Dai dẳng xung đột biên giới
Trong quá khứ, Ấn Độ và Trung Quốc là những kỳ phùng địch thủ ở khu vực châu Á, liên tục cạnh tranh để giành tầm ảnh hưởng tới các quốc gia nằm giữa 2 nước này, như Nepal, Bhutan và khu tự trị Tây Tạng.
Trước khi Quân Giải phóng Trung Quốc tấn công năm 1950, Tây Tạng là một quốc gia có chủ quyền và trên thực tế, là vùng đệm giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Khu vực biên giới Ấn Độ và Trung Quốc xảy ra vụ ẩu đả chết người hôm 15/6. (Đồ họa: Telegraph)
Nhưng sự hợp nhất Tây Tạng vào lãnh thổ Trung Quốc đã làm thay đổi biên giới giữa hai nước. Đặc biệt là vấn đề biên giới ở bang Jammu-Kashmir xảy ra và kéo dài dai dẳng nhiều thập kỷ và hiện vẫn chưa được giải quyết.
Theo Tiến sĩ chính trị học Alekxander Mishin, nhà sáng lập Trung tâm nghiên cứu châu Phi cho biết, tranh chấp lãnh thổ Trung - Ấn bắt đầu từ những năm 1947, khi Ấn Độ giành độc lập, không còn là thuộc địa của Anh.
Các xung đột lúc bấy giờ thường xuyên diễn ra. Đến năm 1962, cuộc chiến biên giới xảy ra đẫm máu. Theo các nguồn tin, lực lượng quân sự Trung Quốc vào khoảng 80.000 lính, trong khi số quân Ấn Độ là khoảng 12.000. Đây là cuộc chiến sơn cước quy mô lớn giữa 2 cường quốc ở độ cao trên 4.250m, đặt ra nhiều vấn đề hậu cần cho cả hai bên tham chiến.
Trong cuộc chiến này, hai bên không sử dụng không quân hay hải quân tham chiến. Tuy nhiên, hàng nghìn binh sỹ từ hai phía đã tử trận và bị thương nặng trong cuộc chiến 11 ngày này.
Kết quả cuộc tranh chấp biên giới Trung-Ấn là khu vực Aksaychin gần Tây Tạng lọt vào sự kiểm soát của Trung Quốc.
Kể từ chiến tranh Trung-Ấn năm 1962, khu vực biên giới chung giữa 2 nước luôn là điểm nóng trong khu vực. Từ năm 1962-1975, các vụ đụng độ chết người vẫn thường xảy ra trên vùng biên giới này.
Khu vực đường biên giới dài 3.448 km không thể phân định biên giới chung, do những yêu sách lãnh thổ mà Bắc Kinh và New Delhi, theo các vạch kiểm soát thực tế.
Ẩu đả đẫm máu
Trong suốt tháng 5, ở khu vực biên giới đang tranh chấp diễn ra nhiều cuộc xung đột nhỏ lẻ giữa quân đội Trung - Ấn, kèm theo đó là việc bổ sung lực lượng và vũ khí từ cả hai bên.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, mâu thuẫn giữa hai cường quốc hạt nhân đang trở nên nghiêm trọng hơn và có thể dẫn tới cuộc đối đầu toàn diện, đe dọa cắt đứt hoàn toàn quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi.
Binh sỹ tuần tra trên cao điểm biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Đầu tháng 5/2020, đường biên Trung - Ấn lại trở nên bất ổn và leo thang căng thẳng. Theo đó, hôm 5/5, một trong những địa điểm ở phía Đông Ladakh đã xảy ra cuộc ẩu đả với sự tham gia của gần 400 binh lính từ hai nước.
Ngày 9/5, thêm 1 cuộc ẩu đả tương tự lại diễn ra gần đồn biên phòng ở bang Sikkim của Ấn Độ. Sau đó, thêm 2 cuộc đụng độ nữa được ghi nhận trên đường biên giới 2 nước.
Mặc dù không sử dụng súng, nhưng nắm đấm hay đá cuội cũng khiến hơn 100 binh sỹ của 2 bên bị thương. Ngoài ra, theo một số nguồn tin, nhiều binh lính Ấn Độ bị giam giữ trong một thời gian ngắn, nhưng sau đó được phía Trung Quốc thả ra.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ không lên tiếng giải thích chính thức lý do tại sao lại xảy ra đụng độ, hay cáo buộc bên nào khai mào cuộc chiến.
