau đó đặt "mức giá phi thực tế" cho các dịch vụ sửa chữa, các nguồn tin trong giới công nghiệp Đức nói với Der Spiegel. Họ cho biết PGZ đã tính phí hơn 100.000 euro cho lần kiểm tra ban đầu đối với một chiếc xe tăng bị hư hỏng, đồng thời cho biết thêm một quy trình tương tự sẽ chỉ tốn khoảng 12.000 euro ở Đức. Phía Ba Lan được cho là cũng từ chối cung cấp bất kỳ bảo hành nào cho việc sửa chữa.

Theo Der Spiegel, Ba Lan đang cố gắng tạo nên áp lực chính trị khi đưa ra các yêu cầu vô lý như trên.

Cũng theo Der Spiegel, một số xe tăng Leopard 2 của Ukraine cần sửa chữa đã đến Ba Lan nhưng không có nơi tiếp nhận.

Ngày 3/7, Bộ trưởng Pistorius đã một lần nữa thảo luận vấn đề này với Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak trong chuyến thăm đến Ba Lan. Bộ trưởng Đức yêu cầu đẩy nhanh tiến độ của dự án, đồng thời nói thêm rằng ông mong đợi một giải pháp sẽ được hai bên thống nhất trong vòng mười ngày tới.

Trà Khánh

Tin mới