Trong khi đó, quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trang bị thêm một số hệ thống vũ khí tối tân, trang bị lại máy bay chiến đấu để hoạt động ở vùng cao nguyên Tây Tạng. Ngoài ra, Bắc Kinh tiến hành tập trận hàng đêm để “thọc vào lưng kẻ thù”.
Cụ thể, báo chí Ấn Độ trích dẫn một hình ảnh vệ tinh của Planet Labs, cho thấy các lều quân sự Trung Quốc đặt gần hồ Pangong Tso của Ấn Độ.
New Delhi ngay lập tức triển khai pháo hạng nặng và một số tiểu đoàn của sư đoàn bộ binh tới biên giới, đồng thời tăng cường giám sát trên không.
Ngoài ra, theo kế hoạch trong năm 2020, Ấn Độ dự kiến hoàn thiện đường cao tốc “Phương Bắc” gần với biên giới trung Quốc. Con đường này có thể hoạt động quanh năm và cho phép quân đội Ấn Độ di chuyển sang biên giới giáp Trung Quốc nhanh hơn trong mọi thời điểm.
Trung Quốc tất nhiên không thích điều này. Hồi tháng 5, Bắc Kinh đã triển khai hơn 1.000 lính tới các căn cứ quân sự ở biên giới. Đáp lại, Ấn Độ lại tiếp tục tăng cường lực lượng quân sự ở khu vực Ladakh.
Đại diện Bắc Kinh và Delhi khẳng định, tình hình đã được kiểm soát, bất đồng đang được giải quyết thông qua các kênh ngoại giao và quân sự.
20 lính Ấn Độ thiệt mạng và 43 lính Trung Quốc thương vong trong cuộc đụng độ ở biên giới hôm 15/5 (Ảnh: Reuters)
Hôm 15/6, vụ xung đột bùng phát giữa 2 bên đánh dấu cuộc đụng độ nguy hiểm nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Theo đó, hàng nghìn binh sỹ từ hai nước, được hỗ trợ xe tải bọc thép và pháo binh đã tham gia vào cuộc đối đầu ở vùng Ladakh.
Các quan chức Ấn Độ cho biết binh lính Trung Quốc vượt qua ranh giới tại ba điểm khác nhau, dựng lều và đồn bảo vệ, bỏ qua các cảnh báo. Điều đó đã khiến các cuộc đụng độ xảy ra hôm 15/6.
Đây là lần đụng độ chết người đầu tiên tại khu vực biên giới dài 3.488 km giữa hai nước, sau vụ Trung Quốc phục kích và bắn chết 4 binh sĩ Ấn Độ tại Tulung La, Arunachal Pradesh năm 1975.
Quân đội Ấn Độ cho biết thêm, ngoài 3 binh sỹ thiệt mạng trước đó, có thêm 17 binh sỹ Ấn Độ bị thương nặng và chết trong cuộc đụng độ với Trung Quốc ở khu vực biên giới. Theo tờ ANI, Trung Quốc có 43 người thương vong. Tuy nhiên Bắc Kinh chưa lên tiếng chính thức về con số này.
Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã rút khỏi các khu vực xảy ra đụng độ tại khu vực tranh chấp biên giới. New Delhi sau đó tuyên bố cam kết "bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của quốc gia".
Theo AFP, Trung Quốc, ban đầu im lặng về vụ đụng độ, sau đó cáo buộc Ấn Độ vượt qua "biên giới tranh chấp" giữa hai nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, quân đội Ấn Độ đã qua biên giới hai lần "kích động và tấn công người Trung Quốc, dẫn đến cuộc đối đầu nghiêm trọng giữa các lực lượng biên giới ở hai bên".
"Chúng tôi một lần nữa yêu cầu Ấn Độ tuân thủ vị trí và kiềm chế các binh sỹ tiền tuyến của mình. Đừng qua biên giới, đừng gây rắc rối, đừng thực hiện bất kỳ hành động đơn phương nào sẽ làm phức tạp tình hình biên giới", ông Triệu Lập Kiên nói. Bắc Kinh sau đó gửi công hàm phản đối tới New Delhi.
Vừa đối đầu, vừa hợp tác
Theo các chuyên gia, mối quan hệ giữa hai nước láng giềng châu Á luôn ở trong tình trạng vừa đối đầu, vừa hợp tác.
Mùa hè năm 2017, hai cường quốc hạt nhân đứng trước cuộc xung đột quân sự nghiêm trọng ở cao nguyên Doklam. Mâu thuẫn sau đó được giải quyết sau 70 ngày căng thẳng leo thang và qua 13 vòng đàm phám trên mặt trận ngoại giao, lẫn quân sự.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Indian Express)
Tháng 4/2018, theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã có chuyến thăm không chính thức tới Trung Quốc. Hai bên thống nhất loại bỏ bất đồng và tập trung hợp tác. Tuy nhiên, “tuần trăng mật” giữa hai bên không kéo dài.
Tháng 2/2019, Trung Quốc đã không lên án Pakistan về vụ tấn công khủng bố ở Jammu và Kashmir nhằm vào Ấn Độ. Trung Quốc đồng thời không chịu thừa nhận trước Liên Hợp Quốc việc nhóm khủng bố Jaish-e-Muhammad từ Pakistan đứng sau vụ việc.
Tuy nhiên, Bắc Kinh không bao giờ che giấu thái độ cảnh giác với sự tham gia của New Delhi trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ và việc Ấn Độ bỏ quyền tự trị của vùng Kashmir.
Tháng 4/2020, Ấn Độ đã sửa đổi các quy tắc về đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế nước này. Theo đó, Ấn Độ quyết định “bất kỳ quốc gia nào có đường biên giới chung với Ấn Độ” có thể đầu tư, chỉ khi được chính quyền nước này chấp thuận. Bắc Kinh coi đó là một hành động chống Trung Quốc.
Đầu tháng 6 vừa qua, Ấn Độ ký với Australia thỏa thuận sử dụng căn cứ quân sự giữa 2 bên. Thỏa thuận này được cho là để ổn định lại cán cân kinh tế và sức mạnh quân sự trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong bối cảnh Trung Quốc áp đặt nhiều lệnh cấm vận kinh tế nhằm vào Australia.
Viễn cảnh nào cho quan hệ Trung-Ấn?
Theo các chuyên gia phân tích Nga, cả 2 nước Ấn - Trung đều không muốn có chiến tranh. Các bên có thể sẽ thông qua đàm phán ngoại giao để giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay. Vấn đề quan trọng là liệu có cần một trung gian hòa giải cho việc này hay không.
Và rõ ràng, Nga cũng rất quan tâm đến mối quan hệ Trung-Ấn và muốn trở thành trung gian hòa giải để làm dịu tình hình khu vực và cải thiện hình ảnh quốc tế của mình.
Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ trên cao điểm biên giới. (Ảnh: Thekashmirwalla)
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng lên tiếng đề nghị hỗ trợ 2 bên ngồi lại đàm phán hòa giải.
Tuy nhiên phản ứng của Trung Quốc là rất rõ ràng: không cần sự can thiệp của bên thứ ba. Phía Ấn Độ cũng cho biết không cần trung gian hòa giải.
Ngày 6/6 các phái đoàn hai bên có cuộc gặp riêng tại Trung Quốc. Cuộc hội đàm cấp tướng kéo dài trong 7 tiếng. Tuy nhiên kết quả duy nhất đạt được, theo đánh giá của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, là thỏa thuận việc tiếp tục liên lạc thông qua các kênh ngoại giao và quân sự để giải quyết bất đồng.
Sau cuộc xung đột đẫm máu hôm 15/6, biên giới Trung-Ấn đang nóng hơn bao giờ hết. Hai bên tiếp tục tăng cường quân sự và đổ lỗi cho nhau.
Theo giới bình luận quốc tế, để giải quyết vấn đề hiện nay, cả 2 bên sẽ cần nhiều các vòng đàm phám cả về quân sự và ngoại giao. Thậm chí cần có sự hỗ trợ của các nước trung gian là Nga hoặc Mỹ.